Dấu ấn "Quả đấm thép"

Phóng viên (PV): Theo lộ trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, sắp tới, phiên hiệu Quân đoàn 4 sẽ trở thành một giá trị lịch sử. Có thể nói, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập là một trong những sự kiện cuối cùng của Quân đoàn 4. Cảm xúc của đồng chí lúc này thế nào?

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi: Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là một tất yếu khách quan, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” trong tình hình mới. Việc giải thể Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 để thành lập Quân đoàn 34 (trước đó, Quân đội ta đã giải thể Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, thành lập Quân đoàn 12) là quyết định mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ đều an tâm tư tưởng, xác định tốt động cơ phấn đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Chính vì vậy, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đoàn 4 là sự kiện mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc...

Tôi là một cán bộ được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành từ các đơn vị cơ sở, gắn trọn cuộc đời binh nghiệp với Quân đoàn 4. Được là người chiến sĩ của Quân đoàn là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với tôi...

PV: Đồng chí vừa nhắc đến quyết định mang tính chiến lược khiến chúng tôi nhớ, trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta suốt gần 80 năm qua, từng có nhiều chủ trương, quyết định mang tính chiến lược, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng?

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi: Đúng vậy! Mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có những mục tiêu, yêu cầu mới về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển cả về tư duy lý luận và hành động thực tiễn. Chẳng hạn, sự ra đời của Quân đoàn 4 trên chiến trường Đông Nam Bộ từ nửa thế kỷ trước cũng là một dẫn chứng của quyết định mang tính chiến lược ấy. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào đầu năm 1973, đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Với thắng lợi đó, chúng ta đã thực hiện được lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”. Và để tiếp tục “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực binh chủng hợp thành. Ngày 20-7-1974, tại Chiến khu Dương Minh Châu, miền Đông Nam Bộ, Bộ tư lệnh Miền đã công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4. Sau khi ra đời, Quân đoàn 4 liên tục lập nhiều chiến công, thể hiện sức mạnh của “Quả đấm thép” trên chiến trường Đông Nam Bộ...

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi. 

PV: Để nói về truyền thống của một quân đoàn chủ lực, chúng tôi nghĩ phải cần đến một cuốn sách dày cả nghìn trang. Nhưng để nói một cách ngắn gọn, khái quát, đồng chí sẽ nói điều gì?

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi: Chỉ một thời gian ngắn sau ngày thành lập, Quân đoàn 4 đã chiến đấu giành thắng lợi trên Mặt trận Đường 14, góp phần quan trọng giải phóng Phước Long. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị quan trọng, là “đòn trinh sát chiến lược”, một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị đưa ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân đoàn 4 đảm nhiệm trên hướng Đông Bắc và Tây Nam Sài Gòn; tiến công căn cứ Xuân Lộc, tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch, được mệnh danh là “Cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. “Quả đấm thép” Quân đoàn 4 đã đập tan “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường cho các lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Đất nước vừa thống nhất chưa bao lâu, chiến tranh ở biên giới Tây Nam xảy ra. Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 lại tiếp tục hành quân chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tháng 1-1979, Quân đoàn 4 tham gia giải phóng thủ đô Phnom Penh, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả. Cuối năm 1989, đơn vị cuối cùng của Quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, rút quân về nước. Từ đây, Quân đoàn tập trung củng cố thế đứng chân ở miền Đông Nam Bộ, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào giai đoạn cách mạng mới.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 đã viết nên truyền thống “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”.

Đất nước trường tồn, giang sơn cường thịnh

PV: Chiến công nào cũng gắn liền với những mất mát, hy sinh. Khi tham quan Bảo tàng Quân đoàn 4, chúng tôi thực sự xúc động trước những hình ảnh, hiện vật liên quan đến hàng chục nghìn liệt sĩ của Quân đoàn...

