Với đặc trưng của mình, tranh cổ động luôn đồng hành cùng các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa quan trọng của đất nước và mang lại hiệu quả tuyên truyền thiết thực. Họa sĩ Hà Huy Chương đã có những chia sẻ về tranh cổ động với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần sau hơn 40 năm gắn bó với dòng tranh tưởng dễ mà khó này.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Hà Huy Chương.
Phóng viên (PV): Tranh cổ động là dòng tranh ít được các họa sĩ quan tâm theo đuổi, cơ duyên gì khiến ông gắn bó với dòng tranh này?
Họa sĩ Hà Huy Chương: Tôi đến với hội họa, cụ thể là tranh cổ động rất ngẫu nhiên. Đó là từ khoảng năm 1973, khi đang là bộ đội, tôi thường vẽ chép lại, vẽ những tranh gắn với đơn vị để phục vụ tuyên truyền cổ động đơn vị. Lúc ấy tôi vẽ bằng bản năng, rồi thấy mình cũng có chút năng khiếu thôi chứ chưa nghĩ gì đến sẽ theo nghiệp cầm cọ chuyên nghiệp. Ra quân, về Hà Nội, tôi theo học ngành lịch sử và học thêm vẽ tại một câu lạc bộ mỹ thuật chứ cũng không được đào tạo chính quy về hội họa. Vừa học, tôi vừa tích cực tham gia sáng tác và cũng mạnh dạn gửi tranh dự thi Triển lãm tranh cổ động toàn quốc năm 1978. May mắn tôi được giải nhì ngay lần đầu tham gia. Điều đó đã khích lệ tôi rất nhiều trong sáng tác và từ đó đến nay tôi hoạt động sáng tác không ngừng.
PV: Gắn bó với tranh cổ động suốt mấy chục năm qua, ông nhận thấy dòng tranh này ở nước ta như thế nào?
Họa sĩ Hà Huy Chương: Tranh cổ động Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường nhưng nó luôn có phong cách, tiếng nói riêng. Nếu như tranh cổ động của các nước: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Triều Tiên... nói như phong cách châu Âu thì nó giống như một người ưa hùng biện. Tức là ngôn ngữ thể hiện theo kiểu lên gân, mạnh mẽ. Còn tranh cổ động Việt Nam thường lại rất nhẹ nhàng, tất nhiên có những loại tranh cổ động cần mang tính hình thức, cần mạnh mẽ, nhưng nhìn chung đều thấm đẫm tình cảm, ý nghĩa và có sức thuyết phục, dễ đi vào lòng người. Điển hình như thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ Đường Ngọc Cảnh có bức tranh nổi tiếng “Giữ lấy quê hương, giữ lấy tuổi trẻ”. Khác với những tranh vẽ người bộ đội cầm súng lao vào khói lửa bom đạn chiến tranh, ông đã vẽ cô gái rất đẹp, mặc áo bà ba đen, tay cầm bông sen, vai khoác súng, phía sau là rặng tre, nhẹ nhàng như một bức tranh lụa vậy. Với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn mang đậm tính hình tượng và màu sắc truyền thống, bức tranh đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào của người Việt Nam và cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bức tranh ấy không chỉ có ý nghĩa cổ động toàn dân, toàn quân mà kẻ địch khi nhìn vào cũng thấy rằng, người Việt Nam sẽ quyết tâm giữ lấy quê hương, không run sợ trước bất kỳ kẻ thù nào.
leftcenterrightdel
Tranh của họa sĩ Hà Huy Chương đoạt giải Nhì Cuộc thi Tranh cổ động tuyên truyền chào mừng 65 năm ngày giải phóng Thủ đô.
