Thế nhưng, công việc bận rộn của Đại tướng khi đương nhiệm khiến mong ước của tôi chưa có cơ hội thực hiện.
Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh năm 1949 tại Thạch Đà, Mê Linh (Vĩnh Phúc, nay là Hà Nội). Lên một tuổi, cậu bé Phùng Quang Thanh đã chịu cảnh mồ côi cha. Thân phụ ông là Phùng Quang Sức, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính xã Thống Nhất, trong một lần đi vào vùng địch tạm chiếm làm công tác vận động nhân dân kháng chiến đã bị thực dân Pháp bắt đưa về giam giữ tại đồn Mai Khê. Dù địch đã dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng ông cương quyết không khai và hy sinh năm 1950. Là con liệt sĩ, được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng năm 1967, chàng trai Phùng Quang Thanh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào chiến trường, rồi mải miết với những nhiệm vụ quân đội giao phó từ thời chiến đến thời bình...
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành cho Báo QĐND Cuối tuần buổi trò chuyện thân mật về chủ đề tình đồng chí, đồng đội của Bộ đội Cụ Hồ.
|
|
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN |
Nhớ về tiểu đội trinh sát
PV: Thưa Đại tướng, mỗi người lính đều có kỷ niệm sâu sắc về tiểu đội thuở ban đầu làm chiến sĩ. Đại tướng nhớ gì về tiểu đội của mình khi còn là chiến sĩ?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Tiểu đội mà tôi gắn bó nhất thời chiến sĩ là Tiểu đội trinh sát của Tiểu đoàn 9, thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, bây giờ thuộc Quân đoàn 3. Một tiểu đội “vào sinh ra tử” có nhau, “chia ngọt sẻ bùi” cùng nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau... Hàng chục năm sau chiến tranh, anh em tôi vẫn không quên nhau. Sau khi nghỉ hưu, tôi có thời gian đi tìm gặp lại những anh em cùng đơn vị cũ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9 bắc Quảng Trị. Hiện giờ, tiểu đội tôi còn sống chỉ có hai người thôi. Tôi với anh Nguyễn Xuân Sắn ở trong TP Hồ Chí Minh. Gần đây, vợ chồng anh Sắn ra Hà Nội và đến nhà thăm tôi. Gần 5 chục năm mới gặp lại, rất cảm động. Chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm thời chiến trường, rồi chụp ảnh kỷ niệm với nhau. Rồi hẹn nhau, tôi có dịp vào TP Hồ Chí Minh thì đến thăm anh...
PV: 50 năm là quãng thời gian khá dài, vì sao ông Sắn và Đại tướng lại không gặp nhau sớm hơn?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Vì sau chiến tranh thì anh ấy chuyển ngành, ra làm lâm nghiệp ở Đắc Lắc. Tôi tiếp tục đời quân ngũ, đồng chí biết đấy, nhiệm vụ liên tục, về phép thăm nhà cũng còn khó... Bây giờ anh ấy nghỉ hưu ở quận 9, TP Hồ Chí Minh. Sau chiến tranh, tôi cũng đã tìm gặp được một số anh em cùng tiểu đội. Anh Đỗ Trung Tư quê ở xã Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Khi anh ấy còn sống, tôi tìm đến tận nhà thăm. Hôm đó, rất may tôi gặp lại cả đồng chí Đống Anh Độ, cũng cùng tiểu đội trinh sát, quê ở Quảng Yên, Quảng Ninh tại nhà anh Tư. Ba anh em ôm nhau xúc động, nghẹn ngào. Chúng tôi nói vui là họp được tổ ba người, được ăn với nhau bữa cơm vô cùng ấm áp. Tôi tiễn chân anh Độ ra tận bến xe Mỹ Đình để anh ấy mua vé về Quảng Ninh. Về sau không may anh Tư mất khá đột ngột, lúc đó tôi đang ở nước ngoài, phải nhờ đứa cháu mang vòng hoa tới viếng. Anh Độ cũng bị ung thư rồi mất đúng dịp tôi đi điều trị nên phải nhờ đồng đội gửi vòng hoa và lễ viếng anh Độ. Thế là tiểu đội trinh sát của tôi thời chiến đấu ở Đường 9, một số hy sinh trong chiến đấu, còn 4 người thì nay đã mất hai người. Tôi và anh Sắn giờ kẻ Bắc người Nam, chúng tôi dặn nhau hễ có điều kiện là phải đến thăm nhà nhau, cùng trò chuyện, tâm sự để “bù” cho những người đã mất.
