Phóng viên (PV): Văn hóa Tây Nguyên luôn mang những đặc trưng, vẻ đẹp riêng khó lẫn với bất cứ nơi đâu. Vậy bản sắc văn hóa Tây Nguyên được thể hiện như thế nào, thưa bà?
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm: Văn hóa Tây Nguyên có xuất xứ từ nền văn minh nương rẫy, khác biệt hẳn với văn minh lúa nước của miền xuôi. Từ đó mà sản sinh ra phương thức sản xuất, phong tục tập quán, nghệ thuật diễn xướng, nghề thủ công... tất thảy đều khác biệt.
Bản sắc của văn hóa Tây Nguyên chính là toàn bộ văn hóa vật thể lẫn phi vật thể chứa đựng trong không gian rừng, suối, núi đồi, bến nước, nhà sàn, tâm linh... mà UNESCO gọi là không gian văn hóa. Trong đó, văn hóa phi vật thể Tây Nguyên như “cái lõi”, hiện diện dày đặc trong đời sống cộng đồng. Ở trong không gian ấy, môi trường văn hóa Tây Nguyên tồn tại sống động và phát triển bền vững. Nghệ thuật diễn xướng, văn học truyền miệng, các lễ hội độc đáo và phong phú như mọi người đã biết. Nhưng có những điều không phải ai cũng hiểu, là trong không gian đó, rừng, suối là một thực thể cần phải được tôn trọng. Ví như muốn lấy gì từ rừng cũng phải xin phép; hết một mùa rẫy no đủ phải tạ ơn thần đất, thần nước; làm rẫy luân khoảnh để giữ gìn cho đất tự phục hồi... Hoặc như luật tục chính là văn hóa ứng xử, ràng buộc và gắn kết cộng đồng một cách bền vững. Chỉ cần tìm hiểu cho hết 4 đặc trưng cơ bản (ngôn ngữ, trang phục, nghệ thuật diễn xướng và kiến trúc nhà) của gần 30 tộc người tại chỗ ở vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên đã thấy toát lên sự đặc biệt của bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Vậy nên cần tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa. Đừng cho rằng văn minh nương rẫy-văn hóa Tây Nguyên là lạc hậu mà áp đặt hoặc phiên từ văn minh lúa nước sang để làm nó thay đổi.
|
|
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm. |
PV: Là người con của Tây Nguyên và có nhiều năm gắn bó, nghiên cứu, bà thấy văn hóa Tây Nguyên đã có sự vận động, biến đổi ra sao?
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm: Mỗi một giai đoạn biến thiên của lịch sử đều làm cho văn hóa biến đổi. Biến đổi vì có những điều không còn phù hợp với lối sống mới. Vận động để hòa nhập với đời sống đương đại. Ví dụ trước đây, những hoạt động tâm linh Tây Nguyên đều phụ thuộc vào các vị thần linh; thời gian sinh hoạt, lao động của con người gắn liền với thiên nhiên, hầu hết canh tác lúa rẫy. Nay chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, trồng lúa nước, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng thì thời gian lao động và sinh hoạt, tổ chức lễ hội truyền thống không còn phù hợp. Mùa “Ăn năm uống tháng” đầu năm, xưa kia là mùa lễ hội, nghỉ ngơi thì nay phải tưới cà phê, gặt lúa ruộng, hái tiêu...; giai đoạn cúng lúa, nay là mùa thu hoạch sầu riêng; nhà sàn không còn nguyên liệu sửa chữa, phải thay bằng nhà xây, không phù hợp với việc cột các ghè rượu cúng Yang...
Đặc biệt, do việc chuyển đổi tín ngưỡng thờ phụng, nhiều đặc trưng của văn hóa truyền thống cũng phải thay đổi theo. Các lễ ăn cơm mới, cúng bến nước đã chuyển thành đón Giáng sinh, đón năm mới... Nhiều loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, thậm chí cả trang phục không còn môi trường để thực hành, trừ khi có sự kiện gì đó. Mặt khác, do có một thời gian dài đánh đồng văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phong trào chống mê tín dị đoan nên sự mai một, biến đổi của văn hóa cổ truyền, nhiều khi đến tận gốc rễ, là điều đương nhiên. May thay, với những đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, văn hóa Tây Nguyên đang dần được phục hồi.
PV: Nói đến văn hóa Tây Nguyên là nói đến không gian văn hóa, nhưng hiện nay có nhiều yếu tố quan trọng làm cho không gian ấy đã và đang dần thay đổi, thậm chí mất đi. Điều ấy có tác động thế nào tới việc gìn giữ bản sắc văn hóa Tây Nguyên, thưa bà?
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghĩa là không gian nêu trên chính là môi trường để văn hóa cổ truyền Tây Nguyên tồn tại và phát triển. Nhưng không gian ấy mỗi ngày một thu hẹp và biến đổi: Mất rừng, sông suối bị chặn-bị đổi dòng làm thủy điện, bến nước không còn, đất làm rẫy không còn, nhà sàn không còn gỗ để sửa chữa, luật tục không còn được coi trọng, tự trong buôn, bon, kon, plei không còn nhu cầu diễn xướng... Phong tục tập quán mất đi những điều kiện tối thiểu để được thực thi. Đặc biệt, các lễ hội, nơi tổng hòa của các loại hình văn hóa không còn nhiều cơ hội cả về điều kiện kinh tế lẫn không gian để tổ chức.
