leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nhiếp ảnh và trách nhiệm xã hội

Phóng viên (PV)Hơn hai năm cả nước đối mặt với đại dịch, có thể nói nhiếp ảnh với sự xuất hiện nhanh chóng và rộng rãi đã ghi lại biết bao khoảnh khắc chân thực, gây xúc động và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội. Đã có khá nhiều cuộc thi, triển lãm diễn ra. Mới đây nhất, Cuộc thi và triển lãm ảnh Covid-19 “Những khoảnh khắc từ trái tim” được tổ chức trực tuyến trên website của Hội NSNA Việt Nam, thu hút đông đảo tác giả chuyên và không chuyên tham gia cho thấy sự hấp dẫn, sự vào cuộc của nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh đã phát huy giá trị riêng mà ít bộ môn nghệ thuật nào có thể miêu tả được, thưa chị?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Đặc thù của nhiếp ảnh chính là có thể ghi lại lịch sử một cách chân thực nhất. Khi cả nước đối mặt với đại dịch Covid-19, anh chị em nhiếp ảnh đã phát huy thế mạnh nghề nghiệp, không sợ hiểm nguy, dũng cảm theo chân các lực lượng tuyến đầu để thu vào ống kính của mình những khoảnh khắc chân thực nhất. Đã có rất nhiều bức ảnh được ghi lại, có sức lay động lòng người hơn mọi lời nói về đại dịch và tình người trong đại dịch. Điều đó đã cho thấy, nghệ thuật nhiếp ảnh không bao giờ bị đứt gãy dù trong hoàn cảnh nào và thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với xã hội.

Không dám chọn nhiếp ảnh làm nghề chính

PVKhông giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác có thể định giá trị thực tế một cách tương đối, nhiếp ảnh cho đến nay vẫn thật khó định giá và chưa có thị trường. Người ta có thể xin nhau, thậm chí tự ý lấy trên mạng nhưng lại thấy “lạ lùng” nếu phải mua một bức ảnh đẹp. Hội NSNA Việt Nam từng thử bán ảnh giúp hội viên nhưng hình như không thành công... Đó có phải một hạn chế khiến NSNA khó đắm đuối với nghề, nhất là khi hầu hết đây chỉ được coi là nghề tay trái, thú chơi của người có điều kiện?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Đúng vậy, so với một số loại hình nghệ thuật như mỹ thuật chẳng hạn thì tác phẩm nhiếp ảnh ít khi được bán với giá trị cao, đặc biệt ở Việt Nam thì thị trường nhiếp ảnh gần như chưa có. Có chăng, các tác giả chỉ bán được tác phẩm của mình qua những mối quan hệ cá nhân để trang trí, làm quà tặng, đăng báo, tạp chí... và không thường xuyên. Hiện tượng các tổ chức, cá nhân xin ảnh các tác giả để sử dụng, hay thậm chí tự ý lấy trên mạng rồi vô tư dùng cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, hay trang trí ở gia đình, trụ sở công ty, thậm chí ở các cơ quan nhà nước vẫn diễn ra thường xuyên. Thực trạng này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm huyết nghề nghiệp của các tác giả, làm cho phần lớn tác giả không dám đầu tư toàn bộ công sức, thời gian của mình cho sáng tạo tác phẩm mà chỉ xem đây là một sân chơi và cũng không dám chọn nhiếp ảnh là nghề chính để nuôi sống gia đình.

Hội NSNA Việt Nam luôn cố gắng tạo đầu ra cho tác phẩm của hội viên, tuy nhiên cũng chưa được nhiều và ổn định. Hội đang xây dựng một ngân hàng dữ liệu hình ảnh và làm cầu nối để giúp hội viên quảng bá rộng rãi tác phẩm của mình cả trong và ngoài nước, từng bước tạo thị trường ổn định, góp phần vào chiến lược công nghiệp văn hóa của quốc gia. Tuy nhiên, để các tác giả nhiếp ảnh hết lòng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật say đắm người xem thì thiết nghĩ, tất cả mọi người nên nghiêm túc thực hiện đúng luật bản quyền, trân trọng sức lao động của người tạo ra tác phẩm. Có như thế thì các tác giả mới có điều kiện tái tạo sức lao động, mới có động lực để đi tìm cái đẹp phục vụ cuộc đời.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Bay trên cánh đồng Tà Pạ" của tác giả Từ Thế Duy. 

Nhiều “thiệt thòi”

PVSự phát triển của đội ngũ nhiếp ảnh và nhu cầu ngày càng cao của xã hội đòi hỏi ngày càng nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đáp ứng được những tiêu chí chân-thiện-mỹ, đưa giá trị ấy tác động tới công chúng. Nhưng không ít tác phẩm, thậm chí cả tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi đã gây tranh cãi về vấn đề dàn dựng ảnh, can thiệp quá nhiều bởi công nghệ... làm mất giá trị chân thực vốn có của nhiếp ảnh. Và nhiều vấn đề khác của nhiếp ảnh đương đại mà một phần được cho là bởi lý luận phê bình nhiếp ảnh chưa làm tốt vai trò của mình, thưa chị?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Trước hết cần khẳng định, nghệ thuật là sáng tạo và sự sáng tạo của người nghệ sĩ không có giới hạn. Cho nên, việc các bức ảnh được dàn dựng hay can thiệp bởi công nghệ là chủ ý của tác giả, còn bức ảnh đó được đón nhận như thế nào là cảm nhận của người xem. Công nghệ là để phục vụ cho cuộc sống, tuy nhiên, nếu trong một bức ảnh nghệ thuật, tác giả dàn dựng mà phi thực tế hay lạm dụng công nghệ quá nhiều trong xử lý hậu kỳ thì sẽ khó được người xem chấp nhận... Và nhiều vấn đề của hoạt động sáng tạo đòi hỏi lý luận phê bình cần bám sát, chỉ ra cái hay, cái đẹp, cái thiếu sót, chưa được của quá trình sáng tác.

