Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, “Uống nước nhớ nguồn”-tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Công tác này đã được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện ra sao?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ bao đời nay, nhân dân ta luôn biết ơn những người đã hy sinh bảo vệ biên cương, bờ cõi. “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành đạo lý sống, được vun đắp thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Bác Hồ lúc sinh thời cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những người hy sinh vì đất nước và nhắc nhở mọi người phải ghi nhớ “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Suốt từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác chăm lo cho thương binh, liệt sĩ (TBLS), người có công với cách mạng, với những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực và thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ. Công tác tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng còn được các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội quan tâm bằng những phong trào ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng rãi như: Toàn dân chăm sóc các gia đình TBLS và người có công với cách mạng, đền ơn đáp nghĩa, nghĩa tình đồng đội...

leftcenterrightdel

Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Ảnh: THU HÒA

Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã rất nỗ lực trong thực hiện những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác TBLS; quan tâm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhất là chăm lo cho thương binh, bệnh binh qua các thời kỳ. Những dịp lễ, tết, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chỉ huy các cấp đến thăm hỏi gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, lão thành cách mạng đã để lại dấu ấn tích cực, có ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước. Cùng với đó, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức, tạo điều kiện cho các đội quy tập hài cốt liệt sĩ-với tinh thần trân trọng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, lặn lội trong rừng sâu núi thẳm để đưa các anh về với quê hương, đất mẹ... Hoạt động của các cấp hội CCB Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cũng đã tham gia rất tích cực và hiệu quả trong việc này. Tôi vẫn thấy Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam những năm qua rất tâm huyết với việc tìm kiếm, quy tập, trao chứng nhận cho các gia đình liệt sĩ. Tôi cũng từng gặp một CCB ở Hải Dương nhiều năm nay miệt mài tìm kiếm thông tin liệt sĩ rồi viết thư gửi cho các gia đình...

Dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, công tác TBLS đã mang lại ý nghĩa lớn không chỉ với các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng mà còn được cả xã hội trân trọng.

PV: Là người từng trải qua chiến tranh, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, đâu là điều đồng chí còn trăn trở, mong muốn thực hiện?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Nhiều năm nay, cứ vào dịp tháng 7 là tôi và đồng đội đều tổ chức thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội. Năm nào đông thì quân số lên đến cả trăm người, mấy năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu nên nhiều người không thể tham gia được.

Trung đoàn Pháo binh 575-đơn vị tôi được biên chế và tham gia chiến đấu suốt 7 năm-từng được Bác Hồ đến động viên kiểm tra, quan sát bắn ứng dụng đạn A12 do Liên Xô chế tạo mới viện trợ trước khi đưa vào sử dụng tại chiến trường. Với nhiều chiến công vang dội, đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong 10 năm từ khi thành lập đến khi giải thể (1965-1975), Trung đoàn 575 có 1.000 đồng chí anh dũng hy sinh, trong đó có những đồng chí là trung đoàn trưởng, chính ủy. Ban liên lạc Trung đoàn nhiều năm qua vẫn kết nối, huy động được các nguồn lực, đóng góp để xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ ở đồi Dương Lâm (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng). Đây cũng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ địa phương.

Làm được điều đó, những CCB già chúng tôi cũng phần nào được an ủi. Nhưng vẫn còn những điều trăn trở chưa làm được... Trong kháng chiến, khu vực Ranh Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là nơi đặt kho hậu cần của mặt trận, còn gọi là K600. Ngày 25-4-1969, địch tập kích, ném bom đánh sập hang đá trú tạm. Lúc đó trong hang có 4 đồng chí của Trung đoàn 575, đều quê ở Đan Phượng (Hà Nội), là: Hoàng Tiên Ngũ, sinh năm 1947; Đặng Văn Phú, sinh năm 1948; Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1945; Nguyễn Huy Nhự, sinh năm 1944 và 4 đồng chí của K600 là: Võ Thị Pháo, sinh năm 1951, ở Duy Xuyên, Quảng Nam; Nguyễn Nhạ, sinh năm 1937, ở Đại Lộc, Quảng Nam; Thái Quý Anh, sinh năm 1951, ở Hòa Vang, Đà Nẵng; anh Vựng (chưa rõ họ), sinh năm 1951, ở Hòa Vang, Đà Nẵng.

Chúng tôi nghe anh em về báo cáo lại rằng, sau khi hang sập vẫn còn nghe tiếng kêu cứu của đồng đội vọng ra nhưng anh em chỉ biết cúi đầu mặc niệm đồng đội. Bao năm qua, chúng tôi vẫn đau đáu về những đồng đội nằm lại đó nhưng rừng sâu, lượng đất đá sập kín hang quá lớn nên không thể làm gì khác. Chúng tôi bây giờ là những ông già xấp xỉ 80 tuổi, mắt mờ, chân chậm, chỉ có tâm nguyện tha thiết dựng được tấm bia tưởng niệm đồng đội ở đó để mọi người nhớ đến.

