Để nhìn lại chặng đường lịch sử nghiên cứu và sản xuất vaccine “made in Việt Nam”, phóng viên Báo QĐND Cuối tuần có cuộc trò chuyện với GS, TSKH Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine sử dụng cho người, một nhà khoa học đã nhiều năm gắn bó với ngành vaccine Việt Nam về những dấu ấn và triển vọng vaccine ở nước ta.

Phóng viên (PV): Gần 50 năm công tác, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau, chứng kiến sự thay đổi, phát triển của ngành vaccine, theo bà, đâu là những dấu ấn của ngành vaccine Việt Nam?                                       
GS, TSKH Nguyễn Thu Vân: Việt Nam đã có hoạt động cũng như tiếp cận với các công nghệ sản xuất vaccine từ rất sớm. Ngay khi hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, chúng ta đã tiếp quản và phát triển một số loại vaccine được nghiên cứu sản xuất từ hệ thống các viện Pasteur thời Pháp xây dựng trước đó. Cùng với đó, thế hệ GS Hoàng Thủy Nguyên, GS Đặng Đức Trạch là những người được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp cử đi nước ngoài học tập, nghiên cứu về vaccine. GS Đặng Đức Trạch sang Đức học về vaccine phòng bệnh lao. GS Hoàng Thủy Nguyên sang Liên Xô học về vaccine sống giảm độc lực phòng bại liệt...

Vaccine phòng bại liệt được Liên Xô chuyển giao công nghệ và triển khai nghiên cứu phát triển, sản xuất thành công ở Việt Nam. Và nhờ chủ động nguồn vaccine đưa vào sử dụng ngay nên nước ta đã dập được dịch bại liệt bùng phát vào những năm 60 thế kỷ trước. Giai đoạn này, Việt Nam cũng đã sản xuất một số loại vaccine như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, tả, thương hàn, đậu mùa, lao, dại.

Sau năm 1975, Việt Nam chủ động tiếp tục nghiên cứu, cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới, cử nhiều cán bộ trẻ sang các nước tiên tiến như Liên Xô, Hungary học tập. Cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ta đã xây dựng hệ thống sản xuất vaccine ngày càng hiện đại, nhận chuyển giao công nghệ và phát triển vaccine đã có các thế hệ mới tiên tiến, chất lượng tốt hơn như: Viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viên gan A, sởi, rubella, rota... Cùng với đó, lĩnh vực kiểm định chất lượng vaccine cũng được quan tâm phát triển.

Năm 1997, chúng ta chủ động sản xuất một loạt vaccine được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng để phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em, góp phần đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt nhờ vaccine sản xuất trong nước. Đó là những dấu ấn, thành tựu lớn của ngành vaccine Việt Nam.

leftcenterrightdel

    GS, TSKH Nguyễn Thu Vân. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

PV: Bà có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ của mình trong nhiều năm gắn bó với ngành vaccine?
GS, TSKH Nguyễn Thu Vân: Tôi gắn bó với vaccine gần 50 năm, được trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau và may mắn được tham gia quá trình nghiên cứu phát triển hầu hết các loại vaccine, trừ một số loại mới nhất gần đây. Thời kỳ trước, nước ta còn nhiều khó khăn, ngành vaccine cũng vậy. Khó khăn nhất là những vaccine lần đầu tiên Việt Nam tiếp thu chuyển giao công nghệ để làm trong nước.

Đầu thập niên 1990, tôi được cử đi Mỹ và Nhật Bản để học tập kỹ thuật, nghiên cứu công nghệ sản xuất vaccine viêm gan B thế hệ thứ nhất từ huyết tương người. Nhưng khi về Việt Nam, dù nắm được kỹ thuật, công nghệ rồi nhưng việc triển khai thực hiện để ra được sản phẩm lại gặp rất nhiều khó khăn. Vaccine viêm gan B thế hệ đầu tiên trên thế giới là loại vaccine được sản xuất từ huyết tương người lành mang kháng nguyên.

Thời đó, hệ thống các viện huyết học, quản lý chất lượng và hệ thống thu thập máu chưa bài bản. Chúng tôi phải đạp xe đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội, rồi đi khắp các viện có bộ phận quản lý thu thập máu từ Nam ra Bắc để tìm mua những đơn vị máu có kháng nguyên bảo đảm chất lượng về sử dụng. Sau đó thì thiết lập được đầu mối các bệnh viện để họ thu thập và chuyển đến cơ sở sản xuất nên không phải đi nhiều nữa.

