Vì đất nước, khó mấy cũng quyết làm
Phóng viên (PV): IVAC là một trong số ít đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 ở Việt Nam hiện nay. Ông có thể cho biết, đến nay, tình hình nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất vaccine Covivac đang được triển khai như thế nào?
TS Dương Hữu Thái: Vaccine Covivac được IVAC tiến hành nghiên cứu phát triển từ tháng 5-2020 và đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 1. Hiện tại qua đánh giá sơ bộ, vaccine tỏ ra có tính an toàn tốt, tính sinh miễn dịch rất khả quan. Sau khi có kết quả báo cáo giữa kỳ của giai đoạn 1 sẽ trình Bộ Y tế để xin thử nghiệm giai đoạn 2, dự kiến trong tháng 7 này.
Hiện Covivac mới đang ở giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng nên khó để nói trước về thành công của sản phẩm. Tuy nhiên, theo kế hoạch dự kiến của IVAC, nếu quá trình nghiên cứu thuận lợi, thì cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể xin cấp phép khẩn cấp, nếu thời điểm đó chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp và sản phẩm đủ những tiêu chí theo quy định.
PV: Trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19, IVAC có gặp khó khăn, trở ngại gì không, thưa ông?
TS Dương Hữu Thái: Trước hết, việc thử nghiệm lâm sàng vaccine là quá trình triển khai nghiên cứu trên người nên yêu cầu rất cẩn trọng, thông thường mất khoảng từ một năm rưỡi đến hai năm cho một giai đoạn. Trong bối cảnh đại dịch, dù đã cố gắng rút ngắn nhất trong mức độ cho phép nhưng vẫn mất nhiều thời gian hơn so với mong muốn.
Thứ hai, về cơ bản chúng ta có đầy đủ hệ thống quy định, chính sách để phát triển vaccine trong bối cảnh bình thường. Nhưng trong bối cảnh đại dịch lần đầu tiên xảy ra, yêu cầu nhanh chóng có vaccine, thì nhiều hướng dẫn, quy định, chính sách hiện nay lại chưa phù hợp hoặc chưa đề cập đến, gây ra sự lúng túng. Chẳng hạn, thử nghiệm lâm sàng rút ngắn ra sao, cấp phép trong trường hợp khẩn cấp là như thế nào... cần xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể. Đây là vướng mắc không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác, kể cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng gặp phải.
Với riêng IVAC thì còn có những khó khăn khác. Việc nghiên cứu, phát triển vaccine Covivac là hợp tác quốc tế, có sự tham gia của nhiều đơn vị, từ nhiều quốc gia: Phát triển về chủng ở Mỹ, kiểm định mẫu ở Canada, quản lý dữ liệu độc lập ở Thái Lan, cùng các hoạt động với một số nước khác... Mục tiêu của IVAC là sản phẩm vừa phục vụ trong nước, vừa có thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Vì vậy, việc trao đổi, làm việc với đối tác, đáp ứng, tuân thủ tuyệt đối quy định quốc tế trong bối cảnh hiện nay cũng là khó khăn và làm kéo dài thời gian.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi thấy rõ việc tự chủ nguồn sản xuất vaccine trong nước chính là bảo đảm an ninh y tế, xây dựng tiềm lực QPAN; góp phần giúp đất nước chủ động hơn trong ứng phó, xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống. Vì vậy, chúng tôi rất nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ; không ngại cả việc mình có thể chậm hơn doanh nghiệp khác trong nước.
Phải liên kết tạo thành chuỗi sản xuất đồng bộ
PV: Dự kiến, sau khi được cấp phép sản xuất, IVAC có thể đóng góp số lượng vaccine như thế nào cho chiến lược tiêm chủng quốc gia để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19?
TS Dương Hữu Thái: Covivac phát triển công nghệ sản xuất từ vaccine cúm trước đó nên năng lực sản xuất ước tính có thể từ 20 đến 30 triệu liều/năm. IVAC có những thuận lợi sẵn về công nghệ, cơ sở vật chất, đầu tư ban đầu của Nhà nước, tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Trong quá trình phát triển vaccine cũng được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước, doanh nghiệp (Tập đoàn Vingroup tài trợ cho thử nghiệm lâm sàng 20 tỷ đồng); các đối tác trong và ngoài nước. Những yếu tố đó giúp giảm chi phí ban đầu. Đây là sản phẩm ngay từ đầu được xác định phục vụ công tác phòng, chống dịch của quốc gia, không hướng đến thương mại cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, giá thành Covivac sẽ như quan điểm IVAC đưa ra, đó là tìm kiếm cơ hội để phát triển vaccine giá rẻ phù hợp với hầu hết người Việt Nam.
PV: IVAC đã và đang triển khai những biện pháp nào nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và sản xuất vaccine để sớm có sản phẩm phục vụ cộng đồng nhưng vẫn bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy trình, thưa ông?
