Từ chức - "giá trị dương"

Phóng viên (PV): Thưa GS, TS Phạm Hồng Tung, ông có thể cho biết thế nào là "từ chức" và "văn hóa từ chức"?

GS, TS Phạm Hồng Tung: Nói đến văn hóa con người, nhất định phải nói đến hai yếu tố: "Giá trị" và "chế định". Một khi sự từ chức của những người đang giữ chức vụ mà đưa lại cho xã hội và cho tổ chức mà họ là thành viên "giá trị dương"-giá trị tốt đẹp-thì đó là một hành vi văn hóa. Đương nhiên, những người thực ra hoàn toàn xứng đáng với chức vụ, nhưng lại từ chức như đã thấy trong lịch sử thì đó là một hành vi nêu gương tốt, được ca tụng. Nhưng ngay cả sự từ chức của những người tự biết mình không xứng với chức vụ (do kém tài, sức khỏe yếu, hoặc vì đã trót phạm lỗi, gây mất uy tín cho cá nhân hoặc cho tổ chức), hoặc do ràng buộc về cơ chế mà không thể làm việc được, thì cũng có thể mang đến những "giá trị dương". Ví dụ, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide từ chức khi không ngăn được đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nước này, hoặc nữ Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức vì không thể lay chuyển được cơ chế vận hành đất nước. Họ từ chức mà vẫn bảo toàn được danh dự cá nhân, mở đường cho sự lựa chọn chính trị mới của đất nước họ. Đó là ứng xử văn hóa.

leftcenterrightdel

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhưng cũng có những hiện tượng từ chức để chạy trốn trách nhiệm, tránh bị trừng phạt; hoặc có những vi phạm buộc phải từ chức. Đó không phải là những hành vi văn hóa, bởi nó không mang lại "giá trị dương". Vì vậy, xác lập ra những chế định (quy định, nguyên tắc, luật pháp...) để tôn vinh, tạo điều kiện cho những người thể hiện rõ lòng tự trọng, dũng khí dám từ chức, để tạo ra "giá trị dương”, bảo vệ lợi ích, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức và xã hội; đồng thời ngăn chặn việc ép người tốt từ chức hoặc bao che người có tội, từ chức để "hạ cánh an toàn" thì đó gọi là văn hóa từ chức.

PV: Thưa TS Nguyễn Thị Tuyến, bà bình luận gì về nhận định từ chức của cán bộ là biểu hiện đề cao liêm sỉ, tự trọng của cán bộ?

TS Nguyễn Thị Tuyến: Sự từ chức đúng nghĩa bao hàm ý nghĩa văn hóa, liêm sỉ, tự trọng của cán bộ. Đó là sự chủ động của người giữ chức vụ trên cơ sở những hiểu biết về nghĩa vụ luật pháp, ứng xử xã hội, lòng tự trọng và bản lĩnh cá nhân trong việc tự quyết định số phận chính trị của mình. Từ chức là vấn đề thuộc về nhận thức, thái độ, thể hiện thành hành vi ứng xử (nhân cách) của cá nhân, tập thể chủ thể lãnh đạo, quản lý trước những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm hoặc sự bất cập vì những lý do chính đáng khác trong công tác lãnh đạo, quản lý. Từ chức là thái độ tự trọng cao của tính liêm sỉ trong chính trị, diễn ra trên cơ sở đặt lợi ích của tổ chức, của xã hội cao hơn lợi ích của cá nhân, lợi ích cục bộ; là sự vượt lên những tham vọng quyền lực và hư danh của người có chức, quyền. Từ chức đúng nghĩa mang ý nghĩa chính trị, xã hội tích cực đối với các tổ chức quyền lực nói riêng, xã hội nói chung và với chính bản thân chủ thể có chức vụ. Đặc biệt, sự từ chức kịp thời còn giúp tổ chức công vụ có cơ hội chọn lựa cá nhân hoặc tập thể lãnh đạo, quản lý mới tốt hơn.

Nói văn hóa từ chức là nói tới từ chức ở một trình độ nhất định, thể hiện sự tự giác, phổ biến, trở thành thói quen, nếp hành vi công vụ đương nhiên. Đó là hành xử thật tâm, lòng tự trọng của cán bộ nắm quyền. Để có hành động thật tâm này, bên cạnh hệ thống hành lang pháp lý và sự nghiêm minh trong kiểm soát quyền lực, rất cần có sự nhìn nhận đúng đắn, thậm chí là sự động viên, đồng hành của tổ chức công vụ, của cộng đồng xã hội đối với chủ thể từ chức. Từ chức được sinh ra từ tổng thể hữu cơ các yếu tố chính trị-xã hội và phải được xây dựng trên các góc độ tư tưởng, ý thức, tâm lý của cộng đồng xã hội và cá nhân nắm quyền lực. Điều kiện này bảo đảm cho việc từ chức hay chấp nhận từ chức diễn ra mang tính tích cực xã hội.

Không để từ chức là "sự lạ"

PV: Ở nước ta hiện nay, việc từ chức ở lĩnh vực công có vẻ rất mới lạ. Bà có suy nghĩ gì về thực tế này?