Rồi trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất cũng thiếu thốn, không tập trung, phải đi mượn, cậy nhờ các nơi. Tôi còn nhớ lúc đó, Viện Vệ sinh dịch tễ học (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương-PV) là đơn vị đầu ngành nhưng cả viện chỉ có một máy siêu ly tâm và đã được chúng tôi tận dụng linh hoạt chứ cũng không đúng chủng loại mình cần. Máy cũ nên anh chị em phải thay nhau trực 24/24 giờ để phòng khi máy đang chạy mà trục trặc.

Ống hút pipet là ống thủy tinh, lấy bông chặn kín phía trên rồi hút bằng miệng, nhiều lần, bông lỏng, hút mạnh tụt cả bông chặn, cả mẫu bệnh phẩm, phoóc môn vào miệng, cay xè lưỡi. Pipet thủy tinh lại rất dễ vỡ, có lần tôi bị mảnh vỡ đâm vào tay chảy máu, ngất xỉu, đồng nghiệp phải đưa sang Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô cấp cứu... Cuối cùng sau gần 10 năm, đến năm 1997, vaccine phòng viêm gan B thế hệ đầu tiên Việt Nam sản xuất được cấp phép.

PV: Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn đạt được những thành tựu nhất định, theo bà, đâu là yếu tố quyết định sự thành công này?

GS, TSKH Nguyễn Thu Vân: Việt Nam có được nền tảng sản xuất vaccine mà nhiều nước trong khu vực rất mong muốn, từ khi còn là nước thu nhập thấp. Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên là từ sự quyết tâm, định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước từ sớm, cùng những đóng góp rất quan trọng của các chuyên gia đầu ngành, như: GS Hoàng Thủy Nguyên và GS Đặng Đức Trạch. Chính GS Hoàng Thủy Nguyên và GS Đặng Đức Trạch đã đặt ra quyết tâm phải chủ động sản xuất được tất cả vaccine thiết yếu để tiêm chủng cho trẻ em, tránh tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài. Từ nền móng đó, các thế hệ sau tiếp tục nỗ lực bằng tình yêu nghề, nhiệt huyết, quyết tâm theo đuổi đến cùng để đạt được mục tiêu đó. Thế hệ chúng tôi, những điều ấy được thấy rất rõ.

PV: Và những người nghiên cứu, sản xuất vaccine hiện nay đang tiếp nối sự quyết tâm, say nghề từ các thế hệ trước, khi đang nỗ lực để tạo ra vaccine phòng virus SARS-CoV-2 của Việt Nam?
GS, TSKH Nguyễn Thu Vân: Chắc chắn các bạn ấy là những người tâm huyết khi theo đuổi nghề đến nay và chắc rằng ai cũng cố gắng để bảo vệ cộng đồng, mong muốn tạo ra được vaccine phòng Covid-19 hay bất cứ bệnh dịch mới nào. Dẫu vậy cũng phải nhìn vào thực tế, như anh em trong nghề chúng tôi thường tâm sự với nhau là ai cũng mong muốn, tâm huyết nhưng đôi khi lực bất tòng tâm.

Kể cả trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, có những khâu mà chúng ta chưa làm chủ được. Rõ nhất là Việt Nam có thể làm tốt, khắc phục được hầu hết các khâu nhưng khâu tiên quyết là tạo chủng-nguyên liệu đầu để làm bất cứ vaccine nào thì không chủ động được. Mua từ các công ty chuyên vaccine thì rất khó hoặc nếu mua được thì rất nhiều ràng buộc, hạn chế. Còn xin được từ các đơn vị nghiên cứu thì không chắc sẽ có được chủng tốt, thành công vì chủng chỉ dừng ở nghiên cứu phòng thí nghiệm. Cũng vì lý do ấy mà việc nghiên cứu phát triển vaccine phòng Covid-19 của nước ta chậm hơn nhiều nước khác.