Cảm xúc của người anh hùng
PV: Đại tướng được phong danh hiệu Anh hùng LLVT từ năm 1971, khi đó Đại tướng có còn ở tiểu đội trinh sát nữa không?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Tôi được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20-9-1971, từ thành tích trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào diễn ra vào tháng 2-1971. Khi đó tôi là Thượng sĩ, Trung đội trưởng.
PV: Như vậy Đại tướng nhận danh hiệu anh hùng ngay tại chiến trường Quảng Trị?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Lúc đó đơn vị đã rút ra Hà Tĩnh rồi. Sau khi đánh xong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào thì các sư đoàn chủ lực đa phần rút ra ngoài phía bờ bắc sông Bến Hải, để củng cố, huấn luyện, bổ sung tân binh, củng cố xong lại tiếp tục đi vào chiến trường. Lúc đó, tôi vẫn ở Trung đoàn 64, do đồng chí Khuất Duy Tiến là Trung tá, Trung đoàn trưởng; đồng chí Đặng Văn Trượng là Chính ủy Trung đoàn. Trung đoàn trưởng của đơn vị tôi sau này là một vị tướng tài của quân đội, bác Khuất Duy Tiến sau đó trở thành Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục trưởng Cục Quân lực rồi Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Bác ấy nghỉ hưu với quân hàm trung tướng. Đợt đó, tập thể Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 được tuyên dương là đơn vị anh hùng và cá nhân tôi được tuyên dương anh hùng. Tôi có vinh dự rất lớn là được đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng (sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) vào dự lễ đón nhận danh hiệu anh hùng của đơn vị và đồng chí trao tặng phần thưởng cao quý cho tập thể cũng như cho cá nhân tôi. Đó là một niềm vinh dự rất đặc biệt.
PV: Năm 1971, ở tuổi 22 nhận danh hiệu anh hùng, cảm xúc của Đại tướng như thế nào?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Cảm xúc của tôi lúc đó hòa trong niềm vinh dự chung của Tiểu đoàn 9 vừa được Đảng, Nhà nước, nhân dân phong tặng danh hiệu cao quý và Trung đoàn 64 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chiến dịch. Tôi xin nói đôi chút về trung đoàn tôi. Đơn vị chúng tôi nhận mệnh lệnh là hành quân đi B dài, chắc là vào B2 đấy. Nhưng vào đến khu vực Đường 9 thì nhận được lệnh của trên là dừng lại, tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào luôn.
Ngày 8-2-1971, lúc đó tôi là Trung đội phó, được đại đội giao nhiệm vụ chốt giữ quả đồi Không Tên. Đồi toàn những cây lúp xúp, cao ngang đầu người, cỏ tranh rất dày. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải giữ bằng được quả đồi, không để địch nống lấn hoặc đổ bộ đánh chiếm, tinh thần là “còn người còn trận địa”. Chúng tôi đến khu vực tập kết vào buổi tối thì gần sáng chúng tôi tổ chức lên chiếm trận địa luôn. Trong lúc địch chưa đến, anh em tranh thủ làm công sự, trận địa. Chủ yếu là đào giao thông hào, rồi đào các hố bắn cá nhân, kết hợp làm những hầm ẩn nấp chữ A, làm khẩn trương, bí mật, làm đến đâu ngụy trang ngay bằng cây tươi, cỏ tranh rất kín đáo. Sáng ngày 10-2-1971, một đại đội địch đến định chiếm đồi Không Tên. Sau này thì chúng tôi biết đó là đại đội 33 thuộc lữ đoàn dù 3 của quân đội ngụy Sài Gòn. Chúng tôi giữ được bí mật, để địch vào rất gần mới nổ súng. Suốt ngày hôm đó, được sự chi viện của đại đội, trung đội tôi nhiều lần đánh bật đại đội 33 của địch ra khỏi ngọn đồi.
