Phóng viên (PV): Lịch sử ra đời và phát triển của ngành kỹ thuật Quân đội gắn liền với sự quan tâm, chăm lo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đồng chí có thể cho biết những dấu mốc, sự kiện tiêu biểu?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Ngày 10-9-1974, TCKT được thành lập nhưng thực tế, công tác bảo đảm trang bị (BĐTB), bảo đảm kỹ thuật cho các LLVT hoạt động đã được hình thành, từng bước phát triển, gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người giao nhiệm vụ cho các cán bộ chuyên môn mở xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí ở Cao Bằng. Tiếp đó, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, thực hiện chỉ thị của Đảng và lời kêu gọi mua sắm vũ khí đánh quân thù của Tổng bộ Việt Minh, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều khẩn trương rèn đúc vũ khí. Những nơi có điều kiện thì lập công binh xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí để kịp thời cung cấp cho các đơn vị giải phóng quân và du kích. Người kêu gọi nhân dân và LLVT sử dụng vũ khí tự tạo để đánh giặc, lấy vũ khí của giặc để trang bị cho mình.

Từ những chủ trương đó, các LLVT đã được trang bị hàng nghìn khẩu súng, hàng vạn viên đạn, cùng các xưởng sản xuất súng, đạn phát triển ở nhiều nơi.

leftcenterrightdel

Trung tướng Trần Duy Hưng. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa tuyên bố độc lập thì ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng (một trong những đơn vị tiền thân của TCKT ngày nay). Tiếp đó, Người ký các sắc lệnh tổ chức Phòng Quân giới thành Chế tạo Quân giới Cục rồi Cục Quân giới... Đích thân Người thuyết phục, mời nhiều nhân tài khoa học được đào tạo ở nước ngoài về nước phục vụ cách mạng, trực tiếp công tác trong ngành kỹ thuật Quân đội.

Một sự kiện quan trọng khác là ngày 28-3-1951, trên đường đi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm hai đại đội ô tô vận tải ở Nà Roác, Cao Bằng. Lời căn dặn "Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu" của Người hôm ấy trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành xe-máy Quân đội. Đặc biệt ngày 9-9-1952, phát biểu tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”. 

PV: Hành trình gần 50 năm xây dựng và phát triển đã cho thấy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ TCKT và ngành kỹ thuật Quân đội. Những thành tựu nổi bật nào có thể minh chứng cho điều này, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Ngay từ khi thành lập, TCKT đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức cơ quan Tổng cục và các đơn vị cơ sở trực thuộc, chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan quản lý kỹ thuật ở các cấp trong toàn quân thành hệ thống ngành dọc thực hiện công tác kỹ thuật trong Quân đội. Một năm sau ngày giải phóng miền Nam, Tổng cục đã chỉ đạo và tiếp quản, thu hồi hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược; 400 xe tăng, xe thiết giáp; 550 xe xích kéo pháo; 8.000 xe ô tô cấp 4, cấp 5; hàng trăm sân bay, quân cảng, kho tàng; hàng chục trạm viễn thông, trạm ra-đa, công xưởng lớn... đưa vào kho, trạm bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, cải biên, cải tiến một số bộ phận linh kiện, nâng cấp trang bị kỹ thuật (TBKT) phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Trong số đó, có nhiều TBKT hiện đại, Tổng cục đã đề xuất với Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Quốc phòng nghiên cứu, cải tiến, trang bị cho LLVT.

leftcenterrightdel

Trung tướng Trần Duy Hưng tham quan tài liệu giảng dạy chính trị được trưng bày tại Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị TCKT năm 2023. Ảnh: TUẤN TÚ 

Hiện nay, để triển khai công tác kỹ thuật Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng cục đã tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình về chuyên ngành, nhất là ở tầm chiến lược. Điển hình như: Tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 324-KT; xây dựng, báo cáo và được Thường vụ QUTƯ thông qua Đề án nghiên cứu, sản xuất vật tư kỹ thuật bảo đảm cho TBKT giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo. Trong năm 2023, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho 5 đầu mối sản xuất vật tư kỹ thuật với hơn 180 danh mục gồm gần 3.000 sản phẩm.

PV: Trong bối cảnh Quân đội ta đang xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đối với TCKT và ngành kỹ thuật Quân đội, những vấn đề thực tiễn nào đang nổi lên, khác biệt với các giai đoạn, thời kỳ trước?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Giai đoạn đất nước còn khó khăn, vấn đề đặt ra đối với Quân đội nói chung, với ngành kỹ thuật nói riêng là phải làm chủ, giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm. Còn ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ hiện đại khiến vị thế của TBKT thông minh ngày càng được nâng lên và tỏ rõ là yếu tố đặc biệt quan trọng trên chiến trường thì yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta có điều kiện tiếp thu những thành tựu khoa học có sẵn của các nước phát triển trước để rút ngắn việc nghiên cứu và tập trung vào các công việc chế tạo, sản xuất TBKT. Tuy nhiên, cần phải học hỏi, tiếp thu một cách có chọn lọc, phù hợp với khả năng, đặc thù của Quân đội ta.

PV: Theo đồng chí, những người làm công tác kỹ thuật trong Quân đội cần phải xây dựng cho mình những đặc trưng, yêu cầu đặc thù gì?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Bộ đội kỹ thuật phải luôn tìm cách vượt lên chính mình và đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để duy trì hệ số kỹ thuật, kéo dài tuổi thọ, làm cho TBKT luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt nhất trong khả năng có thể. Đồng thời, chủ động tiếp cận công nghệ mới, nhanh chóng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực quản lý khai thác, sản xuất, cải tiến, hiện đại hóa TBKT. Những điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải kiên định vững vàng, yêu ngành, yêu nghề, yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ được giao; phải thường xuyên trăn trở, tìm tòi sáng tạo và lao động khoa học công phu, nghiêm túc mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

PV: Nếu có thể khái quát về người lính kỹ thuật, thì đó sẽ là gì, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Theo tôi, câu khái quát nhất về đặc trưng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và người lao động của ngành kỹ thuật Quân đội nói chung và TCKT đã được đúc kết thành 8 chữ vàng truyền thống, đó là: “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”. Thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy TCKT luôn chủ động, sáng tạo đề ra những nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động công tác kỹ thuật sát, đúng; vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học, nhất là khoa học kỹ thuật quân sự phục vụ công tác bảo đảm TBKT cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, tham mưu với QUTƯ và Bộ Quốc phòng xây dựng ngành kỹ thuật, hệ thống cơ quan, cơ sở kỹ thuật toàn quân làm nhiệm vụ bảo đảm TBKT và thực hiện công tác kỹ thuật phù hợp với tổ chức, biên chế của Quân đội ta.

Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị kỹ thuật trong toàn quân đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đăng ký, quản lý, thống kê các loại TBKT và tình trạng kỹ thuật của các loại TBKT. Trong công tác sửa chữa TBKT, hầu hết các xí nghiệp, nhà máy khối bảo đảm kỹ thuật có đầy đủ quy trình công nghệ sửa chữa TBKT và sản xuất vật tư kỹ thuật, từng bước được đầu tư công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa TBKT.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

BÍCH TRANG (Thực hiện)