TS Nguyễn Thị Tuyến: Trước hết, tôi khẳng định, từ chức ở Việt Nam không phải là vấn đề mới lạ. Trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, các tiền bối thanh liêm từng từ quan, trở thành biểu tượng văn hóa từ chức không phải là ít. Nhân vật huyền sử trong dân gian được cho là khởi đầu cho văn hóa từ chức ở Việt Nam là Cao Lỗ-vị tướng tài đã chế ra và vận hành nỏ thần ở thành Cổ Loa, giúp vua An Dương Vương chiến thắng quân xâm lược. Sự từ quan, đi khỏi Kinh thành của Cao Lỗ vì không can gián được vua và triều đình đã dẫn đến thảm họa mất nước, đẩy đất nước lâm vào hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Các trường hợp từ chức của Chu Văn An (1292-1370) đời vua Trần Dụ Tông; Nguyễn Bỉnh Khiêm (1481-1585) ở triều Mạc; Phan Châu Trinh (1872-1926) ở triều Nguyễn cũng rất tiêu biểu. Sự ra đi khỏi triều đình của họ thể hiện nỗi đau của những người tham chính phò vua, giúp nước, giúp dân có liêm sỉ. Họ bỏ mũ áo, treo ấn từ quan để cảnh tỉnh triều đình, điều này nhắc nhớ về những bài học chính trị cho hậu thế.

leftcenterrightdel

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyến. Ảnh: PHẠM TÂM

Trong thực tế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong thời kỳ Đảng ta mới ra đời, cách mạng gặp nhiều khó khăn về đường lối chiến lược và sách lược, hay trong thời kỳ cải cách ruộng đất đã có các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng xin rút khỏi các vị trí lãnh đạo, tức là từ chức. Các đồng chí ấy đã thể hiện dũng khí người cán bộ liêm chính của Đảng. Sau khi tự nhận khuyết điểm, sửa sai, phấn đấu, các đồng chí ấy tiếp tục được Đảng ta bố trí đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng và đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng.

Hiện nay, từ chức trong bộ máy công quyền nước ta vẫn diễn ra, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2009 đến 2019, cả nước có 2.268 trường hợp từ chức, chủ yếu ở địa phương.

Như vậy, từ chức ở nước ta không phải là chuyện hiếm. Hiện nay, xã hội cảm giác từ chức là “sự lạ” vì nhiều vi phạm công vụ được đưa ra ánh sáng nhưng từ chức đúng nghĩa đã không diễn ra như mong đợi của xã hội. So sánh số ít trường hợp từ chức, trong đó có cả các trường hợp "mượn" từ chức để cố vớt vát danh dự trước khi bị kỷ luật, với số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật (56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; hơn 20.000 cán bộ, công chức bị kỷ luật trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022) thì có thể thấy rằng, ở nước ta hiện nay, từ chức chưa được cán bộ tự giác thực hiện, nhất là những người có vi phạm, khuyết điểm.

PV: Như vậy, bản chất của không tự giác từ chức khi có sai phạm hoặc năng lực kém, uy tín thấp là do tham quyền cố vị và cơ chế, luật pháp?

TS Nguyễn Thị Tuyến: Đúng vậy! Tham quyền trong thực thi công vụ nước ta là có bởi có sự dung túng của các chủ thể quyền lực cho nhau. Biểu hiện rõ nhất là hiện tượng cấp trên bao che cho cấp dưới; cấp dưới đồng thuận làm sai cùng cấp trên trong nhóm lợi ích. Nhiều cán bộ nắm quyền biết sai nhưng vẫn cố tình làm sai và làm sai có hệ thống. Kiểm soát quyền lực không tốt sẽ dẫn đến sự lạm quyền, lộng quyền, thậm chí là độc quyền. Điều này khiến không ít người đứng đầu, người nắm thực quyền và nhóm lợi quyền biến môi trường công vụ thực thi theo cơ chế ngầm của sự ban phát danh lợi. Tham quyền cố vị đang là một căn bệnh nan y rất cần "liều thuốc" đặc trị, để từ chức diễn ra bình thường trong hệ thống chính trị. Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định, luật pháp để cán bộ tự giác từ chức hoặc buộc phải từ chức khi có sai phạm, khuyết điểm.

PV: Bà cho biết rõ hơn về cơ chế cụ thể để loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ có sai phạm, khuyết điểm nhưng không chịu từ chức?

TS Nguyễn Thị Tuyến: Từ chức từ xưa tới nay chưa bao giờ là chuyện dễ, bởi đó là quá trình giằng xé trước sự cám dỗ của lợi quyền; sự lo ngại về điều tiếng, danh dự của chủ thể quyền lực. Lợi quyền cám dỗ khiến cán bộ tha hóa, biến chất, không chịu từ chức. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị "Về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ" và Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Đây là các quy định rất cụ thể, thấu tình đạt lý, nhân văn của Đảng ta để thanh lọc cán bộ, làm trong sạch bộ máy. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải đặc biệt quan tâm làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, sử dụng cán bộ; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tầng lớp nhân dân đối với đội ngũ cán bộ; tạo sức ép dư luận từ truyền thông và trong xã hội đối với những cán bộ yếu kém, khuyết điểm...

PV: Trân trọng cảm ơn GS, TS Phạm Hồng Tung và TS Nguyễn Thị Tuyến về cuộc trao đổi!

MẠNH THẮNG (thực hiện)