Đến ngày 13-2, địch tiếp tục đổ quân. Lần này chúng liều đánh rất ác liệt. Máy bay ném bom dọn bãi đổ bộ, bom phát quang, bom sát thương, rồi bom cháy cùng trực thăng vũ trang kết hợp pháo từ căn cứ 543 của địch bắn phá dữ dội, các căn cứ khác của địch ở xung quanh cũng bắn phá chặn đường tiếp viện của ta cho đồi Không Tên. Ý đồ của địch là chiếm toàn bộ đồi Không Tên để tạo ra các căn cứ ở xung quanh bảo vệ sở chỉ huy của lữ đoàn dù 3. Ban ngày địch đổ một tiểu đoàn.
Hôm đó, tôi được bổ nhiệm Trung đội trưởng Trung đội 2. Anh Thúy là đại đội trưởng, anh Phạm Văn Mộc là chính trị viên. Hai anh giao nhiệm vụ cho trung đội tôi đảm nhận mũi tấn công chủ yếu của Đại đội 9, đánh từ dưới chân đồi lên để cùng đội hình tiến công của Tiểu đoàn 9 chiếm lại đồi Không Tên. Tôi triển khai đội hình, hai tiểu đội đánh hai hướng đi trước, còn một tiểu đội đi dự bị phía sau. Tôi là trung đội trưởng thì dẫn đầu. Thời kỳ đó, là cán bộ, từ anh trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, rồi đảng viên, tổ trưởng 3 người thì luôn luôn phải xung phong, phải gương mẫu, phải dẫn đầu đội hình để đánh địch. Chứ cán bộ, đảng viên mà không gương mẫu, không dẫn đầu, có biểu hiện hoang mang, do dự, hay ngại ác liệt thì đơn vị đó không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Chiến sĩ người ta cũng sẽ không theo. Thật sự “đảng viên đi trước, làng nước đi theo”.
Đang chỉ huy trung đội tiến công lên đỉnh đồi thì tôi bị một quả pháo bắn ngay phía sau. Tôi thấy người nhói lên một cái, lạnh hết đằng sau bả vai trái. Nhìn sang bên trái thì đồng chí Đức, xạ thủ trung liên (đồng chí ấy hiện vẫn đang sống ở quê Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) cũng bị thương. Tôi bèn nói anh em vận tải đưa đồng chí Đức về phía sau điều trị, còn tôi thì anh em kéo vào trong hầm. Đồng chí Chính trị viên đại đội chạy đến kiểm tra rồi lệnh vận tải đưa tôi về tuyến sau. Nhưng tôi suy nghĩ rất nhanh: Mình không dùng AK chiến đấu được thì vẫn có thể dùng tay phải đánh địch bằng lựu đạn. Điều quan trọng với người chỉ huy là phải có mặt để chỉ huy anh em chiến đấu, chứ nếu lui về phía sau thì trung đội sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ làm thế nào để trung đội hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Tôi là người đã nhận nhiệm vụ của đại đội giao, đã hiệp đồng với đơn vị bạn, lại thuộc địa hình, nếu đi viện thì Trung đội 2 sẽ gặp khó khăn. Thế là, tôi bảo đồng chí y tá băng kín, treo tay trái lên cho gọn. Đồng chí y tá là Hà Văn Hướng, người dân tộc Mường, quê Tân Sơn, Phú Thọ. Anh ấy quấn thêm một băng nữa để khi tôi chạy, lăn lộn, vận động thì khỏi vướng, khỏi đau. Anh em đã giắt cho tôi 17 quả lựu đạn quanh người.
Trước đề nghị của tôi, trong tình thế khẩn trương, Chính trị viên đại đội đồng ý cho tôi vọt lên, tiếp tục chỉ huy trung đội tiến công, đánh hết hỏa điểm này đến hỏa điểm khác, tốp địch này đến tốp địch khác, cuối cùng chúng tôi đánh lên được đến đỉnh đồi, diệt các ổ đề kháng, các mục tiêu khác của địch. Tiểu đoàn 9 của chúng tôi sau một ngày chiến đấu đã làm chủ hoàn toàn được các mỏm của đồi Không Tên, tiêu diệt tiểu đoàn 6 thuộc lữ đoàn dù 3 của địch.
Tôi dẫn anh em sục sạo khu vực đỉnh đồi thì bắt được một tù binh, nó trốn ở trong hầm và thu được hai khẩu súng AR15. Về đến khu tập kết thì tôi đau quá, được vận tải đưa đi viện. Kết thúc điều trị, lại trở về đơn vị và được đề bạt là Đại đội phó Đại đội 9. Đi viện về, anh em báo cho tôi biết là trong lúc tôi nằm viện, đơn vị bình xét khen thưởng và tôi được tập thể đề nghị tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT với số phiếu rất cao.