Tây Nguyên hiện có gần như đầy đủ các dân tộc của Việt Nam. Bên cạnh đó là sự đa dạng các phương tiện truyền thông, thế hệ trẻ nhiều người rời buôn làng đến học tập, sinh sống tại các đô thị, thậm chí là đi nước ngoài... Vì thế, sự ảnh hưởng, tiếp thu văn hóa của dân tộc khác, thậm chí nước khác là điều không tránh khỏi. Văn hóa tộc người với những phong tục tập quán, nghệ thuật diễn xướng, văn học truyền miệng... cũng theo thế mà phai nhạt, mất hoặc biến dạng dần. Bản sắc văn hóa, nếu bản thân thế hệ trẻ không có ý thức gìn giữ, sẽ từ đó mà bị tác động tiêu cực một cách sâu sắc.
|
|
Nhịp chiêng M'Nông. Ảnh: MINH PHƯƠNG |
PV: Thưa bà, nhiều giá trị đang mất đi đòi hỏi phải bảo tồn nhưng vẫn còn những tục lệ cũ không phù hợp với đời sống lại tồn tại. Chúng ta cần ứng xử với những vấn đề này như thế nào?
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm: Thực ra, những tục lệ cũ không phù hợp với đời sống hiện đại cũng không còn nhiều. Bà con tự lược bỏ cũng có, do chuyển đổi tín ngưỡng cũng có, tiếp thu của các vùng miền khác, đặc biệt là văn hóa của miền xuôi cũng có. Có điều, chưa chắc đều là những hội nhập tốt. Ví dụ, dẫu có tộc người đã chuyển sang phụ hệ thì việc cưới hỏi vẫn liên quan rất nhiều đến mẫu hệ, như hồi môn của nhà gái bị nhà trai yêu cầu rất cao, dù có cho “nợ” nhưng vẫn dứt khoát phải trả đủ. Việc nhà gái phải chia đất sản xuất cho con gái lấy chồng cũng là một việc vô cùng nan giải, khi đất đâu có “đẻ”. Hoặc việc đua nhau xây mộ nhưng là những ngôi mộ đá đen, đá đỏ hoành tráng, rồi đủ loại ăn mừng, ăn uống linh đình, vô cùng tốn kém, có khi thành nợ nần dai dẳng của gia đình.
Những hiện tượng lấp lửng giữa cũ và mới này vẫn chưa có hồi kết. Điều này rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, các đoàn thể, bằng nhiều cách, nhiều hình thức, để bà con thay đổi nhận thức một cách thấu đáo rằng: Nét đẹp thì phải giữ, thứ không phù hợp phải loại bỏ và cũng đừng tùy tiện vay mượn các hình thức, lối sống không phải của mình, thậm chí làm lố lăng đi.
PV: Trong giai đoạn mà thách thức đặt ra cho văn hóa là rất lớn, chúng ta cần nhìn nhận thế nào trong việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên gắn với phát triển bền vững?
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm: Trách nhiệm bảo tồn văn hóa không phải của riêng người Tây Nguyên mà còn ở mọi người, nhất là các ngành chức năng, đoàn thể có liên quan. Quan trọng nhất là việc đánh thức lòng tự hào về giá trị lớn lao của di sản trong chính cộng đồng, để bà con tự nhận thức, tìm ra cách bảo tồn di sản của chính mình, với sự giúp sức của nhiều ngành, nhiều người... Bởi thực tế đời sống kinh tế của đông đảo bà con người dân tộc tại chỗ vẫn chưa thật sự ổn định. Cũng cần có chương trình quốc gia về số hóa các di sản; giới thiệu, lan tỏa những nét đẹp của văn hóa Tây Nguyên qua báo chí, mạng xã hội; khuyến khích và tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các tộc người; tuyên truyền nếp sống mới thông qua việc loại bỏ các hủ tục...
Dù bằng cách bảo tồn tĩnh trong sách vở, trong bảo tàng thông qua những đề tài khoa học; bảo tồn động trong những sinh hoạt có gắn với nghệ thuật diễn xướng như tổ chức các sự kiện, phục dựng các lễ hội cộng đồng, phục vụ du lịch... đều đòi hỏi phải có sự thấu hiểu của lãnh đạo địa phương, sự vào cuộc có bài bản của cơ quan chức năng trong mọi môi trường và điều kiện có thể. Đã có những mô hình như: Cồng chiêng trải nghiệm cuối tuần ở Gia Lai, cồng chiêng phục vụ ca đoàn cuối tuần ở các nhà thờ trong thành phố ở Kon Tum, tấu chiêng trong những ngày lễ trọng ở Lâm Đồng... làm được điều ấy.
Nhưng cho dù hiểu giá trị quý báu của di sản đã mang tầm quốc tế mà không có chủ trương, nguồn kinh phí và kế hoạch hoạt động cụ thể thì sẽ chẳng đạt được yêu cầu như mong muốn. Ai cũng nói văn hóa Tây Nguyên vô cùng quý giá, nhưng làm cách nào gìn giữ, bảo tồn, phát huy thì cần rất nhiều sự yêu, hiểu và tâm huyết thật sự!
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
THU HÒA (thực hiện)