Thời gian khó

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, được biết ông và Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là hai người trẻ nhất tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Khoa học (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), khi mới 18 tuổi. Ông có kỷ niệm gì sâu sắc trong những ngày ấy?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi học phổ thông ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc), cùng lớp với một số người khác như: Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Phước Tương, Kiều Thu Hoạch... Sau Ngày giải phóng Thủ đô, chúng tôi được trở về nước. Sau đó, mỗi người về một nơi. Tôi nhớ Đinh Trọng Đoàn (nhà văn Ma Văn Kháng) được nhận về dạy ở Hà Nội, nhưng Đoàn xin đi Lào Cai để phát triển văn hóa cho đồng bào miền núi.

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng 

Tuổi của Đoàn hồi đó, bây giờ gọi là lứa tuổi teen, mà đã nuôi ước mơ trở thành nhà văn, lại tình nguyện dấn thân lên vùng cao vô cùng gian khổ để công tác. Tinh thần đó của Đoàn khiến chúng tôi rất ngưỡng mộ. Lào Cai lúc bấy giờ tình hình rất căng thẳng. Lên đó công tác, tác phẩm đầu tiên mà Đoàn gửi cho Báo Văn nghệ ký bút danh Ma Văn Kháng nên bạn bè chúng tôi không ai biết là của cậu ấy. Sau này mới biết rằng Đoàn bị một trận sốt rét ác tính, được một người họ Ma giúp đỡ, cứu sống. Đoàn kết nghĩa với anh họ Ma kia rồi đổi tên thành Ma Văn Kháng.

Lúc đó, tôi vào học tiếp ở Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Tất cả chúng tôi ở tập thể tại Việt Nam học xá, nay ở trong khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày ấy, chúng tôi đi bộ từ khu học xá lên số 19 Lê Thánh Tông để học. Một ngày đi bộ 4 lần, bởi vì buổi trưa không về thì không có cơm ăn. Cơm ăn tập thể hồi đó hầu như chỉ là rau và bí đỏ, thỉnh thoảng có vài lát thịt mỏng như tờ giấy, buổi sáng ăn khoai, sắn. Hồi đó, tôi chơi thân với Nguyễn Văn Hiệu. Hiệu và tôi cùng tuổi, tuy là học hai lớp khác nhau nhưng cùng khóa, Hiệu học Lý, tôi học Sinh. Tôi với Hiệu còn chia nhau củ sắn. Ngày đó, chúng tôi bàn với nhau hay là mua cái xích lô, 4 thằng ngồi một thằng đạp. Nhưng chỉ là đùa thôi vì làm gì có tiền...

Theo gương các thầy

PV: Theo Giáo sư, vì sao khóa học tuy chỉ có hai năm rưỡi nhưng học viên đều trở thành những nhà khoa học tiêu biểu sau này của nước nhà?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Đúng là khóa chúng tôi có nhiều nhà khoa học tên tuổi, có thể kể đến Nguyễn Văn Hiệu, Đàm Trung Đồn, Vũ Đình Cự (Vật lý); Nguyễn Văn Đạo, Văn Như Cương (Toán học); bộ tứ Lâm-Lê-Tấn-Vượng (Sử học); Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh (Văn học)... Chúng tôi học trong hai năm rưỡi, học xuyên hè. Năm 1954 vào học thì năm 1956 đã tốt nghiệp. Tôi nghĩ lớp chúng tôi trưởng thành được là bởi sự ham học. Tất cả đều ham học, không chơi bời, đồng thời xác định rõ sinh viên đại học không phải là học sinh cấp 4, không phải thầy đọc trò ghi, mà thầy chỉ giảng giải, còn người học phải tự nghiên cứu qua sách vở.

Một điều rất quan trọng nữa, chúng tôi có được thành công cũng là nhờ tấm gương của các thầy. Các thầy từ Việt Bắc về, không có gì trong tay dù chỉ là quyển sách giáo khoa, nhưng các thầy đã vượt lên bằng được để có thể dạy dỗ chúng tôi.

