Phóng viên (PV): Đầu tiên, xin chúc mừng đồng chí và hai học viên của nhà trường với thành tích tại Cuộc thi Trống quốc tế 2019 vừa qua. Những năm qua, sinh viên, học viên của trường đã đạt được nhiều thành tích tại các cuộc thi nghệ thuật trong và ngoài nước. Để có những thành tích này, nhà trường đã có sự quan tâm đầu tư như thế nào?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, thời gian qua, nhà trường luôn tạo điều kiện, khuyến khích học viên, sinh viên tham gia các cuộc thi nghệ thuật trong nước và ngoài nước. Điều này cũng là mục tiêu mà nhà trường luôn quan tâm, bởi lẽ, tham gia các cuộc thi cũng như biểu diễn là một hình thức trong thực hành nghề. Nhà trường chúng tôi luôn thống nhất “học phải đi đôi với hành” và thực hành nghề rất quan trọng trong tiến trình đào tạo. Hơn nữa, đạt được thành tích cao trong các cuộc thi thì cũng có nghĩa là nghề nghiệp của các em đã được khẳng định bước đầu và là điểm xuất phát rất tốt ngay từ ghế nhà trường.

Để có thể đạt được thành tích cao trong các cuộc thi, đầu tiên là sự nỗ lực của chính học viên, sinh viên. Các em đã được nhà trường tuyển chọn kỹ càng từ khi tuyển sinh vào trường và quá trình đào tạo được các thầy cô trau dồi kiến thức, kỹ năng và được thường xuyên thực hành biểu diễn làm cho các em sớm tiếp cận được với nghề nghiệp và có khả năng làm việc được ngay sau khi ra trường. Nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi cấp trường như thi ban nhạc, nhóm hát, thi hát tiếng Anh và ngay cả trong thi học kỳ, thi hết năm học của các em cũng đều có các phần thi thực hành biểu diễn theo từng chuyên ngành. Điều đó tạo nên môi trường hoạt động nghệ thuật năng động, sôi nổi và là nơi để các em thể hiện được kiến thức và kỹ năng biểu diễn chuyên ngành. Trong mỗi cuộc thi của nhà trường hay các cuộc thi quốc gia và quốc tế, nhà trường đều cử các giảng viên có kinh nghiệm hỗ trợ các em tham gia thi. Từ các khâu chọn tác phẩm, dàn dựng, luyện tập đến quá trình đi tham gia thi cũng đều được nhà trường hỗ trợ và luôn đồng hành. Sau mỗi cuộc thi, những em đạt giải đều được nhà trường khen thưởng, tuyên dương kịp thời, từ đó tạo nên động lực học tập tốt cho mỗi học viên, sinh viên trong toàn trường phấn đấu. Song song với đó, nhà trường cũng hỗ trợ các em nhiều hình thức đặc cách hay cộng điểm vào quá trình học tập của mỗi em đạt giải. Gần đây, nhà trường đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của các học viên, sinh viên giỏi và truyền thông đồng hành cùng quá trình các em tham gia thi, tạo nên hiệu ứng và tranh thủ sự ủng hộ từ gia đình và các bạn học viên, sinh viên khác. Tất cả những điều đó đều trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ các em đạt kết quả cao nhất.

leftcenterrightdel
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy cùng 2 học viên giành giải Nhất cuộc thi Trống quốc tế 2019

PV: Giai đoạn hiện nay, khi nhu cầu về văn hóa nghệ thuật của xã hội ngày càng hiện đại, phong phú, nhà trường đã làm gì để thực hiện tốt phương châm “dạy cái quân đội, xã hội cần” trong thời kỳ mới?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Phương châm “dạy cái quân đội, xã hội cần” đã được xác định là kim chỉ nam cho sự phát triển của nhà trường. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, chúng tôi chú trọng làm tốt ba việc trọng tâm:

Thứ nhất là luôn cập nhật đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng tiên tiến, thiết thực, chắt lọc phần lý thuyết và đẩy mạnh tính thực hành. Quy trình đào tạo của nhà trường là căn cứ nhu cầu của xã hội, xác lập nên chuẩn đầu ra, từ đó hiện thực hóa chuẩn đầu ra bằng cách xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Quá trình đào tạo vừa kết hợp học kiến thức, kỹ năng vừa kết hợp thực hành nghề và khâu kiểm tra đánh giá khách quan tạo nên một kết quả đào tạo tốt và “sản phẩm” nhà trường đào tạo ra đều có thể đáp ứng ngay cho đơn vị, cho xã hội sau khi tốt nghiệp.

Thứ hai là xây dựng đội ngũ giảng viên “Nhà sư phạm mẫu mực đồng thời là người nghệ sĩ tài năng” đạt chuẩn của giáo dục hiện đại. Các giảng viên cũng thường xuyên cập nhật tốt sự phát triển nghệ thuật của thế giới, là người biết khám phá và hỗ trợ cho tài năng của học viên, sinh viên được phát triển tốt nhất.

Thứ ba là tạo cho học viên, sinh viên môi trường tốt để phát triển, phát huy tính tích cực trong học tập. Các em được trang bị tốt về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, xứng đáng là “chiến sĩ-nghệ sĩ” trong tình hình mới. Và những thành tích hoạt động tích cực của học viên, sinh viên ở trên đã nói thì đã chứng minh được tính hiệu quả của việc đào tạo theo đúng định hướng của nhà trường, đúng những gì mà xã hội thời kỳ mới đang đòi hỏi.