Lúc đó, tôi lên gặp cấp trên, trình bày suy nghĩ là tự thấy thành tích, hành động của mình rất bình thường, vào chiến đấu thì cán bộ, đảng viên nào cũng như vậy cả thôi. Nhưng các anh phân tích cho tôi, rằng trong lúc chiến đấu ác liệt, bị thương và đã có lệnh cấp trên cho lui về phía sau mà xin ở lại, tiếp tục dẫn đầu trung đội tiến công, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản thân lại bắt được tù binh, thu được vũ khí, đó là một hành động anh hùng.
Từ binh nhì lên Đại tướng...
PV: Chúng tôi được biết, Đại tướng từng chiến đấu, công tác tại hai đơn vị đều mang phiên hiệu Trung đoàn 64, tại sao lại có sự trùng hợp thú vị như vậy ạ?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Câu chuyện thế này, tháng 9 tôi nhận danh hiệu anh hùng thì tháng 10-1971 tôi được trên phong quân hàm thiếu úy và cho đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1 đến tháng 7-1972 thì ra trường. Khóa đó, có ba người tốt nghiệp được phong quân hàm trung úy là tôi với anh Phạm Minh ở Quân khu 5 và anh Nguyễn Như Hoạt, sau này là Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Học xong, cũng không có về phép gì đâu, chúng tôi nhận quân trang, vũ khí, trang bị, lại tiếp tục hành quân từ Sơn Tây vào chiến trường Quảng Trị. Tôi được bổ sung về Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320B. Bây giờ là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Lúc đầu thì được giao làm đại đội trưởng của một đại đội huấn luyện chiến sĩ mới ở Vĩnh Linh, xong thì bổ sung vào chiến trường. Một thời gian sau, tôi được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9, lúc đó anh Đinh Xuân Tơ làm tiểu đoàn trưởng. Sau đó thì tôi lên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9. Đến năm 1974, trên cho tôi ra Bắc đi học ở Học viện Quân sự, đang học dở thì kết thúc chiến tranh, cả lớp tôi vào Đà Lạt học tiếp. Tôi không tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh vì đang đi học. Tốt nghiệp Học viện Quân sự xong thì được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B...
PV: Khi Đại tướng còn đương chức Bộ trưởng, tôi có may mắn được tháp tùng một số chuyến công tác. Tôi để ý thấy Đại tướng rất quan tâm đến các đối tượng chính sách, nhất là với thân nhân liệt sĩ. Đại tướng có thể chia sẻ lý do được không ạ?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Như đồng chí biết, tôi là con liệt sĩ, cha tôi hy sinh khi tôi mới một tuổi. Tôi đã trải qua chiến đấu, trên nhiều cương vị, phát triển từ người chiến sĩ lên đến bộ trưởng, từ binh nhì lên đại tướng không bỏ qua bất kỳ cấp nào, tôi thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả, gian khổ của bộ đội, đặc biệt là những mất mát không gì bù đắp được của gia đình liệt sĩ. Cho nên là khi còn công tác, mặc dù công việc vô cùng bận rộn nhưng tôi tự nhắc mình phải quan tâm làm tốt công tác chính sách đối với gia đình liệt sĩ. Tôi cùng với tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng cục Chính trị, trực tiếp là anh em Cục Chính sách tìm những chính sách đãi ngộ tốt nhất trong điều kiện của đất nước, quân đội đối với gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, rồi làm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mái ấm biên cương”... đã có kết quả, đồng chí cũng đã biết rồi.