PV: Chúng ta từng có vaccine xuất khẩu. Nhưng thời gian gần đây có ý kiến lo ngại dường như vaccine nội vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thế giới và đang bị “lép vế” trước các sản phẩm nhập ngoại. Chúng ta đang ở vị trí nào so với quốc tế, thưa bà?
GS, TSKH Nguyễn Thu Vân: Vaccine là mặt hàng đặc thù. Ngoài yêu cầu đầu tư lớn về công nghệ kỹ thuật hiện đại, để xuất khẩu được thì vaccine và cơ quan kiểm định quốc gia vaccine phải đạt tiêu chuẩn để được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng chỉ tiền thẩm định và định kỳ thẩm định lại. Mãi đến năm 2015, cơ quan quản lý về vaccine của Việt Nam mới được WHO công nhận đạt Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Rất mừng là năm 2018, khi WHO đánh giá lại, chúng ta tiếp tục đạt tiêu chuẩn và còn được nâng cấp độ cao hơn. Trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu một số vaccine, dù số lượng không nhiều như: Vaccine viêm não Nhật Bản, viêm gan A, tả. Nhưng đánh giá khách quan thì so với trình độ chung thế giới, ngành vaccine Việt Nam đang ở mức trung bình.
PV: Với những điều kiện hiện tại, bà đánh giá tương lai ngành vaccine Việt Nam như thế nào?

GS, TSKH Nguyễn Thu Vân: Ta có đủ các vaccine thành phần của các loại vaccine 5 trong 1 hay 6 trong 1 nhập ngoại hiện nay. Trong khi các đơn vị trong nước chưa kịp phối trộn thành loại phối hợp thì bên cạnh việc Nhà nước nhận hỗ trợ miễn phí từ quốc tế, cho nhập khẩu để phục vụ nhu cầu người dân thì cần tranh thủ đầu tư để các đơn vị trong nước phát triển. Chúng ta không nên quá dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài mà bỏ qua việc đầu tư trong nước. Nếu không, khi ta không được hỗ trợ từ nước ngoài nữa, mà các đơn vị trong nước đã phải ngừng sản xuất một thời gian lâu không phát triển được sẽ rất khó để đáp ứng nhanh yêu cầu, việc phục hồi, đầu tư lại sẽ rất tốn kém; hoặc ta sẽ phải mua vaccine với giá thành cao.

Vì vậy, tương lai ngành vaccine phụ thuộc vào việc chúng ta có khắc phục được khâu còn thiếu như đã nói ở trên hay không. Ngoài ra rất cần có chính sách phù hợp từ phía Nhà nước. Chúng ta không thiếu nguồn lực, đội ngũ nhân lực tâm huyết, có năng lực. Tôi tin nếu có sự đầu tư, chính sách phù hợp thì ngành vaccine Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển không thua kém trình độ thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

      13.000 người hoàn thành thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 3 vaccine NanoCovax

* BS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết: "Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng tự hào trong nghiên cứu, sản xuất vaccine. Hiện nay, Việt Nam đã tự sản xuất được vaccine phòng 16 loại bệnh truyền nhiễm. Vaccine sản xuất trong nước đã được đưa vào phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe quốc gia. Hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia (NRA) của Việt Nam đã được WHO công nhận, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu vaccine trong nước. Việc nghiên cứu, phát triển vaccine sẽ đóng góp vào thành tựu chung của Việt Nam về phòng, chống dịch, khẳng định hơn nữa năng lực y tế của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực sản xuất vaccine phòng Covid-19 nói riêng".

 

* Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vaccine trong nước, Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề chuyên môn. Vừa qua, Bộ Y tế đã đề nghị Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia cho triển khai thử nghiệm vaccine NanoCovax giai đoạn 3 theo phương thức gối đầu lên giai đoạn 2. Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã rút ngắn tối đa quy trình, quy phạm, nhanh nhưng bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã cấp kinh phí cho nghiên cứu cùng với các nguồn kinh phí từ xã hội hóa của một số nhà tài trợ cho việc phát triển vaccine trong nước. Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã tăng cường hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine bằng cách trong thời gian ngắn huy động các đơn vị, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để giúp triển khai nghiên cứu và tư vấn triển khai nghiên cứu. Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn cho sinh mạng của con người.

* Theo thông tin từ Học viện Quân y, tính đến ngày 14-7, các trung tâm thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine NanoCovax đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho 13.000 tình nguyện viên cả hai miền Bắc-Nam. Sau khi tiêm, các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến. Hiện các đơn vị đang chuẩn bị hoàn tất việc tiêm mũi 2 cho 1.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm pha 1 giai đoạn 3 vaccine NanoCovax. Dự kiến, mũi thử nghiệm thứ hai vaccine NanoCovax của giai đoạn 3 sẽ kết thúc trước ngày 15-8-2021.

 

                                                                                                                                                         --------------

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP

THANH MINH - THU HÒA (thực hiện)