PV: Hội nhập quốc tế là điều tất yếu trong giai đoạn hiện nay, hoạt động này được nhà trường thực hiện như thế nào?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Trong thời kỳ mới, sự hội nhập, giao thoa quốc tế làm cho nhà trường càng phải nhanh nhạy trong đào tạo, nhận biết các xu hướng mới trong nghệ thuật và từ đó thường xuyên tập huấn giáo viên, biểu diễn, trao đổi học tập các nước tiên tiến, từ đó sàng lọc, kết hợp với giá trị truyền thống để đưa ra những phương pháp giảng dạy tiên tiến. Gần đây, nhà trường tích cực tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Singapore... Nhà trường cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc), Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh (Nga), Trường Đại học Brigham Young (Mỹ) về hợp tác lâu dài, hỗ trợ nhau trong đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ học viên, sinh viên được học tập, biểu diễn, giao lưu văn hóa. Nhà trường cũng đã mời giảng viên Mỹ sang tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tham gia nhiều đợt biểu diễn tại các nước như: Nga, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia...

Nhờ đó, cán bộ, học viên của trường có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh, tự tin hơn trên trường quốc tế. Ngay trong năm 2019, hai học viên là Nguyễn Đức Minh Dương và Phạm Duy Anh đã đạt giải Nhất bảng thi song tấu trống trong Cuộc thi Trống quốc tế (Drum-Off Global 2019) tại Singapore. Tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games 2019) tại Nga vừa qua, Đội thi biểu diễn nghệ thuật gồm các nghệ sĩ là giảng viên của trường tham gia đã xuất sắc

giành hai giải nhất. Ngoài ra, trong năm học viên, sinh viên của trường cũng tham gia và đạt được những kết quả đáng kể tại nhiều cuộc thi uy tín trong nước như: Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2019 (4 giải vàng, 6 giải bạc, 1 giải thưởng ban nhạc xuất sắc và 2 giải nghệ sĩ ấn tượng); Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc-Giải Sao Mai (1 giải nhất, 1 giải nhì dòng nhạc nhẹ); Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội (1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 2 giải khuyến khích); 1 danh hiệu Á quân The Voice-Giọng hát Việt 2019…

PV: Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cũng là một trong rất ít đơn vị đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống. Trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo các chuyên ngành này chắc hẳn gặp nhiều khó khăn, nhà trường đã có giải pháp gì để thu hút học viên cho các chuyên ngành vốn ít người học này?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Nghiên cứu, bảo tồn và tổ chức đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống là một nhiệm vụ mà nhà trường luôn quan tâm. Bởi lẽ, nghệ thuật truyền thống chính là bản sắc của dân tộc, nếu biết bảo vệ, khai thác, chúng ta sẽ tạo nên bản sắc riêng trong một thế giới không biên giới như ngày nay. Tuy nhiên, các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống hiện nay ít được các bạn trẻ quan tâm và theo học. Chưa nhiều gia đình cho con học từ nhỏ, dẫn đến khi tuyển sinh chất lượng đầu vào chưa cao. Đây là một thực trạng cần phải được nghiên cứu, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Vì vậy, những năm qua, nhà trường đã rất tích cực giải quyết vấn đề này. Cụ thể, hằng năm nhà trường đều cử các đoàn giảng viên đi nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật dân gian ở các vùng miền. Các đoàn giảng viên đã đi tìm hiểu, ghi âm các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ từ các nghệ nhân biểu diễn. Từ đó giảng viên được tiếp xúc, giao lưu, làm phong phú vốn truyền thống dân gian và bổ sung vào nguồn tư liệu giảng dạy của nhà trường và thư viện.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng Tổng cục Chính trị” - Các đơn vị nghệ thuật trong quân đội có trách nhiệm tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền dân tộc của Việt Nam”, hằng năm, nhà trường dành một lượng chỉ tiêu nhất định để đào tạo các chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng như dành chỉ tiêu đào tạo cho các đoàn văn công phía Nam với các chuyên ngành như: Ca cải lương, đờn ca tài tử... Trước đây nhà trường đã được phép đào tạo con em các dân tộc miền núi trong 10 năm. Rất tiếc sau đó khi hết dự án thì nhà trường không còn được đào tạo nữa. Hiện nay, nhà trường đang tích cực xây dựng đề án “Phát triển giáo dục-đào tạo các ngành văn hóa nghệ thuật cho dân tộc thiểu số Việt Nam”. Đây là đề án tập trung vào các đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam có năng khiếu nghệ thuật, tập trung ưu tiên cho phát triển văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật của dân tộc mình. Địa bàn tập trung vào dân tộc thiểu số, miền núi, ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, những vùng phải di dời để phát triển kinh tế, vùng có nguy cơ cao mai một bản sắc văn hóa, nghệ thuật dân tộc, các địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh; vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ). Đây sẽ là đề án mà nhà trường mong muốn sẽ trở thành hiện thực, từ đó đào tạo nguồn nhân lực để góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống của nước nhà.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DƯƠNG THU (thực hiện)