“Phòng chống tốt-chiến đấu giỏi”

Phóng viên (PV): Trong chiến tranh cũng như thời bình, Bộ đội Hóa học luôn thực hiện nhiệm vụ rất âm thầm trong môi trường nguy hiểm, độc hại. Đồng chí có thể khái quát những nét truyền thống vẻ vang của Bộ đội Hóa học?

Đại tá Phạm Công Hữu: Từ khi thành lập đến nay, nhiệm vụ của Bộ đội Hóa học luôn thực hiện trong môi trường liên quan đến hóa chất, nguy hiểm, độc hại. Điều đó đã tạo nên nét đặc trưng về truyền thống vẻ vang của Bộ đội Hóa học.

Ngược dòng thời gian, trước yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 19-4-1958, Phòng Hóa học-Nguyên tử thuộc Cục Huấn luyện chiến đấu-tiền thân của Binh chủng Hóa học ngày nay được thành lập. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Bộ đội Hóa học đã có mặt ở các chiến trường, chỉ đạo, hướng dẫn bộ đội và nhân dân phòng, chống, khắc phục hiệu quả chất độc hóa học của địch; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, sử dụng các loại vũ khí, trang bị, khí tài đặc chủng trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, viết nên truyền thống của Bội đội Hóa học “Phòng chống tốt-chiến đấu giỏi”.

leftcenterrightdel

Đại tá Phạm Công Hữu. Ảnh: VĂN TUẤN

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Hóa học tiếp tục làm nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình”; là lực lượng nòng cốt trong xử lý, khắc phục hậu quả vũ khí hóa học, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Những năm gần đây, lực lượng hóa học các cấp đã tiến hành điều tra, thu gom, xử lý gần 1.000 tấn chất độc CS, hơn 200 tấn đạn chứa chất độc CS, hàng nghìn mét khối đất nhiễm chất độc CS, dioxin... trên phạm vi cả nước, làm hồi sinh những vùng “đất chết”. Đồng thời, tham gia xử lý, khắc phục hiệu quả các sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

PV: Những năm gần đây, trên phạm vi cả nước xảy ra các sự cố môi trường, dịch bệnh, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Trong nguy hiểm, nhân dân lại thấy hình ảnh quen thuộc của Bộ đội Hóa học với bộ khí tài đặc chủng khắc phục, xử lý môi trường. Đồng chí cho biết cụ thể hơn về những nhiệm vụ này?

Đại tá Phạm Công Hữu: An ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh môi trường đang là vấn đề mang tính thời sự toàn cầu. Những năm gần đây, ở Việt Nam, một số sự cố ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Trong tình huống nguy cấp đó, Bộ đội Hóa học đã có mặt và xử lý kịp thời. Năm 2011, chúng tôi tham gia tiêu hủy hóa chất độc hại tại sự cố nổ hóa chất nhà máy nhiệt điện ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Năm 2014, khắc phục sự cố cháy hóa chất tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Trong sự cố tại Formosa (Hà Tĩnh), chúng tôi cũng là một trong những lực lượng tham gia quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá môi trường. Gần đây nhất, Bộ đội Hóa học đã tham gia khắc phục sự cố hóa chất, sự cố môi trường tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vào năm 2019. Năm 2020, 2021, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, Bộ đội Hóa học đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành khử khuẩn, khoanh vùng dịch... góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Hóa học thường xuyên phải đối diện với những nguy hiểm tiềm ẩn. Tôi nhớ kỷ niệm năm 2016, khi nhận được lệnh của trên, Binh chủng Hóa học đã cử lực lượng tham gia giải cứu người bị mắc kẹt trong hang Nước, bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ngay trong đêm, đoàn cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học đã lên đường làm nhiệm vụ. Hang Nước sâu gần chục mét. Tiến hành khảo sát phát hiện lượng khí độc trong hang vượt mức cho phép. Cửa hang hẹp. Do vậy, việc đưa người xuống giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Trước áp lực về thời gian, khí độc, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học đã dũng cảm sử dụng khí tài phòng hóa xuống hang giải cứu nạn nhân trong sự hồi hộp, lo âu của đông đảo người dân địa phương và các cơ quan chức năng.

Hay như trong vụ tham gia cứu hộ, cứu nạn người dân bị ngạt khí độc trong hang đá tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Do địa hình rất khó khăn nên khi xuống hang, ngoài việc phải buộc dây quanh người, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học phải nối dài ống lọc thở để trên cửa hang. Các công việc vô cùng vất vả, nguy hiểm nhưng Bộ đội Hóa học đều vượt qua để cứu nhân dân... Những việc làm này tiếp tục lan tỏa hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Hóa học trong giai đoạn cách mạng mới.

leftcenterrightdel
Bộ đội Hóa học thu gom, xử lý chất độc CS. 

Sơ suất nhỏ có thể phải trả giá bằng sinh mạng

PV: Thưa đồng chí, môi trường thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Hóa học đã tác động, ảnh hưởng tới tâm lý của bộ đội như thế nào?

Đại tá Phạm Công Hữu: Gắn bó với Bộ đội Hóa học hơn 30 năm và trưởng thành từ cơ sở tôi thấy, nếu không có kiến thức đầy đủ về kỹ thuật sử dụng, quy tắc an toàn của các loại vũ khí, trang bị chuyên ngành phòng hóa, cứu hộ, cứu nạn thì bộ đội rất dễ nảy sinh tâm lý hoang mang, lo sợ khi thực hiện nhiệm vụ.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các loại hóa chất rất độc hại. Có những loại không màu, không mùi nên khi tiếp xúc nếu không cẩn thận rất dễ bị nhiễm độc. Những “kẻ thù vô hình” tiềm ẩn nguy cơ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng và có thể để lại di chứng cho con người nếu như chúng ta sơ suất khi tiếp xúc. Đó là các loại chất độc tồn lưu sau chiến tranh (như chất độc da cam/dioxin, CS...). Việc tiếp xúc trực tiếp với tác nhân độc hại trong thời gian dài, với liều lượng cao là điều hết sức nguy hiểm, đòi hỏi phải có các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, đúng quy định. Nếu để xảy ra chỉ một sơ suất nhỏ, cũng có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng. Tuy nhiên, nếu nắm chắc kiến thức, chấp hành nghiêm các quy tắc an toàn, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ khi thực hiện nhiệm vụ sẽ bảo đảm được an toàn tuyệt đối.

PV: Vậy, Binh chủng Hóa học đã có những giải pháp gì để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thưa đồng chí.

Đại tá Phạm Công Hữu: Xây dựng bản lĩnh cho bộ đội là kết quả của một quá trình trải nghiệm, rèn luyện, hoạt động lâu dài. Đối với Bộ đội Hóa học, bản lĩnh là tổng hòa, sự kết tinh của nhiều yếu tố: Bản lĩnh chính trị, ý chí, tinh thần, quyết tâm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Bộ đội Hóa học thực hành tiêu tẩy cho tàu bay. Ảnh: MẠNH HƯNG 

Trước hết, tôi xin nhấn mạnh, việc xây dựng bản lĩnh, tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ cho Bộ đội Hóa học là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Khi thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối chấp hành các quy tắc an toàn, Binh chủng luôn chú ý đến các biện pháp giáo dục củng cố niềm tin cho bộ đội: Tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; tin vào trình độ, năng lực, khả năng chuyên môn nghiệp vụ của bản thân; tin vào trang bị, khí tài... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ, chiến thuật chuyên môn, chuyên ngành. Trong huấn luyện phải đưa bộ đội vào sát các tình huống thực hiện nhiệm vụ, tình huống chiến đấu; rèn luyện ý thức địch tình, độc tình; rèn luyện khả năng chỉ huy độc lập trong diễn tập, chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng, diễn tập chống khủng bố, ứng phó sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ, hạt nhân của cán bộ các cấp.

Bên cạnh đó, Binh chủng luôn quan tâm, làm tốt công tác chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt đối với các đồng chí trực tiếp làm nhiệm vụ xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; xử lý các sự cố hóa chất, phóng xạ, hạt nhân, phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe cho bộ đội trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tốt chế độ, chính sách hậu phương Quân đội; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ... 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN TUẤN (thực hiện)