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi: Vâng! Để xây đắp nên truyền thống của Quân đoàn trong nửa thế kỷ qua, đã có hơn 44.000 cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn anh dũng hy sinh và hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, nhưng hồn thiêng, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng của thế hệ cha anh thì đã hóa hồn thiêng sông núi, hóa linh khí quốc gia, là mạch nguồn tiếp lửa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Quân đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được tặng thưởng 4 Huân chương Hồ Chí Minh, 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì; được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăngco... Trong đội hình Quân đoàn có 83 tập thể, 51 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Rồi đây, phiên hiệu Quân đoàn 4 chỉ còn trong sử sách, nhưng giá trị lịch sử truyền thống thì mãi trường tồn cùng dân tộc. Độ lùi của thời gian càng sâu, giá trị ấy càng to lớn...

PV: Quân đoàn 4 còn được gọi là Binh đoàn Cửu Long. Tên gọi này đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng dạt dào cho giới sáng tác văn học-nghệ thuật suốt nhiều thập kỷ qua, đồng chí có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi: Đây là nét đẹp đặc trưng mang tính bản sắc, góp phần tô thắm thêm giá trị văn hóa nhân văn Bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ Quân đoàn 4 mang danh Binh đoàn Cửu Long, các quân đoàn chủ lực và rất nhiều đơn vị trong Quân đội ta đều được mang danh gắn liền với giang sơn gấm vóc, địa danh các vùng, miền và ý chí của dân tộc, như: Binh đoàn Trường Sơn, Binh đoàn Hương Giang, Binh đoàn Quyết Thắng, Đoàn Cao Bắc Lạng... Qua lăng kính văn học-nghệ thuật, phép tu từ này thể hiện niềm vinh dự, tự hào và thái độ tri ân, tạo nên trường cảm xúc dạt dào cho sáng tác của các văn nghệ sĩ. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật có giá trị cao về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ Quân đoàn 4 ra đời, trong đó có những tác phẩm đã được trao các giải thưởng danh giá trong nước và khu vực ASEAN. Chúng tôi hy vọng, từ mạch nguồn cảm hứng ấy, các văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm mới có giá trị cao về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long. Dưới góc nhìn văn hóa, địa danh, phiêu hiệu gắn với núi sông còn là biểu tượng của sự trường tồn, thể hiện ý chí, khát vọng đất nước trường tồn, giang sơn cường thịnh...

leftcenterrightdel

Trận địa pháo binh Quân đoàn 4 khai hỏa trong diễn tập hiệp đồng quân binh chủng năm 2023. Ảnh: LÊ CẦU

PV: Khát vọng dân tộc hùng cường là ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời đại mới. Niềm khát vọng này được cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4-Binh đoàn Cửu Long thể hiện như thế nào?

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi: Trong một số lần phát biểu trước Quốc hội, trong các hội nghị và khi động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ khó khăn, đột xuất, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: Dù phải trải qua khó khăn, gian khổ đến đâu, Quân đội ta cũng sẽ cố gắng làm, làm hết mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì sự trường tồn của đất nước... Lời khẳng định của đồng chí Bộ trưởng cũng chính là ý chí quyết tâm, cụ thể hóa lời thề danh dự của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4.

Nhận thức rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của quân đoàn chủ lực ở phía Nam, trong suốt những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ động sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn, địa hình hỗn hợp ở Nam Bộ. Các cuộc hành quân đường dài, vượt sông, diễn tập hiệp đồng quân binh chủng của các đơn vị Quân đoàn 4 luôn được Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Nhiều mô hình, kinh nghiệm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn 4 được chọn làm điểm cho toàn quân. Đặc biệt, đứng chân trên địa bàn trọng điểm chiến lược, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 luôn nhận được sự tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, sự ủng hộ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các địa phương và đơn vị bạn. Một trong những dấu ấn sâu đậm trong công tác dân vận của Quân đoàn thời gian qua chính là đã xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết máu thịt với đồng bào các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn. Đó chính là tài sản vô giá, là hành trang quý báu để cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 mang theo, kế thừa, phát huy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức ở đơn vị mới trong thời gian tới...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)