|
|
Đại tướng Phùng Quang Thanh kiểm tra, động viên lực lượng diễu binh trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2015). Ảnh: MINH TRƯỜNG |
Chúng ta là Bộ đội Cụ Hồ, bên cạnh bản chất truyền thống “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân” thì còn một phẩm chất truyền thống rất quan trọng nữa là sống với nhau thắm tình đồng chí, nghĩa đồng đội. Khi còn đương chức, tôi dành thời gian đi thăm được khá nhiều trung tâm điều dưỡng thương binh nặng. Từ đó mà tham mưu với Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh nặng. Nhờ đi nhiều mà tôi nghe các đồng chí thương binh nặng, mất 81% sức khỏe trở lên, phản ánh nỗi lo công ăn việc làm cho con các đồng chí ấy. Con thương binh nặng thì có chính sách ưu tiên đấy, nhưng nhìn cảnh bố thương binh ngồi trên xe lăn, con thì đẩy xe cầm theo cái túi hồ sơ, đến cổng các cơ quan, doanh nghiệp xin việc có khi bảo vệ người ta không cho vào, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi bàn và được Quân ủy Trung ương thông qua, ký ban hành Chỉ thị 97/CT-BQP về tuyển dụng con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng chưa có việc làm, vào phục vụ trong quân đội. Tất nhiên là các cháu phải đủ tiêu chuẩn tuyển dụng. Tôi trực tiếp ký các quyết định tuyển dụng, để theo dõi xem công tác này có gì vướng mắc thì tháo gỡ ngay cho nhanh. Trước khi tôi nghỉ, đã ký quyết định được 338 trường hợp, có cháu là công nhân, viên chức quốc phòng, có cháu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và 16 vợ liệt sĩ (hy sinh trong khi lái máy bay chiến đấu; truy bắt tội phạm ma túy; tìm kiếm cứu nạn; rà phá bom mìn)... nhìn chung các cháu đều phấn khởi, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tôi cũng rất vui là sau khi tôi nghỉ hưu rồi thì anh Ngô Xuân Lịch (Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - PV) cùng các anh trong Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục làm tốt công tác này, có nhiều việc còn tốt hơn trong điều kiện mới.
PV: Thưa Đại tướng, thế hệ Đại tướng đã góp phần xây nên hình ảnh rất đẹp về người lính. Nhưng có một thực tế là thanh niên ngày nay nhiều người không thích đi bộ đội vì đời sống quân ngũ quá khắt khe, lại khó khăn, gian khổ. Đại tướng nghĩ sao về điều này?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Trước hết phải nói, môi trường quân sự là một môi trường hết sức khắc nghiệt, thời chúng tôi còn là lằn ranh giữa cái sống và cái chết, còn thời bình hiện nay thì chưa hết hiểm nguy, khó khăn, gian khổ. Từ đấy để thấy, khi xử lý những tình huống chiến lược hiện nay, yêu cầu đặt ra cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước là phải xử lý đúng, nhằm giữ được độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đồng thời cũng phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định chính trị-xã hội để mà phát triển đất nước. Trong đó đặc biệt là xử lý đúng trong quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng. Phải giữ được trong ấm, ngoài êm. Bên trong mà ổn định thì ở ngoài người ta không có cớ gì để can thiệp vào công việc nội bộ ở đất nước mình cả. Đất nước ta đã trải qua biết bao nhiêu năm chiến tranh, chúng ta thấm thía mất mát mà nó mang lại, chúng ta càng quý trọng hòa bình, ổn định; cho nên chúng ta phải luôn chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tôi cũng như tất cả đồng chí, đồng đội cùng thế hệ, không ai mong muốn đất nước có chiến tranh để mình trở thành anh hùng cả. Vì thế, trong thời bình, việc nhiều cháu không thích chọn môi trường quân ngũ là bình thường, thế hệ chúng tôi chiến đấu cũng để thế hệ sau có được điều này. Nhưng chúng ta cũng phải tuyên truyền, giáo dục các cháu chấp hành nghĩa vụ quân sự. Và khi vào quân đội rồi thì chúng ta phải xây dựng môi trường văn hóa quân sự trở thành nơi thanh niên được rèn luyện, trưởng thành. Cái sự “thích quân đội” của thanh niên đi từ “bắt buộc” sang “tự giác, tự nguyện” là như thế.
PV: Theo Đại tướng thì đâu là điểm cốt lõi của xây dựng môi trường văn hóa quân sự hiện nay?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Điều quan trọng nhất là người cán bộ chỉ huy các cấp, anh phải gương mẫu, phải thật sự thương yêu bộ đội. Mình là chỉ huy phải như những người anh, người chị đối với anh em thì anh em mới tin. Hết sức tránh việc xúc phạm danh dự của anh em. Càng phải tránh hành động quân phiệt, ứng xử thô bạo với bộ đội. Người chỉ huy phải công tâm, khách quan, không theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu” sẽ rất mất lòng tin của anh em.