Tuy nhiên, không chỉ có lý luận phê bình của lĩnh vực nhiếp ảnh mà tất cả các chuyên ngành văn học, nghệ thuật ở nước ta từ trước đến nay luôn bị đánh giá là vừa thiếu, vừa yếu, nhất là đội ngũ trẻ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nhiếp ảnh nước nhà. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp bị buông lỏng một thời gian dài; cơ chế, chính sách về đào tạo, sử dụng, phát huy, tạo điều kiện hoạt động cho đội ngũ này còn nhiều hạn chế, lạc hậu, yếu kém.

Đặc biệt, nhiếp ảnh còn “thiệt thòi” hơn các ngành khác như văn học, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc... là không có đào tạo chuyên ngành lý luận phê bình mà chỉ được đào tạo kiến thức ở dạng cơ bản chứ chưa hề có chuyên sâu. Vì thế, số người viết lý luận phê bình nhiếp ảnh thời gian qua rất ít và đa số được đào tạo về báo chí, nhiếp ảnh ở nước ngoài, như: Liên Xô trước đây, Đức... hoặc cá nhân tự nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kiến thức.

Cần sự định hướng, đào tạo bài bản

PVTrong sự khó khăn, "thiệt thòi" ấy, thật tự hào khi những năm gần đây, Việt Nam có nhiều nghệ sĩ đoạt giải cao tại các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế, trong đó tác giả trẻ ngày càng nhiều. Nhìn nhận về đội ngũ nhiếp ảnh trẻ hiện nay, ý kiến của chị thế nào?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Trong thời đại thế giới mở, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế để giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sáng tác và tiếp cận với nhiều xu hướng, phương pháp sáng tác của các nhà nhiếp ảnh trên thế giới. Qua các cuộc thi đó, các nhà nhiếp ảnh không chỉ có thể cọ xát để biết về năng lực của mình mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đã có rất nhiều nghệ sĩ đoạt giải cao tại những cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế, nhận được tước hiệu cao của các tổ chức nhiếp ảnh có uy tín qua việc tham gia những cuộc thi ảnh, trong đó có nhiều tác giả trẻ.

Đội ngũ nhiếp ảnh trẻ hiện nay vừa có kiến thức, vừa có nhiều điều kiện thuận lợi nên dễ dàng nắm bắt kỹ thuật và tiếp cận với nhiếp ảnh thế giới. Tôi nghĩ, chỉ cần các bạn được định hướng đúng thì chắc chắn sẽ là thế hệ tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang của các thế hệ nhiếp ảnh cha anh từ trước đến nay.

PVCó thể nói, việc tiếp cận với nhiếp ảnh chưa bao giờ dễ dàng, thuận lợi như hiện nay, vì thế mà số lượng tác giả đông đảo nhưng đa số đều đi lên từ phong trào. Còn về lâu dài, chúng ta vẫn cần quan tâm xây dựng nguồn nhân lực nhiếp ảnh được đào tạo bài bản, thưa chị?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Đúng là chưa bao giờ việc tiếp cận với nhiếp ảnh lại dễ dàng và thuận lợi như hiện nay, số lượng tác giả nhiếp ảnh cũng ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, để sáng tác ảnh nghệ thuật thì rất cần được đào tạo bài bản, được định hướng đúng đắn để các tác giả có thể tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao, đạt giá trị chân-thiện-mỹ, phục vụ cuộc sống tinh thần của nhân dân và nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Trong các ngành văn học, nghệ thuật ở Việt Nam, nhiếp ảnh là ngành "thiệt thòi" nhất khi mà việc đào tạo chính quy mới từ năm 1998 (ở trình độ cao đẳng) và đến năm 2005 là trình độ đại học, khi thành lập Khoa Nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Ngoài ra, các trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có môn nhiếp ảnh trong đào tạo ngành báo chí. Tuy nhiên, số lượng người được đào tạo tại các trường này không nhiều so với số lượng tác giả nhiếp ảnh hiện nay. Đa phần các tác giả tự tìm đến những trung tâm đào tạo nhiếp ảnh ở các thành phố, số còn lại thì người đi sau học người đi trước hoặc tự học trên internet.

Vì thế, bên cạnh việc tạo các hoạt động cho nhiếp ảnh trẻ tham gia, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, các cơ quan chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện đào tạo nhiếp ảnh bài bản, từ sớm, thậm chí ngay từ trong trường phổ thông mới có đủ nguồn nhân lực nhiếp ảnh chất lượng kế cận cho tương lai.

PVTrân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ trên!

DƯƠNG THU (thực hiện)