Hiệu quả của nghệ thuật mang lại thường gián tiếp nhưng cũng có những trường hợp hiệu quả từ tranh cổ động đến rất trực tiếp, có thể nhìn thấy ngay. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ bức tranh cổ động dựng trước đồn Bản Kéo, Điện Biên Phủ khiến quân địch trong đồn kéo nhau ra hàng. Trong giai đoạn rất quyết liệt của cuộc chiến, bức tranh đã có ý nghĩa rất lớn trong công tác địch vận, hạn chế thương vong, tiêu hao vũ khí, góp phần lớn vào chiến thắng của quân và dân ta.
Thế hệ thanh niên chúng tôi, đôi khi nghĩ đến ra chiến trường đầy gian khổ hy sinh... nhưng nhìn những bức tranh, áp phích cổ vũ thanh niên ra chiến trường lại thấy hưng phấn, thôi thúc, tác động lớn đến suy nghĩ, hành động và nhiều thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đó là những hiệu quả nhìn thấy rõ của tranh cổ động.
Đến ngày nay, chúng ta không khó để bắt gặp những bức tranh cổ động lớn được dựng lên từ miền quê đến thành thị đang cổ vũ, tiếp sức cho mỗi người trong công cuộc xây dựng đất nước  diễn ra sôi nổi ở khắp mọi miền đất nước. Có thể nói, từ khi ra đời, tranh cổ động luôn đồng hành với đất nước từ những năm tháng chiến tranh cho đến nay.
leftcenterrightdel
Tranh "Phía trước" của họa sĩ Hà Huy Chương.
PV: Đội ngũ sáng tác tranh cổ động ở nước ta hiện nay như thế nào, thưa ông? 
Họa sĩ Hà Huy Chương: Hiện nay, có thể nói ở dòng tranh cổ động, những người làm chuyên nghiệp, tâm huyết, có tìm tòi sáng tạo đang ngày càng ít đi. Hiện toàn quốc có khoảng 40 họa sĩ chuyên làm tranh cổ động. Bên cạnh đó cũng có nhiều người làm đồ họa vi tính những tranh cổ động tuyên truyền đơn giản nhưng không ít người lười biếng, suy nghĩ dễ dãi chỉ biết cắt ghép tạo ra những sản phẩm chất lượng kém. Điều đó làm mang tiếng, xấu hình ảnh tranh cổ động “xịn”.
Tranh cổ động phải là những tác phẩm mỹ thuật chứ không phải chỉ là vài ba hình vẽ quen thuộc với mấy dòng chữ khẩu hiệu. Những họa sĩ tranh cổ động chân chính sẽ luôn trăn trở, dằn vặt để nghĩ ra được những hình tượng, hình thức thể hiện mới.
PV: Tưởng dễ nhưng lại rất khó để có bức tranh cổ động vừa dễ hiểu, hấp dẫn, đáp ứng được tính nghệ thuật lẫn tuyên truyền. Người họa sĩ cần đáp ứng được những tiêu chí nào, thưa ông?
Họa sĩ Hà Huy Chương: Nói đến tranh cổ động thì yêu cầu đầu tiên là ý tưởng phải dễ hiểu để ai xem cũng hiểu được và hình thức phải đẹp nữa. Để được vậy, người họa sĩ trước hết phải có ý tưởng, ý tưởng ấy xuất phát từ nội dung cụ thể, ví dụ tuyên truyền cho đại hội Đảng chẳng hạn. Ý tưởng mà họa sĩ thể hiện ra phải có tìm tòi sáng tạo chứ không thể chỉ cắt ghép, thậm chí phải có tiếng nói riêng của mình, nhưng tiếng nói ấy phải hòa đồng với mục đích, ý nghĩa của việc tuyên truyền. 
Ngoài ra, họa sĩ phải tìm tòi hình thức thể hiện, xây dựng bố cục, mảng màu sắc độ đường nét, chữ trên tranh sao cho phù hợp từng loại tranh, từng nội dung về chính trị, về văn hóa, xã hội... Tác giả phải thể hiện được dấu ấn trong cách thể hiện của mình để nhìn bức tranh của họa sĩ này khác họa sĩ kia, hay nói cách khác là họa sĩ tranh cổ động cũng phải tạo được phong cách riêng. Trong cái chung phải có cái riêng, cái riêng phải gắn với cái chung. Đó là điều không dễ mà họa sĩ phải thể hiện được. Không ít người vẽ tranh cổ động đến một lúc cảm thấy bất lực, không làm được nữa, đành bỏ ngang. Theo đuổi nó đến cùng, số ấy thực sự không nhiều. 
