Tuy nhiên, theo GS, TSKH Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), mặc dù có nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã có được những thành tựu đáng kể, khiến quốc tế khâm phục.

Nghiên cứu như người trong cuộc

Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, cả cuộc đời gắn bó với văn hóa dân gian, nghiên cứu văn hóa dân gian với ông như một công việc hay một sự yêu thích?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Bà nội và mẹ tôi kể, hồi bé, nếu không hát ru thì tôi không ngủ. Lớn lên tôi ra Hà Nội ở với bố, không ai hát ru cho nữa nhưng tôi nhận ra mình thích âm nhạc. Sau này tôi học nhạc nhưng chơi với anh em nghệ sĩ chèo, đi xem hầu đồng... Văn hóa truyền thống ngấm dần vào người tôi. Học nhạc xong, tôi về Ban Nghiên cứu âm nhạc của Vụ Nghệ thuật và Nghiên cứu về âm nhạc dân gian. Âm nhạc dân gian không thể tách rời văn hóa dân gian, vì thế tôi nghiên cứu văn hóa dân gian. Năm 25 tuổi, tôi khoác ba lô lên Tây Bắc bắt đầu nghiên cứu rồi sau đó cả đời gắn bó với văn hóa dân gian.           

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh.

Suốt mấy chục năm qua, tôi sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian của các dân tộc. Thường thì muốn tìm hiểu một dân tộc tôi mất ít nhất khoảng 3 năm sống chung với người dân địa phương. Năm đầu học tiếng, không biết tiếng thì không thể tìm hiểu, nghiên cứu được gì, sau đó sống cùng họ như người dân địa phương, từ ăn mặc đến phong tục sinh hoạt. Cuộc đời tôi trải qua phần lớn thời gian là người trong cuộc (insider) sống với đồng bào dân tộc nhiều hơn ở nhà. Bố tôi (họa sĩ Tô Ngọc Vân-PV) từng nói “Đừng làm cái mình không biết, đừng đứng vào đó chật đất của người khác”. Đến giờ, tôi nghĩ cả đời tôi đã sống làm cái mình biết như lời của bố nói.

Ba hệ thống của văn hóa dân gian

PV: Nước ta là đất nước đa tộc người với những nét văn hóa độc đáo, vậy khi nghiên cứu văn hóa dân gian, cần quan tâm đến điều gì, thưa ông?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Muốn nghiên cứu văn hóa dân gian trước hết chúng ta cần có lý thuyết, nếu không sẽ không giải thích được các hiện tượng. Phải hiểu bản chất của văn hóa dân gian trong quá khứ là cái gì? Có một điều nhiều khi mọi người không để ý, đó là văn hóa dân gian là văn hóa của đời thường, không phải văn hóa của nghệ sĩ đứng trên sân khấu. Ví dụ, người mẹ cần ru con ngủ thì có thể vỗ lưng con cũng ngủ nhưng họ muốn gửi gắm những tình cảm từ người mẹ vào những câu hát ru. Như thế hát ru vừa là hoạt động mang tính thực tiễn vừa mang tính văn hóa. Dân tộc nào cũng có hát ru, sau hát ru là những bài đồng dao của trẻ con với những câu nhiều khi buồn cười... Cứ như vậy vòng đời con người của các dân tộc cơ bản giống nhau.

Văn hóa dân gian theo đó chia làm 3 hệ thống: Một là theo các chặng đường của đời người, từ hát ru lúc nhỏ tới khi hát tang lễ, ai cũng giống ai và hình thành như thể chế mọi người phải theo; hai là vòng cây trồng, từ lễ xuống đồng đến làm cỏ, rồi thu hoạch...; ba là niềm tin tâm linh, khi ốm cầu ai, tết mời tổ tiên về như thế nào... Đấy là những nét văn hóa rất độc đáo mà khi ra nước ngoài nói chuyện, tôi cũng hay nhắc đến, là chúng tôi không bao giờ quên quá khứ, quá khứ luôn tồn tại trong nhà những người đang sống, đó là cái bàn thờ gia tiên mà nhà ai cũng có.

Mỗi hiện tượng trong 3 hệ thống này đều có hoạt động văn hóa. Đó chính là bản chất của văn hóa dân gian đã tồn tại mấy nghìn năm, là văn hóa giữa đời thường, không phải của nghệ sĩ và không ở trên sân khấu. Dân tộc nào cũng có hệ thống đó, chỉ là hiện tượng cụ thể có thể khác nhau.

Ba hệ thống này chính là dàn bài, khung để người nghiên cứu dựa vào đó tìm hiểu. Tìm hiểu được tất cả các hiện tượng trong 3 hệ thống này, chúng ta sẽ dựng lên được khuôn mặt khá đầy đủ của văn hóa dân gian.

