Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế-người có nhiều năm nghiên cứu về áo dài-xung quanh câu chuyện này.
PV: Thưa ông, chúng ta bàn nhiều về việc công nhận áo dài là DSVH phi vật thể quốc gia nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện được. Theo ông nguyên do vì đâu?
TS Phan Thanh Hải: Quả thực, lâu nay chúng ta hay nhắc đến áo dài và ý nghĩa của nó nhưng khi làm hồ sơ đưa áo dài vào danh mục DSVH thì không thể nói áo dài chung chung được, mà cần cụ thể thì mới xác định được tiêu chí nhận diện theo quy định của luật trong nước hay các công ước về di sản của thế giới. Muốn tôn vinh thì trước hết phải biết được mình tôn vinh giá trị gì của áo dài. Thật ra, tới nay vẫn còn không ít người, kể cả những người làm văn hóa có sự nhầm lẫn về áo dài truyền thống, thậm chí không phân biệt, hiểu được nguồn gốc, giá trị riêng của từng loại hình. Chẳng hạn, áo dài hai thân hiện nay mà phần lớn phụ nữ và cả nam giới hay mặc là áo dài cải tiến sau này. Đây là loại áo cách tân đa dạng, có những loại đã xa rời các đặc tính của áo dài Việt và có nhiều nét tương tự áo dài của các nước Nam Á. Một số nhà thiết kế áo dài Việt Nam cũng không hiểu điều này nên thường lấy mẫu áo dài của Nam Á chứ không phải của Việt Nam.
|
|
Tiến sĩ Phan Thanh Hải cùng vợ trong trang phục áo dài ngũ thân. |
Trang phục áo dài đi cùng người Việt từ rất sớm, từ các triều Lý, Trần, Lê. Điều này được chứng minh qua các tư liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ học. Tuy vậy, áo dài ở mỗi thời kỳ một khác, phong cách thay đổi và đến nay hầu như không còn tồn tại trong đời sống. Hiện tại, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử ra đời, giá trị văn hóa, đời sống, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn làm hồ sơ DSVH phi vật thể cho áo dài ngũ thân ở hai tiêu chí: Công nghệ truyền thống và tập quán sử dụng. Dự kiến sẽ đề cử vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia trong thời gian tới. Ngoài Thừa Thiên Huế, các địa phương khác cũng có thể làm hồ sơ đề cử di sản cho áo dài truyền thống ở các tiêu chí khác, ví như Hà Đông có thể chọn tiêu chí về nguyên liệu may áo...
PV: Như ông nói thì có nhiều loại áo dài. Vậy cơ sở nào có thể xác nhận đâu là áo dài truyền thống của Việt Nam?
TS Phan Thanh Hải: Nhiều người vẫn nghĩ áo dài hai thân mà hiện nay nhiều người sử dụng là áo dài truyền thống Việt Nam. Theo tôi, áo dài đúng nghĩa của nước ta phải là áo dài ngũ thân-áo dài Huế. Áo dài ngũ thân có đủ những cơ sở về lịch sử ra đời, tồn tại, phát triển cũng như các tiêu chí về hình thức, kỹ thuật may đo để nhận diện.
Sử chép rằng sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, năm 1744, đã cho quy hoạch và xây dựng lại Đô thành Phú Xuân, xưng vương hiệu và tiến hành cải cách nhiều mặt, bao gồm cả bộ máy chính quyền, cả chế độ y quan và lễ nhạc, đổi mới phong tục, trang phục trên toàn cõi Nam Hà. Với thường phục được cải tiến phần cổ và eo thoải mái, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa tốt đẹp 5 thân, bao gồm: 1 thân con ở bên trong tượng trưng cho bản thân, 4 thân bên ngoài ở trước và sau tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu luôn bao bọc, che chở; 5 cúc áo tượng trưng cho nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà con người cần có. Từ đó bắt buộc dân chúng nam, nữ đều phải dùng kiểu áo ngũ thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống, trên đầu để tóc búi, đội khăn xếp hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất (đối với nam) hoặc khăn vành (đối với nữ). Sang triều Nguyễn (1802-1945), triều đình muốn thống nhất y phục hai miền, khởi đầu từ vua Gia Long (nối tiếp việc sửa đổi của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát), rồi đến thời vua Minh Mạng đã được thi hành một cách quyết liệt. Từ quan điểm cần thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc. Áo dài ngũ thân, cổ đứng, gài 5 khuy bên phải kèm với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước ta, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà vua lại ban dụ với thái độ quyết liệt: “Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị tội”.
Như vậy, chiếc áo dài ngũ thân được sản sinh ra từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát cho tới thời hoàng đế Minh Mạng và phổ biến trên cả nước, kéo dài trong khoảng 100 năm. Cho đến nay, bộ trang phục đặc biệt này đã có gần 300 năm lịch sử. Vẻ đẹp cổ điển và các giá trị văn hóa của nó đã được thử thách và khẳng định.
PV: Chúng ta cũng đã nhiều lần chứng kiến việc ở nước ngoài thiết kế trang phục giống áo dài Việt Nam. Nếu áo dài được trở thành di sản quốc gia, xa hơn nếu được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện nhân loại thì áo dài Việt Nam sẽ được bảo vệ?