Tháng 7 năm ngoái, tôi thăm Sư đoàn 2, Quân khu 5-nơi có Đoàn Ba Gia (Trung đoàn 1) 3 lần anh hùng. Từ khi thành lập ngày 20-10-1965 đến nay, Sư đoàn đã có tới 5,2 vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Thật là mất mát quá lớn! Tôi cũng đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai), xót xa khi thấy cả nghĩa trang có 1.700 phần mộ liệt sĩ nhưng chỉ 100 bia mộ có tên... Đúng là chẳng có chiến thắng nào không phải đánh đổi bằng xương máu của bao anh hùng liệt sĩ. Những câu chuyện hy sinh ấy, một CCB như tôi hay bất cứ người Việt Nam nào cũng cảm thấy cần suy ngẫm, trăn trở.

leftcenterrightdel
 Các đoàn viên đỡ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Chèo dự lễ khánh thành Tượng đài Chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ (Bình Dương). Ảnh: NSNA VŨ DOANH DZỤ


PV:
 Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp, vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính và chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc làm thủ tục để được công nhận. Theo đồng chí, trong việc này cần quan tâm tới những yếu tố nào để đạt hiệu quả và giữ được ý nghĩa vốn có?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Mẹ vợ tôi có con trai là liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Những năm cuối đời, bà vẫn đau đáu một nguyện vọng tìm được anh về. Chỉ khi tôi và các em tìm được mộ anh, xây lên rồi chụp ảnh báo lại với bà, bà mới nói có thể yên lòng nhắm mắt.

Qua 4 cuộc chiến tranh, nước ta có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ còn đang nằm lại trên các chiến trường chưa được tìm thấy; hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, quê quán, đơn vị... Tìm được hài cốt các anh là mong mỏi của hàng trăm nghìn gia đình liệt sĩ. Nhưng đây là công việc rất nhiều khó khăn bởi thời gian chiến tranh đã lùi xa, các tài liệu ngày càng ít, nhân chứng đã già yếu, địa hình thay đổi rất nhiều... Bên cạnh đó, quan hệ quốc tế cũng có nhiều biến động, những vấn đề mới xuất hiện phần nào làm lu mờ dần các cuộc chiến tranh cũ...

Khi là Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, trong các chuyến công tác, làm việc với hội cựu binh Mỹ và một số nhân chứng, tôi đã nói: Dù người Việt Nam rất đau khổ vì hàng triệu con em hy sinh nhưng thấu hiểu tấm lòng những bà mẹ Mỹ nên chúng tôi vẫn quan tâm tới việc tìm hài cốt các cựu binh phi công Mỹ. Ông chủ tịch hội cựu binh Mỹ đã rơi nước mắt chia sẻ rằng cảm thấy có lỗi và hứa sẽ phát động các cựu binh Mỹ chia sẻ thông tin hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Sau đó, chúng ta đã nhận được nhiều thông tin tích cực.

Hiện nay, điều kiện giao lưu quốc tế ngày càng thuận lợi, Chính phủ nên có kênh chính thức trong hợp tác với chính phủ các nước liên quan để chia sẻ thông tin, tư liệu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Nhà nước cần có thêm những chính sách để huy động sức mạnh toàn dân, các nguồn lực tham gia công tác TBLS, đền ơn đáp nghĩa; cũng như cần có chủ trương thông thoáng hơn trong công nhận gia đình chính sách nhưng không để bị lợi dụng, xuyên tạc chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.

PV: Với thế hệ trẻ hôm nay, đồng chí có suy nghĩ ra sao khi nhiều người vẫn lo ngại giới trẻ sống vô cảm, thờ ơ với quá khứ?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Tôi nghĩ đừng ai đánh giá hay lo lắng về điều đó. Nếu thế hệ trước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử làm cho thế giới biết đến người Việt Nam, dân tộc Việt Nam quả cảm, anh dũng, yêu và sẵn sàng đấu tranh cho hòa bình... thì tin tưởng rằng, người Việt Nam hôm nay cũng sẽ làm cho thế giới biết đến một Việt Nam hiện đại, phát triển, văn minh, tiến bước ra thế giới với hành trang quý là truyền thống và niềm tự hào dân tộc.

Tôi thấy các bạn trẻ vẫn đến thăm hỏi, chăm sóc các gia đình chính sách, thắp hương, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều bạn trẻ bằng tài năng của mình lập website; tìm kiếm, dịch những tư liệu từ nước ngoài về thông tin các liệt sĩ. Nhiều bạn trẻ phục dựng những bức chân dung liệt sĩ rồi trao tặng gia đình trong niềm rưng rưng xúc động... Chứng kiến những hình ảnh, việc làm đó, tôi tin rằng thế hệ trẻ hôm nay, dù có nhiều cách làm khác nhau nhưng đều có chung tình yêu, lòng biết ơn, niềm tự hào về thế hệ cha ông và sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, làm rạng danh đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)