TS Dương Hữu Thái: Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu Covivac từ tháng 5-2020 nhưng khâu rất quan trọng và khó là tạo chủng thì đã được đối tác ở Mỹ thực hiện từ trước đó. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine này, chúng tôi tập trung các nguồn lực như: Tài chính, trang thiết bị, nhân lực... ở mức độ cao nhất có thể, đặt nhiệm vụ ở chế độ ưu tiên đặc biệt.
PV: Để nâng cao chất lượng vaccine “made in Việt Nam” phòng bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, theo ông, các doanh nghiệp sản xuất vaccine nước ta cần phải làm gì?
TS Dương Hữu Thái: Việc nghiên cứu, phát triển Covivac là một quyết định rất “máu nghề nghiệp” để thỏa “đam mê và trách nhiệm” của chúng tôi. Trên thực tế, IVAC vẫn rất bị động ở nhiều lĩnh vực. Điều kiện trong nước hiện nay còn nhiều hạn chế, khó đáp ứng hết các yêu cầu cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, chẳng hạn: Thiếu cơ sở nghiên cứu phát triển chủng-một khâu rất quan trọng, đòi hỏi công nghệ hiện đại; chưa có những trung tâm chuẩn thức đánh giá tiền lâm sàng trên động vật... Vì vậy, các đơn vị cần chủ động, linh hoạt, tranh thủ các nguồn từ tài chính, công nghệ đến con người. Tôi nghĩ, việc liên kết, hợp tác với các đơn vị quốc tế, nhất là từ các nước có ngành vaccine phát triển là giải pháp hiệu quả để các đơn vị sản xuất vaccine nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, về lâu dài, để cho các đơn vị cũng như ngành vaccine ở Việt Nam phát triển, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước.
Đầu tiên, như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong buổi làm việc với các đơn vị sản xuất, nhà khoa học mới đây, Việt Nam cần có một chiến lược vaccine quốc gia, với kế hoạch, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, rõ ràng về việc định hướng trong phát triển loại vaccine nào, đầu tư ra sao, kế hoạch sử dụng...
Thứ hai, cả nước có 4 đơn vị chuyên sản xuất vaccine, vừa rồi thêm Nanogen, nhưng hoạt động phân tán. Cần có sự sắp xếp lại theo những mô hình phù hợp để cùng liên kết, hợp tác phát triển, sẽ tốt hơn là để mỗi đơn vị tự nâng cao chất lượng.
Thứ ba, vấn đề quan trọng nhất là việc đầu tư cho sản xuất, nghiên cứu vaccine và công nghệ, kỹ thuật, các trung tâm nghiên cứu liên quan... tạo thành chuỗi đồng bộ từ nguyên liệu, nghiên cứu cơ bản, quy trình sản xuất, đánh giá kiểm soát, thử nghiệm lâm sàng... thì ngành vaccine mới phát triển bền vững.
Đầu tư cho vaccine đòi hỏi rất lớn, lâu dài, là đầu tư có nhiều rủi ro trong đó và không thể tính theo giá trị sản phẩm thông thường được. Thế nên với doanh nghiệp rất khó tính toán lợi nhuận để tham gia lĩnh vực này, giống như một nước giàu chưa chắc đã có đội bóng mạnh nếu không có nền tảng. Và đã nói đến tính rủi ro, nền tảng bền vững thì luôn cần vai trò, sự đầu tư từ Nhà nước với những cơ chế, chính sách phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tín hiệu tích cực từ Nanogen
Đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen cho biết: Nanogen cam kết “luôn đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine Nanocovax nhưng luôn tâm niệm về yêu cầu an toàn-tính khoa học-tiếp cận được tiêu chí quốc tế”.
Hiện nay, vaccine Nanocovax đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng pha 3b với hơn 12.000 người. Nanogen vẫn đang bảo đảm đúng tiến độ thử nghiệm lâm sàng và dự trù sau thử nghiệm. Công ty vẫn đang chờ chủ trương cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng vaccine sau khi có kết quả giữa kỳ pha 3b (thử nghiệm tổng 3a +3b là 13.000 người), song song với việc thử nghiệm tiếp tục pha 3c trên quy mô mở rộng vài trăm nghìn người.
Nanogen hiện có 4 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam với tổng diện tích 73.000m2. Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, Nanogen có thể sản xuất 8-12 triệu liều/tháng. 3 nhà máy đang nâng cấp đến tháng 10-2021 có thể đạt 25 triệu liều/tháng và dự kiến đến cuối năm 2021, Nanogen có thể sản xuất được 50 triệu liều vaccine Nanocovax.
Để phục vụ cho sản xuất Nanocovax, Công ty Nanogen sẽ vận hành hai dây chuyền lọ và bơm tiêm đóng sẵn thuốc, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều và đội ngũ xe lạnh đạt chuẩn quốc tế (giữ nhiệt 2-8°C) để vận chuyển vaccine.
|
--------------------
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP
THANH MINH - THU HÒA (thực hiện)