Đồng bào Tây Nguyên tái hiện nét văn hóa dân gian tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: THU HÒA

Nghiên cứu văn hóa dân gian ngày càng khó

PV: Trong giai đoạn hiện nay, khi đời sống xã hội ngày càng hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống dần mất đi thì việc sưu tầm, nghiên cứu gặp khó khăn gì, thưa giáo sư?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Khó khăn trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian bây giờ là thời nay hình thức văn hóa làng xóm của xã hội cũ bị giải thể. Văn hóa dân gian mất chức năng xã hội và mất luôn cả chức năng trình diễn vì xã hội không có nhu cầu, vậy nên nó bị mất chức năng thực dụng, thay vào đó là văn hóa sân khấu hóa, cá thể hóa tức là có những điều mà xưa cả làng biết giờ chỉ vài người được học biết. Vì thế diện xã hội phổ biến của văn hóa dân gian gần như không còn, nó chuyển sang cái khác mà cái chuyển này đang có nhiều vấn đề. Ví dụ người ta mang hát ru làm thành tiết mục sân khấu chứ không phải hát ru như một nét văn hóa dân gian đời thường. Rồi có khi còn mang cồng chiêng vào đệm hát ru. Hát ru bị làm sai lạc, bị phá, theo công thức hát phải có đệm đàn, rồi hát phải có múa phụ họa. Đó là công thức mang tính hình thức, không mang ý nghĩa gì. Như vậy văn hóa dân gian đã mất hẳn chức năng xã hội, không còn phục vụ sát sườn cuộc sống thường nhật của người dân mà trở thành cái gì xa lạ, và vì thế người ta ít dùng, dần dần văn hóa dân gian bị teo tóp.

Và vì văn hóa là nền tảng dân tộc nên những người như tôi có trách nhiệm phải giữ gìn nó. Nhưng khó khăn đầu tiên như đã nói là hình thức văn hóa làng xóm bị giải thể, nên phải dựa vào 3 hệ thống chính như tôi đã nói nhưng hiện tại thì 3 hệ thống đó cũng không còn đầy đủ. Bây giờ vào Tây Nguyên, hỏi về hát ru dân gian, có dân tộc còn không biết. Vì thế các nhà sưu tầm đành phải còn gì lấy đó, ai còn nhớ gì thì thu lượm cái đó, buộc phải chấp nhận có lỗ hổng.

Cùng với đó, người nghiên cứu đầu tiên phải thâm nhập cuộc sống thì mới hiểu được cặn kẽ văn hóa, còn nếu chỉ mang máy đến ghi hình, ghi âm bài hát thì anh chỉ có bài hát chứ không có văn hóa, bản chất của nó, sẽ không giải thích được vì sao hát thế này không hát thế kia. Nhưng đội ngũ nghiên cứu văn hóa dân gian ở nước ta đã ít lại còn san bán, nhiều người nửa nọ nửa kia, không chuyên vì họ phải làm việc, lo cho đời sống cơm áo gạo tiền. Nếu ở các đơn vị nghiên cứu, có đề án thì còn có kinh phí nhưng ít nơi có được điều kiện như vậy. Vì vậy người đắm đuối với văn hóa dân gian ngày càng ít đi, không còn mấy người nữa.

Hàng nghìn công trình được sưu tầm

PV: Những năm qua, công tác sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian đã có kết quả như thế nào, và việc cần làm sắp tới là gì, thưa ông?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Tôi làm Chủ tịch hội 6 khóa trong 30 năm. Xác định muốn nghiên cứu được thì phải có sưu tầm, nhất là khi việc đi vào văn hóa dân gian không còn có ý nghĩa phổ cập. Năm 2000, tôi huy động hơn 1.000 hội viên phát động phong trào lấy tên là “Tầm nhìn 2010” với mục tiêu sưu tầm bằng hết những gì có thể sưu tầm được. Đến năm 2008, trong kho của hội có khoảng 4.000 công trình viết bằng giấy vở học trò và nhiều nhất là khổ A4, sau đó đã tiến hành in, xuất bản được gần 2.500 công trình. Hiện nay, hằng năm Nhà nước cấp kinh phí cho hội để tài trợ các đề cương sưu tầm, nghiên cứu tốt (được khoảng 10-20 công trình); trao giải thưởng cho các công trình được giải. Mỗi năm anh em hội viên gửi về hội trên dưới 100 công trình dạng bản thảo.

Nhiều đoàn nghiên cứu nước ngoài khi đến Việt Nam đều rất cảm phục về chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Chúng ta cũng có những nhà nghiên cứu tâm huyết, cả đời dành cho văn hóa dân gian, như nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao (ở Nghệ An, đã quá cố), chỉ tính sách đã in của ông cũng cao hơn đầu người, chưa kể bản thảo...

Chúng tôi đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ chiến lược thứ nhất là sưu tầm văn hóa dân gian, tất nhiên tương lai vẫn cần phải tiếp tục “đào bới” nữa. Còn thế hệ nghiên cứu trẻ bây giờ ít có điều kiện đi điền dã, làm người trong cuộc (insider) như chúng tôi trước đây, vì thế nên hội chúng tôi giao cho họ tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu dựa trên hàng nghìn công trình đã được sưu tầm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)