Đặc biệt, với tranh cổ động, bên cạnh yếu tố chuyên môn là đương nhiên, họa sĩ cần phải nắm vững, thấm nhuần đường lối chính trị, xã hội, hiểu biết sâu sắc vốn văn hóa của dân tộc, có cảm xúc, rung cảm với cuộc sống... Muốn vậy, không cách gì khác, họa sĩ phải tự trau dồi kiến thức cho mình thường xuyên, liên tục.
PV: Với ông, khó khăn, thách thức với những họa sĩ tranh cổ động hiện nay là gì?
Họa sĩ Hà Huy Chương: Hiện nay, khi bàn về tranh cổ động, chúng tôi cho rằng việc tìm ra cái mới là khó nhất. Nhất là những chủ đề, hình tượng mang tính mặc định, không hoặc rất khó thay đổi buộc họa sĩ phải tìm ra ý tưởng, hình thức thể hiện sao cho mới mẻ, sinh động, đừng lặp lại người khác, càng không được lặp lại mình.
Chúng tôi thường ngồi nói chuyện vui với nhau rằng, các loại tranh khác còn làm triển lãm, đấu giá, bán được tiền, thậm chí giá hàng nghìn, chục nghìn đô-la, còn tranh cổ động hiếm khi bán được, nếu có bán được cũng ở mức giá rất giới hạn. Nhưng họa sĩ tranh cổ động không nhằm mục đích theo hướng ấy, hiểu một cách nào đó, tranh cổ động là sự cống hiến cho tập thể.
Những năm gần đây, các cuộc tuyên truyền, vận động sáng tác tranh cổ động khá nhiều, chủ yếu là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thỉnh thoảng các bộ, ngành cũng phát động sáng tác vào dịp kỷ niệm. Một số tỉnh như: Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc cũng có phong trào sáng tác tương đối tốt để phục vụ tuyên truyền tình hình chính trị-xã hội của địa phương. Nếu để ý tham gia thì họa sĩ như chúng tôi cũng có sân chơi. May mắn tác phẩm đoạt giải thì có thêm phần khích lệ (giải thưởng lớn trong nước thì giải A được khoảng 15 triệu đồng), nếu tranh được sử dụng trưng bày triển lãm thì được trả nhuận treo, in báo, xuất bản thì có thêm nhuận bút, đủ tiền mời bạn bè uống nước... (cười). Tuy nhiên, hiện nay ngoài thị trường, việc khai thác các tranh cổ động một cách tự do rồi in sao bán tràn lan mà không ai quản lý cũng là một bất cập.
PV: Vừa được đánh giá là khô, khó, lại không mang lại thu nhập cao, điều gì khiến ông gắn bó với tranh cổ động đến bây giờ?
Họa sĩ Hà Huy Chương: Nó giống như là sinh nghề vậy, không bỏ được. Với họa sĩ theo dòng tranh cổ động như tôi, cái được lớn nhất chính là niềm vinh dự, tự hào khi tranh của mình được sử dụng phổ biến rộng rãi, mang lại ý nghĩa, hiệu quả tuyên truyền cao. Chính điều đó khiến chúng tôi gắn bó, yêu và trăn trở với tranh cổ động không thôi!
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, họa sĩ Hà Huy Chương cùng với 3 họa sĩ: Trần Duy Trúc, Lương Xuân Hiệp, Nguyễn Công Quang đã tổ chức triển lãm tranh cổ động tại Hà Nội (từ 10-10 đến 20-10-2019). Đây là triển lãm nhóm đầu tiên của dòng tranh cổ động ở nước ta.

DƯƠNG THU (thực hiện)