Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã chia sẻ thêm với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về bộ phim này.
Phóng viên (PV): “Phượng Khấu” đã đi gần hết phần 1, phản hồi của khán giả về phim như thế nào, thưa anh?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Trước khi “Phượng Khấu” công chiếu, chúng tôi đã có một năm thử nghiệm, đo lường ý kiến của khán giả bằng các sản phẩm demo. Và chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự yêu mến ngay cả khi phim chưa bắt đầu. Sau khi công chiếu những tập đầu tiên, rất nhiều bình luận được gửi về cho ê-kíp. Khen có, chê cũng có, nhưng tựu lại, tất cả đều nói lên một điều rằng, khán giả đang rất quan tâm đến bộ phim này. Bằng chứng là khi tập 1 phát sóng, lượt người truy cập ứng dụng POPS đã tăng gấp 7 lần, các tập sau đó cũng duy trì lượt người xem rất lớn, tới 2 triệu lượt xem trong một tuần mỗi tập. Từ sự yêu mến của khán giả dành cho phim, chúng tôi có ý tưởng và tổ chức cuộc thi Họa Trang, vẽ chân dung các nhân vật trong phim “Phượng Khấu”. Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm gửi về rất sinh động, nhiều màu sắc khi phác họa các nhân vật. Tôi và cả ê-kíp đều rất trân trọng tình cảm này. Đặc biệt, có nhiều bạn trẻ đã từ chuyện phim mà tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, về các nhân vật được nhắc đến trong phim như Từ Dụ Hoàng Thái hậu, Nhất giai Lương phi Võ Thị Viên và chia sẻ trên YouTube, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút hàng trăm lượt xem. Sự lan tỏa này khiến chúng tôi rất vui mừng, xúc động và cũng là điều mà tôi, nhà đầu tư, nhà sản xuất hướng tới khi làm phim này, đó là làm cho nhiều người yêu thích, hiểu biết và biết tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam.
|
|
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và NSƯT Lê Thiện trên phim trường. |
PV: Ở nước ta hiện nay, nhiều người chọn cách làm phim hướng đến doanh thu phòng vé, đầu tư ít, nhanh lấy lại vốn. Một đạo diễn trẻ như anh chọn “Phượng Khấu” quả thực có phần mạo hiểm, nhất là khi trước đó, không ít phim đề tài lịch sử không được thành công như mong đợi?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc thì phim cổ trang Việt Nam còn mới mẻ và ít kinh nghiệm. Cũng bởi vì đề cập đến lịch sử rất khó, hơn nữa khán giả đã quen xem những phim cổ trang nước ngoài thành công rồi nên đòi hỏi với phim trong nước cũng khắt khe và mong đợi cao hơn. Rồi việc đã ít phim, lại chưa có phim nào làm thỏa mãn được khán giả-tôi nghĩ vậy-nên khán giả ít mặn mà với dòng phim này, thậm chí không cảm tình. Cộng với những khó khăn khi làm phim cổ trang lại càng khiến ít đạo diễn, nhà sản xuất muốn mạo hiểm. Kinh phí lớn, dễ lỗ vốn là một chuyện, nhưng sợ hơn là bị khán giả xem chưa xong đã “chửi”.
“Phượng Khấu” là thể loại phim TV series-phim truyền hình chất lượng cao tiệm cận với điện ảnh. Thực ra, tôi “nhảy” sang thị phần này vì đây là thị trường mới ở nước ta. Tôi gần như đặt viên gạch đầu tiên nên không cần cạnh tranh với ai. Khán giả đừng lầm tưởng làm phim chiếu rạp mới là sang, còn webdrama hay TV series không sang. Không! Rõ ràng đề tài phim chiếu rạp đang dần “một màu” và với khoảng 90 phút thì yếu tố giải trí vẫn được ưu tiên.
Con đường tôi đi không phải thành “đạo diễn trăm tỷ”, “đạo diễn phòng vé”… mà thành một đạo diễn dùng điện ảnh, phim ảnh làm văn hóa. Việc làm một tác phẩm như “Phượng Khấu” chiếu rạp thì “tội nghiệp” cho các diễn viên và không có nhiều đất để kể chuyện về văn hóa Việt Nam, về trang phục, về triều đại… Tương lai tôi sẽ chưa trở về phim chiếu rạp cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ công dân nghệ sĩ của mình.
PV: Việc chuẩn bị cho phim cổ trang ở nước ta chắc hẳn không dễ dàng cho anh và cả ê-kíp?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Khó khăn lớn nhất của phim cổ trang chính là vấn đề phim trường. Chúng tôi cũng đã khảo sát khu vực các lăng tẩm của Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn lẫn bất cập cả về khách quan lẫn chủ quan. Việc quay 100% ở Huế có quá nhiều rủi ro với đoàn làm phim nên không thể mạo hiểm được. Cuối cùng, chúng tôi quyết định thực hiện quay nội cảnh tại làng cổ Phước Lộc Thọ (Long An), các cảnh quay ngoại và đại cảnh sẽ thực hiện ở Huế. Đây là một quyết định đã được đội ngũ chuyên gia và nhà sản xuất tham vấn kỹ từ nhiều phía. Tất cả cảnh quay ở làng cổ Phước Lộc Thọ chỉ sử dụng ở các phân cảnh quay nội nhưng toàn bộ phần nội thất, bài trí có sẵn tại các công trình ở đây đều được di dời, chỉ còn lại đúng bộ khung trống nhằm tiến hành thiết kế lại và bày biện nội thất theo sự tham vấn của các chuyên gia kiến trúc, nghệ thuật, nhằm có thể phần nào tái hiện được dáng dấp của những cung điện hoàng gia triều Nguyễn, tam cung-lục viện của các bậc hậu phi thời Hoàng đế Thiệu Trị.