Bây giờ, điều tôi lo nhất là cơ chế thị trường mà len lỏi vào ở đâu đó, người nào đó trong quân đội thì sẽ có trường hợp bộ đội không có lòng tin vào tổ chức hay người chỉ huy các cấp. Cái đó rất nguy hiểm cho sức mạnh mỗi đơn vị. Thời chiến tranh, binh tin cán, cán tin binh. Giờ thì có cái khó, nhưng không phải là không làm được. Điều quan trọng với anh cán bộ là phải quan tâm, sâu sát bộ đội. Tôi vẫn nói, mỗi thanh niên bây giờ có tới 6 người chăm, ngoài bố mẹ còn ông bà nội, ông bà ngoại. Thế mà vào bộ đội, để họ đói, rét hoặc không được chăm lo chu đáo thì có gia đình nào yên tâm giao con cho quân đội? Cái quan tâm này khác với rèn luyện, rèn thì vẫn phải thật nghiêm, nhưng đồng thời phải quan tâm đến anh em thật tỉ mỉ.
Hồi tôi làm cán bộ tiểu đội, trung đội, khi hành quân thì mang vác đỡ cho chiến sĩ khẩu súng, bao gạo để anh em bám kịp đội hình; đến nơi tập kết thì chỉ cho anh em chỗ mắc tăng võng nghỉ ngơi, đào hộ bộ đội cái hầm trú ẩn; vào rừng, ra suối hái rau, bắt cua bắt cá nấu bát canh bồi bổ cho anh em... Đến khi làm bộ trưởng, có lần liên tiếp nghe báo cáo 3 cán bộ biên phòng các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn hy sinh khi vây bắt tội phạm buôn bán ma túy qua biên giới, tôi đau xót như người thân của mình. Phải làm gì, làm thế nào để anh em hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn an toàn là điều tôi trăn trở. Tôi trao đổi với các anh ở Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), từ đó đi đến quyết định đầu tư mua chó nghiệp vụ ở Đức và nâng cao chất lượng huấn luyện cảnh khuyển ở Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Có chó nghiệp vụ hỗ trợ, cuộc đấu tranh chống tội phạm buôn ma túy qua biên giới của BĐBP tăng cả về hiệu quả và sự an toàn.
Khi làm bộ trưởng, nghe tin gió mùa Đông Bắc báo thì tôi trực tiếp gọi điện, giao nhiệm vụ cho đồng chí Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quân nhu, anh Phạm Tiến Luật dẫn đầu cùng Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tươi, Cục trưởng Cục Doanh trại. Tôi dặn phải đi hết các đồn biên phòng ở biên giới phía Bắc, những chỗ rét nhất, kiểm tra cho tôi xem chỗ nằm thế nào, áo gác thế nào, chỗ tắm thế nào, chống rét như thế nào, đi cơ động thế nào, mũ mão, giầy tất... về đề xuất công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội. Sau chuyến đó, Bộ Quốc phòng đã quyết định đầu tư, trang bị cho chiến sĩ ở biên giới đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em yên tâm làm nhiệm vụ. Hay là tôi ngồi trong phòng làm việc, tôi nhìn ra thấy anh em vệ binh đứng gác, nắng nóng như thế, đứng suốt 2 tiếng. Thì mình phải nghĩ ra nước uống, lắp cho anh em cái quạt, mua ô tô để anh em hành quân đổi gác đỡ vất vả, gác đêm có tô mì tôm cho đỡ đói... Phải làm cho bộ đội yêu mến, gắn bó, tin tưởng vào người chỉ huy thì đến khi lâm trận người ta sẵn sàng sống chết vì đất nước này, vì quân đội và cả vì người chỉ huy nữa.
Gặp bộ đội, phải bảo người chỉ huy trực tiếp tránh đi
PV: Thưa Đại tướng, khi người chỉ huy càng ở vị trí cao thì cũng dễ bị quan liêu. Đại tướng có kinh nghiệm gì để chống bệnh quan liêu?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Phải từ thực tiễn. Như tôi đã nói, mình có trải qua thực tiễn rồi thì anh em cấp dưới có muốn giấu mình cũng khó. Cái thứ hai nữa là phải tăng cường khâu tiếp xúc với bộ đội. Cán bộ càng lên cao, càng ít có cơ hội tiếp xúc bộ đội, nên có điều kiện thì phải gặp gỡ, tiếp xúc ngay, nhất là chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan cấp úy, công nhân, người lao động. Đi thăm đơn vị cơ sở, tôi hay gặp gỡ, tiếp xúc như thế. Và khi tiếp xúc với anh em thì phải bảo người chỉ huy trực tiếp ở đó tránh đi chỗ khác, anh em mới dám bộc lộ; đồng thời mình phải thật hòa đồng, phải hỏi, khơi gợi thì anh em mới cho thông tin để mình nắm được tình hình.
