Để tạo ra miễn dịch cộng đồng
Phóng viên (PV): Thưa ông, theo dự báo, thời gian tới, nguồn vaccine ngừa Covid-19 sẽ khan hiếm. Vậy chúng ta sẽ huy động các nguồn vaccine như thế nào để đạt mục tiêu chiến dịch tiêm chủng cho khoảng 70 triệu người dân tạo ra miễn dịch cộng đồng?
PGS, TS Trần Đắc Phu: Như chúng ta biết, nước ta muốn miễn dịch cộng đồng thì phải đạt 70% dân số được tiêm vaccine. Để tiêm cho khoảng 70 triệu người dân, mỗi người tiêm 2 mũi, chúng ta cần khoảng 150 triệu liều vaccine.
Để thực hiện thành công chiến dịch này, Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt. Trước tiên, chúng ta có nguồn vaccine từ nước ngoài thông qua đàm phán với các hãng, các nước sản xuất vaccine. Bên cạnh việc nhập khẩu vaccine, chúng ta còn đặt ra vấn đề chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Ví dụ, chuyển giao công nghệ của Nga, không chỉ sản xuất vaccine sử dụng tại Việt Nam mà còn sử dụng ở một số nước khác nữa. Điều đó nghĩa là chắc chắn nguồn cung vaccine ở Việt Nam sẽ có và tăng lên nhiều hơn. Đồng thời, nước ta cũng tích cực làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua Chương trình COVAX Facility để có nguồn vaccine tiêm miễn phí cho người dân.
Và một nguồn quan trọng khác, đó là nguồn vaccine sản xuất trong nước. Hiện nay, Việt Nam có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 là: Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC); Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) và Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC). Trong đó, vaccine Nanocovax của Nanogen đã tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn 3. Thời gian tới gần nhất, chúng ta có thể có nguồn vaccine này. Như vậy bằng mọi cách để có lượng vaccine sớm nhất và đủ để tiêm cho cộng đồng phòng dịch.
|
|
PGS, TS Trần Đắc Phu. Ảnh: NGUYỄN HUY |
Ngoài ra, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 quốc gia cũng đã được thành lập. Quỹ này không chỉ huy động nguồn tài chính mà cả các nguồn cung. Theo đó, bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào có thể liên kết cung ứng vaccine thì đều được tạo điều kiện, tất nhiên đều phải thông qua công ty có điều kiện nhập khẩu. Vì vaccine là sản phẩm đặc biệt, đòi hỏi phải bảo quản trong điều kiện rất khắt khe về môi trường, nhiệt độ và các chỉ số khác, qua đó tạo điều kiện để chúng ta có vaccine tiêm cho cộng đồng.
PV: Vừa qua, có một số ca tử vong chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm vaccine Astrazeneca khiến nhiều người dân lo lắng, thậm chí đắn đo việc đi tiêm chủng. Là một chuyên gia về y tế dự phòng, ông có thể chia sẻ đôi điều về các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng tại Việt Nam?
PGS, TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, chúng ta đang sử dụng một số loại vaccine từ nước ngoài như: Astrazeneca (Anh), Sputnik V (Nga), mRNA (Mỹ), Vero Cell (Trung Quốc)... Thời gian tới có thể có thêm một số loại vaccine nước khác nữa. Có thể nói rằng, không có loại vaccine nào là bảo đảm không có phản ứng phụ sau tiêm. Phản ứng phụ đó chính là quá trình sinh miễn dịch của cơ thể sau khi tiêm vaccine. Vaccine Astrazeneca cũng không ngoại lệ. Có những vaccine ngừa Covid-19 gây phản ứng nhẹ sau khi tiêm như: Sốt, đau chỗ tiêm, đau mỏi cơ thể, nhưng cũng có những vaccine gây phản ứng nặng như sốc phản vệ độ 1, độ 2, thậm chí gây tử vong. Việc đó thực tế có xảy ra ở nước ta. Và đôi khi còn do có sự trùng lặp với một số bệnh khác.
Người ta tính toán giữa lợi ích của việc tiêm vaccine phòng dịch bệnh cho cả cộng đồng nên phải chấp nhận rủi ro nhất định. Tuy nhiên, trước những diễn biến nguy hiểm lây lan nhanh của dịch Covid-19 mà không tiêm thì sẽ không bảo vệ được cộng đồng, không kiểm soát được dịch bệnh, thì rủi ro, số người nhiễm và số người chết vì Covid-19 có thể sẽ tăng hơn nhiều. Không có miễn dịch cộng đồng, chúng ta cũng khó có thể làm ăn kinh tế bình thường theo mục tiêu kép đã đề ra. Do vậy, tiêm vaccine vừa là quyền lợi cũng vừa là trách nhiệm của mỗi người dân để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất vaccine
PV: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm, sản xuất vaccine trong nước để giải quyết các yêu cầu cấp bách về vaccine phòng Covid-19 ở nước ta hiện nay. Theo ông, ngành y tế đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện yêu cầu này?