PV: Anh có thể chia sẻ thêm cho bạn đọc biết kinh phí thực hiện phim “Phượng Khấu”?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Kinh phí thực hiện phần 1 của phim (11 tập) khoảng 18 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí cho phục trang là tốn kém nhất, chiếm tới 45%. Cứ khoảng 6 tập phim cần khoảng 200 bộ trang phục.
PV: Trong phim cổ trang, ngoài câu chuyện thì khán giả thường quan tâm đến hình ảnh, trang phục của các nhân vật. Xem phim có thể thấy trang phục được đầu tư khá kỹ?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Có người hỏi tôi vì sao phim giải trí mà lại cầu kỳ về trang phục như thế. Tôi nghĩ rằng chính trang phục là yếu tố thể hiện rõ nét những đặc sắc, tinh hoa trong văn hóa thời Nguyễn. Chúng ta cần nghiêm túc và đàng hoàng khi nói về lịch sử. Bộ phim được thực hiện cũng xuất phát từ điều đó và để thấy cái đẹp, cái hay của ông bà mình.
Trang phục trong “Phượng Khấu” được làm bám sát với lịch sử về kiểu dáng nhưng được sáng tạo về màu sắc và chất liệu để phù hợp với từng cá tính nhân vật và bảo đảm tính thẩm mỹ. Chúng tôi hợp tác với Công ty Ỷ Vân Hiên-đơn vị chế tác trang phục cổ, cũng là đơn vị thực hiện phần trang phục của “Phượng Khấu”. Nói đến trang phục trong cung đình thời xưa là sự kết tinh tinh hoa trí tuệ và nghệ thuật thêu tay thủ công khéo léo của cả dân tộc nên trong tất cả khâu chế tác đều đòi hỏi sự thận trọng, tỉ mỉ, tốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức. Với số lượng thực hiện hơn 300 bộ trang phục, nếu sử dụng chất liệu hoàn toàn từ các làng nghề dệt vải truyền thống nổi tiếng trong cả nước như: Vạn Phúc, La Khê, Nha Xá, Mã Châu, Bảo Lộc, Mỹ A với nghệ thuật thêu tay thủ công đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng thì chi phí rất cao. Vì thế, ngoài một số bộ trang phục của nhân vật chính như Phượng bào của nhân vật Đức bà Nhân Tuyên có giá 130 triệu đồng, Long bào của nhân vật vua Thiệu Trị 100 triệu đồng... ê-kíp đã cố gắng phục dựng các cổ phục theo hướng gần nhất bằng cách kết hợp với nghệ thuật in ấn, thêu máy và sử dụng thêm các chất liệu nhập từ nước ngoài.
|
|
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và NSND Hồng Vân trên phim trường. Ảnh: ANH TUẤN |
PV: Phim dã sử rất dễ gây tranh cãi về tính chính xác của lịch sử. Quan điểm của anh khi làm phim này như thế nào?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Đối với “Phượng Khấu”, chúng tôi vẫn ưu tiên 60% các tình tiết sao cho khớp với lịch sử, phần còn lại là đặc quyền sáng tạo riêng của biên kịch và đạo diễn. Ban đầu, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tư liệu lịch sử. Chúng tôi đã lắng nghe tất cả và chọn cách bám vào những tư liệu chính thống và tư vấn của các chuyên gia sử học uy tín. Đối với tôi, phim ảnh chỉ là công cụ truyền tải chứ không phải một quyển bách khoa toàn thư về lịch sử.
PV: Trong tương lai, liệu anh có thêm dự án nào tương tự “Phượng Khấu”?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Sắp tới, tôi và ê-kíp sẽ bắt tay vào các dự án khác cũng về đề tài lịch sử, bao gồm dự án về vua Trần Nhân Tông, một dự án “Ỷ Lan truyện” về Nguyên phi Ỷ Lan và mới nhất sẽ là một dự án đặc biệt-“Kim Túc Lan” về vua Khải Định.
PV: Trân trọng cảm ơn anh và chúc anh sẽ thành công với những dự án mới!
Phim “Phượng Khấu” lấy bối cảnh lịch sử vào thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn. Nhân vật chính của phim là Hiệu Nguyệt, Quý phi của vua Thiệu Trị, người sau này trở thành Từ Dụ Hoàng Thái hậu. Đây có thể được xem là bộ phim tiên phong ở Việt Nam về chủ đề cung đấu, tức là tập trung khai thác cuộc chiến tranh đoạt giữa những người phụ nữ trong hậu cung. Phim dự kiến có 3 phần, hiện đang chiếu phần 1 và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
|
HÒA DƯƠNG (thực hiện)