Lúc làm bộ trưởng, tôi công khai số điện thoại cho cán bộ trong hội nghị quân chính toàn quân. Tôi luôn nói, ai có tâm tư gì, nguyện vọng gì, có phản ánh gì, kiến nghị gì, hoặc thậm chí đơn vị có gì khó khăn cần báo cáo đề xuất, có tư vấn gì, tham mưu với Bộ, thậm chí đơn vị anh có vụ việc gì mà cần thiết phải báo cáo thẳng lên để xin ý kiến chỉ đạo cho nhanh thì tôi cho số điện thoại. Một biện pháp nữa là tôi đi kiểm tra thường không đi đông người và không báo trước. Đi đột xuất rất nhiều.
Lúc tôi làm sư đoàn trưởng, muốn hiểu thực chất cái đơn vị này, kiểm tra về quân số, số đào ngũ, bỏ ngũ thì tôi phải tách anh cán bộ tập trung ở hội trường trung đoàn, còn toàn bộ chiến sĩ ở một tiểu đoàn nào đó đứng tại chỗ. Sau đó, tôi tiếp xúc với từng đồng chí chiến sĩ. Tôi hỏi về ăn, ở, nước uống, sinh hoạt, tắm giặt, hỏi có ai bị cán bộ đánh không, có ai bị cán bộ gửi mua hàng mà không trả tiền, có ai được cán bộ cử đi làm thuê về nộp tiền cho cán bộ không, giơ tay tôi biết... Chiến sĩ nào dũng cảm, nói đúng thực trạng, sau khi kiểm tra, xác minh là tôi thưởng phép, có như thế mới khuyến khích anh em mạnh dạn nói lên thực tế, đồng thời cũng răn đe cán bộ không dám làm sai.
Có lần, khi là bộ trưởng, tôi dành thời gian nói chuyện với đồng chí chiến sĩ gác. Có hai người thôi. Một bộ trưởng, một chiến sĩ. Anh em nói hết, chả ngại ngùng. Nhờ thế mình mới được nghe hết, chứ ngồi nghe chiến sĩ mà bên cạnh còn chỉ huy tiểu đoàn, lữ đoàn thì sẽ không có ai nói gì hết, chỉ có vỗ tay thôi. Thế thì không có thông tin.
PV: Có câu chuyện là một lần Đại tướng đến kiểm tra một sư đoàn đóng trên địa bàn Hà Nội, Đại tướng đã bất ngờ yêu cầu đội ngũ cán bộ trong đội hình chờ kiểm tra kéo gấu quần lên thì lộ ra nhiều đồng chí đi tất dân sự. Đó có phải là câu chuyện thật, thưa Đại tướng?
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Chuyện đấy là có thật. Bởi vì thế này, một số anh em ở đơn vị, bên ngoài tỏ ra rất chính quy, nhưng bên trong vẫn còn đối phó. Tôi vốn học ở lục quân ra, những “bài” này, tôi đều học từ trường. Đi kiểm tra thì yêu cầu bỏ mũ để tôi xem đầu tóc bộ đội cắt tỉa thế nào, có gọn gàng không, xòe hai bàn tay kiểm tra xem móng tay có gọn, sạch không. Rồi kéo quần lên, cốt để nhìn xem bộ đội đi tất có đúng quy định không. Những động tác của mình như thế là thể hiện tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ. Người chỉ huy mà không sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ thì không thể giành thắng lợi khi lâm trận. Cho nên, việc các thế hệ chỉ huy, cấp trên dạy cấp dưới, thế hệ này truyền thế hệ kia những biện pháp thật cụ thể, tỉ mỉ là nhằm bảo đảm giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quân đội “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”...
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tướng!
“Tôi cũng như tất cả đồng chí, đồng đội cùng thế hệ, không ai mong muốn đất nước có chiến tranh để mình trở thành anh hùng cả” – Đại tướng Phùng Quang Thanh. |
HỒNG HẢI – LIÊN VIỆT (thực hiện)