PGS, TS Trần Đắc Phu: Việc sản xuất vaccine đã được Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chuẩn bị từ khi dịch mới xuất hiện ở nước ta. Bởi yêu cầu cơ bản của việc sản xuất vaccine là phải bảo đảm an toàn và hiệu quả, phải trải qua quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trên động vật, trên người. Riêng việc thử nghiệm lâm sàng trên người phải qua 3 giai đoạn... Muốn biết vaccine có bảo đảm an toàn và hiệu quả hay không thì đòi hỏi phải có thời gian.
Tuy vậy, trong điều kiện khẩn cấp thì chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhưng vẫn phải bảo đảm tất cả quy trình về khoa học, không được cắt xén, còn các thủ tục hành chính thì có thể rút ngắn thời gian làm sao nhanh nhất có thể để có vaccine. Chẳng hạn, việc thử nghiệm lâm sàng giữa các giai đoạn có thể gối nhau để không mất quá nhiều thời gian. Thực tế, các loại vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới hiện nay hầu hết đều được cấp phép khẩn cấp. Chúng ta cũng có thể đề nghị cấp phép khẩn cấp các loại vaccine sản xuất trong nước như vậy để sớm có vaccine tiêm cho người dân.
PV: Ngoài vaccine ngừa Covid-19, đến nay, tình hình sản xuất vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác ở nước ta đạt những kết quả ra sao, thưa ông?
PGS, TS Trần Đắc Phu: Việt Nam là quốc gia có kinh nghiệm sản xuất vaccine. Hiện nay, nước ta đã sản xuất được hơn 10 loại vaccine phòng các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: Vaccine lao; sởi; bạch hầu, ho gà, uốn ván; viêm gan B, viêm não, rubella, phòng bệnh do virus Rota... Khi chúng ta sản xuất được vaccine thì sẽ bảo đảm được an ninh vaccine, không bị phụ thuộc vào nhập khẩu và cũng chủ động được nguồn vaccine đủ phòng dịch cho toàn dân với giá cả rẻ hơn vaccine nhập ngoại. Việt Nam vẫn luôn bảo đảm đủ lượng vaccine sản xuất trong nước để tiêm cho người dân.
Nhân đây, tôi có lời khuyên với người dân rằng, dù trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp thì vẫn phải đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng các bệnh nguy hiểm khác. Bởi không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thực tế hàng chục năm qua, nhờ có vaccine mà Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào năm 1980, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Đó là những thành tựu rất lớn của ngành y tế nước ta nhờ thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
PV: Để bảo đảm an ninh y tế, việc chủ động vaccine được coi là chiến lược rất quan trọng. Thế nhưng đến nay, nhiều loại bệnh vẫn chưa thể có vaccine. Để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả trong cộng đồng, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?
PGS, TS Trần Đắc Phu: Phải khẳng định, sử dụng vaccine là biện pháp rất quan trọng. Tôi được biết, có những vaccine sản xuất trong thời gian 4-5 năm, có loại sản xuất 10 năm, nhưng có những bệnh đến nay vẫn chưa có vaccine như HIV/AIDS. Các loại vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới hiện nay đều được nghiên cứu và cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp nên thời gian sản xuất chỉ mới khoảng một năm. Do đó, một số loại vaccine chưa thể chứng minh được hết khả năng miễn dịch và chưa thật rõ việc ngăn chặn sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, người tiêm vaccine ngừa Covid-19 thì nguy cơ tử vong sẽ bớt đi, các triệu chứng sau khi nhiễm cũng nhẹ hơn những người chưa tiêm. WHO cũng như Bộ Y tế nước ta vẫn đưa ra khuyến cáo, người dân cùng với tiêm vaccine thì vẫn nên thực hiện tốt biện pháp "5K" (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập đông người-Khai báo y tế) để phòng Covid-19. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói: “5K" + vaccine sẽ là giải pháp hiệu quả ngăn ngừa Covid-19”.
Vaccine là quan trọng nhưng hành vi của người dân cũng rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Chẳng hạn như: Rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang kết hợp với các biện pháp vệ sinh cá nhân như ăn sạch, uống sạch, ở sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, chế độ dinh dưỡng hợp lý... Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, rửa tay với xà phòng có thể giảm được 44% các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Với nhiều bệnh chưa có vaccine như sốt rét, tay chân miệng... thì chúng ta càng phải thực hiện tốt các giải pháp y tế dự phòng, như ông cha ta đã dạy: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HÀ THANH MINH (thực hiện)
---------------
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP