leftcenterrightdel

PGS, TS Dương Trung Ý. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Phóng viên (PV)Thưa ông, chúng ta cần nhận thức đúng về đổi mới PTLĐ của Đảng đối với HTCT hiện nay ra sao?

PGS, TS Dương Trung Ý: Đây không phải là vấn đề mới đặt ra mà đã được Đảng ta nhận thức ngay từ Đại hội VI khi bước vào thời kỳ đổi mới. Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã có sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện PTLĐ, cầm quyền đối với HTCT, trong đó có Nhà nước. Để nhận thức đúng, đầy đủ vấn đề này, có mấy vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về đổi mới PTLĐ của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, tiếp đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và gần đây là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định rõ các PTLĐ chủ yếu của Đảng đối với HTCT và toàn xã hội. Có thể nhận thấy, các văn kiện đại hội của Đảng từ Đại hội VI đến nay đều đề cập đến nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới PTLĐ của Đảng, trong đó có đổi mới PTLĐ của Đảng đối với Nhà nước.

Thứ hai, đổi mới PTLĐ, cầm quyền của Đảng đối với HTCT, trong đó có Nhà nước không phải là thay đổi toàn bộ các phương pháp, cách thức lãnh đạo, cầm quyền mà Đảng đã và đang sử dụng để tác động, định hướng, kiểm soát bộ máy nhà nước, mà là đổi mới theo hướng có kế thừa, hoàn thiện hơn nữa chất lượng, hiệu quả các phương pháp, cách thức lãnh đạo, cầm quyền đã và đang sử dụng còn phù hợp với thực tiễn. Đổi mới PTLĐ, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và các tổ chức khác của HTCT cần phải theo hướng chuẩn hóa, khoa học hóa, luật hóa, thể chế hóa, cụ thể hóa... các yếu tố cấu thành PTLĐ, cầm quyền của Đảng.

Thứ ba, đổi mới PTLĐ, cầm quyền của Đảng đối với HTCT mà trọng tâm là đổi mới PTLĐ của Đảng đối với Nhà nước là yếu tố quyết định thành công sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bởi vì, Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhà nước (gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, chính quyền địa phương) là bộ máy có chức năng cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện các cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, chiến lược của Đảng về xây dựng, phát triển đất nước nói chung; về các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội nói riêng. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không bao biện, làm thay chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

PVĐổi mới luôn là việc khó, nhạy cảm, vậy theo ông quá trình thực hiện đổi mới PTLĐ của Đảng đối với HTCT chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì?

PGS, TS Dương Trung Ý: Trong tất cả lĩnh vực của đời sống chính trị-xã hội, đổi mới chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Chính vì vậy quá trình thực hiện nội dung đổi mới quan trọng này chúng ta phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc trong tổ chức thực hiện. Thông qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới PTLĐ của Ðảng đối với HTCT, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Ðảng trong giai đoạn mới. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, nhất là thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật và các văn bản dưới luật; xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát thực tiễn.

leftcenterrightdel

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của đất nước năm 2021. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC HÀ 

PVVăn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ rõ nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này. Theo ông để thực hiện tốt nội dung này cần tập trung vào các giải pháp nào?

PGS, TS Dương Trung Ý: Theo tôi cần tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp chính, đó là: Phải quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, xác định đúng và trúng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong từng thời kỳ, để nghị quyết có chất lượng, vừa là cơ sở chính trị, vừa là đề án khoa học, là “cẩm nang” để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước. Nếu bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng chủ quan, duy ý chí, độc đoán, chuyên quyền... sẽ khó có thể đề ra được những chủ trương, nghị quyết đúng đắn, sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược. Việc xây dựng chủ trương, nghị quyết đòi hỏi phải phát huy dân chủ, trí tuệ, sáng kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan tham mưu và toàn dân.

Về giải pháp đổi mới công tác tư tưởng, tuyên truyền, quán triệt việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng trong cơ quan nhà nước các cấp là rất quan trọng. Việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị trước hết của các cấp ủy đảng trong các cơ quan nhà nước, đồng thời cũng là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước cần ý thức sâu sắc rằng, nắm vững, thấm nhuần, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là trách nhiệm chính trị, là mệnh lệnh công tác, là tiêu chí đánh giá năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của từng tập thể, cá nhân trong bộ máy nhà nước. 

Về giải pháp thực hiện công tác cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước thì vấn đề then chốt của đổi mới PTLĐ của Đảng đối với Nhà nước là việc lựa chọn, bố trí, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả các nội dung công tác cán bộ, công tác đảng viên trong bộ máy các cơ quan nhà nước. Quan tâm xây dựng tiêu chuẩn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng, quản lý cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật, sàng lọc cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước các cấp. 

Cuối cùng là nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Theo đó, đổi mới phong cách, phương pháp công tác, lề lối làm việc bảo đảm khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, quy định chặt chẽ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ, quy trình công tác, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, áp đặt hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng.

PVTrong các nhóm giải pháp trên, ông quan tâm đến giải pháp nào nhất? Vì sao?

PGS, TS Dương Trung Ý: Quá trình đổi mới PTLĐ, cầm quyền của Đảng đối với HTCT, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến giải pháp về công tác cán bộ. Bởi cán bộ là nhân tố quyết định thành bại việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cán bộ là “gốc” của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Thực tiễn cho thấy, nhiều cán bộ trong các cơ quan nhà nước vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân. Những cán bộ này đã bị các cơ quan của Đảng, Nhà nước xử lý rất nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Điều đó càng đặt ra những yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn đối với việc bồi dưỡng, đào tạo, quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ. Đặc biệt là kiên quyết xử lý những cán bộ hư hỏng, suy thoái.

Cùng với đó phải quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Đây là một chức năng lãnh đạo, đồng thời là một phương thức kiểm soát quyền lực hữu hiệu của Đảng. Do đó, đổi mới PTLĐ của Đảng cũng đòi hỏi phải đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, bài bản, khoa học, kịp thời, thiết thực và hiệu quả bằng các phương pháp cụ thể như: Thực hiện giám sát mở rộng, kiểm tra trọng tâm, trọng điểm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, hình thức, kém hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán...

PVTrân trọng cảm ơn ông! 

VĂN TUẤN - LIÊN VIỆT (thực hiện)