PV: Vậy trong tay không có sách, tài liệu, giáo trình thì các thầy lấy gì để lên lớp, thưa Giáo sư?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Ngày đó ở phố Tràng Tiền có một hiệu sách ngoại văn. Tại đó có bán quyển sách Le Russe, tức là dạy tiếng Nga qua tiếng Pháp. Các thầy mua quyển này rồi học cấp tốc. Không ngờ chỉ trong mấy tháng, các thầy đọc được sách tiếng Nga. Lý do là vì các từ khoa học giữa tiếng Nga và tiếng Pháp gần giống nhau, cho nên các thầy học rất nhanh. Đồng thời, các thầy đã đề nghị lên Chính phủ nhập các sách giáo khoa đại học của Liên Xô hồi ấy. Và thế là chúng tôi được học một hệ thống sách giáo khoa tốt nhất của Liên Xô và tất cả đều gắng học tiếng Nga theo gương các thầy.

Các thầy cũng thổi vào lòng học sinh niềm say mê khoa học. Thầy Dương Hữu Thời và thầy Lê Khả Kế chia nhau gánh vác các bộ môn thực vật học. Thầy Thời đi sâu vào sinh thái và phân loại thực vật; thầy Kế đi sâu vào sinh lý thực vật. Các thầy sẵn sàng cùng sinh viên đi thực tế để tìm các loài động thực vật và xây dựng động vật chí, thực vật chí nước ta. Sau này, các thế hệ học trò tiếp tục bổ sung, để có được những hiểu biết về thế giới động thực vật ở Việt Nam.

GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, người tốt nghiệp đại học ở tuổi 18. Ảnh do nhân vật cung cấp

Có một câu của Bác Hồ mà tôi luôn ghi nhớ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 12, trang 403). Bác nói ít nhưng rất cụ thể. Không phải đạt thành tựu bình thường, mà là đạt đỉnh cao của khoa học kỹ thuật. Trong thời đại hiện nay, với tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì câu nói của Bác khiến đội ngũ thầy và trò càng phải suy ngẫm.

Người thầy trong cuộc cách mạng số

PV: Là một người học trò giỏi, nay trên cương vị một người thầy, theo Giáo sư, đội ngũ thầy và trò cần phải làm gì để có thể hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng ấy?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Xã hội đang đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này khác với những cuộc cách mạng khác, nó thay đổi tận gốc nền sản xuất. Với cuộc cách mạng số, trí tuệ nhân tạo... xã hội sẽ tiến rất nhanh. Chúng ta sẽ có chính phủ số, có thành phố thông minh, có trang trại thông minh, doanh nghiệp thông minh...

Ngày xưa, dù điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn nhưng dường như vấn đề càng khó thì thầy, trò càng lao vào giải quyết cho bằng ra câu trả lời. Ngày nay điều kiện quá thuận lợi để học hỏi, thầy và trò cũng không thể dạy, học theo cách bình thường được. Theo tôi trong mối quan hệ này, người thầy có vai trò rất quan trọng. Người thầy phải am hiểu, thích ứng với công nghệ, với máy tính. Các em học sinh, sinh viên giờ đây không chỉ còn là công dân của nước Việt Nam mà sẽ là công dân toàn cầu. Vì thế, thầy phải biết công nghệ thông tin, thầy phải hơn trò một cái đầu thì mới đào tạo, mới có thể hướng thế hệ trẻ theo kịp xu hướng mới này. Còn thế hệ trẻ ngày nay, các em đã và đang làm rất tốt, có nhiều thành tựu khiến chúng tôi rất tự hào. Tôi mong các em tiếp tục giữ vững khát vọng, ý chí học tập, không ngại khó khăn đào sâu suy nghĩ.

Có thể nói, thế hệ chúng tôi tuy sống trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn nhưng lại có được thuận lợi từ tấm gương của các thầy giáo mẫu mực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Điều đó làm cho chúng tôi đều say mê học tập, say mê tham gia nghiên cứu khoa học và thấy cuộc đời rất đẹp. Hiện cả nhà tôi đều tham gia dạy học. Cuộc đời chúng tôi không giàu có như nhiều người khác, nhưng rõ ràng rất vui, rất hạnh phúc, bởi vì chúng tôi yêu nghề và đều được cống hiến hết mình cho nghề.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

HOÀNG VIỆT (thực hiện)