TS Phan Thanh Hải: Một số nhà thiết kế nước ngoài làm những trang phục rất giống áo dài của ta, nhưng vì ta chưa công nhận di sản, chưa đăng ký bản quyền nên không có cơ sở pháp lý, rất khó để đấu tranh. Vì thế, nếu ta không nhanh chóng có biện pháp bảo vệ phù hợp thì áo dài truyền thống Việt Nam cũng rất dễ mất bản quyền quốc gia. Trong hồ sơ đề nghị ghi vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia cho áo dài ngũ thân mà chúng tôi đang làm, trong tiêu chí về kỹ thuật công nghệ đo may áo sẽ bao gồm các chi tiết về tiêu chí, tiêu chuẩn thiết kế áo, may đo. Sau khi áo dài được ghi danh vào Danh mục di sản quốc gia thì ta đã xác nhận đó là di sản của Việt Nam. Xa hơn, nếu được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thì cơ sở pháp lý để bảo vệ áo dài sẽ cao hơn. Khi đó, nếu bị xâm phạm thì chúng ta mới đủ cơ sở pháp lý và khoa học để lên tiếng bảo vệ.
|
|
Áo dài ngũ thân truyền thống ngày càng phổ biến trong đời sống đương đại. Ảnh: YÊN CHI |
PV: Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến đưa áo dài thành quốc phục Việt Nam cho cả nam và nữ. Điều đó có khả thi không, thưa ông?
TS Phan Thanh Hải: Giữa thế kỷ 19, áo dài ngũ thân đã phổ biến rộng khắp trên toàn cõi Đại Nam. Và như tôi nói ở trên, có thể nói trong lịch sử chưa có trang phục nào vừa có tính phổ quát cả nước, kèm theo quy định có tính pháp lý như áo dài ngũ thân và vì thế đây có thể được coi là quốc phục của người Việt. Ngày xưa, ở các nước phương Đông, chế độ y quan và lễ nhạc là hai tiêu chí để đánh giá văn minh một quốc gia. Áo dài thực tế đã trở thành biểu trưng của một chế độ văn minh “Y quan rực rỡ”.
Tôi từng đi nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế. Trong những buổi tiệc chia tay, ban tổ chức thường đề nghị đại biểu mặc trang phục dân tộc hoặc quốc phục. Ban đầu tôi hay mặc vest trong khi các đại biểu Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Indonexia đều có trang phục truyền thống, quốc phục nước mình. Không ai nói gì tôi nhưng tôi tự thấy mình không có bản sắc, không có nét riêng. Tôi nghĩ những người làm ngoại giao đều sẽ thấy như tôi. Trang phục cũng là một hình thức biểu đạt văn hóa, trong khi nước ta là đất nước có bản sắc văn hóa nhưng lại chưa thể hiện tốt việc bảo vệ và phát huy các DSVH, trong đó có áo dài. Thậm chí, đã có lúc thân phận chiếc áo dài bị vùi lấp, bị hiểu sai một cách méo mó, nhất là áo dài nam, đôi khi vẫn bị gán ghép, đánh đồng với những gì được xem là cổ hủ, lạc hậu, thậm chí còn biểu tượng cho bọn cường hào, ác bá thời quân chủ phong kiến. Rất may, trong vài năm trở lại đây, áo dài nam từng bước được “giải oan” và được đối xử bình đẳng với áo dài nữ và áo dài cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích, sử dụng.
Tôi cho rằng giai đoạn hiện nay, nhất là trong tiến trình hội nhập thế giới, chúng ta càng thấy rõ rằng văn hóa là yếu tố để nhận diện quốc gia dân tộc, trong đó trang phục chính là cái nhận diện đầu tiên, rất dễ thấy. Vì thế, ý kiến của đại biểu Quốc hội là rất nghiêm túc, có cơ sở và hoàn toàn khả thi.
PV: Thừa Thiên Huế là địa phương rất tích cực trong phong trào mặc áo dài ngũ thân truyền thống trong công sở?
TS Phan Thanh Hải: Với lịch sử ra đời và phát triển của áo dài ngũ thân như tôi đã nêu thì Huế xứng đáng trở thành kinh đô áo dài. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, triển khai đề án “Huế-kinh đô áo dài Việt Nam”. Việc xây dựng thương hiệu “Huế-kinh đô áo dài Việt Nam” thực ra là câu chuyện phục hưng một DSVH truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Đi đầu là Sở Văn hóa và Thể thao, sau đó là nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã thực hiện việc mặc áo dài trong công sở, đời sống và các sinh hoạt văn hóa. Đặc biệt, hình ảnh Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thường xuyên xuất hiện trong chiếc áo dài tại các sự kiện trong nước và quốc tế đã lan tỏa, tạo hiệu ứng rất tốt.
Tôi biết hiện có những câu lạc bộ với hàng chục nghìn thành viên trẻ đưa ra quy định mặc áo dài ngũ thân trong các buổi sinh hoạt. Có thể nói, phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã và đang được đông đảo giới trẻ quan tâm, đón nhận nồng nhiệt. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, cho thấy giới trẻ nhận thức được giá trị DSVH, cổ phục Việt Nam rất đẹp, đáng tự hào, và nhận thấy cần thể hiện cái riêng của dân tộc mình trong dòng chảy văn hóa nhân loại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU HÒA (thực hiện)