QĐND - Tại cuộc thi “Hoa khôi trí tuệ Việt Nam 2011”, Ma Thị Lâm Oanh, cô gái dân tộc Tày, quê Lạng Sơn, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công đoàn, đã bất ngờ lọt vào tốp 5. Không những thế, Lâm Oanh còn giành luôn danh hiệu “Hoa hậu áo dài” cũng tại cuộc thi này. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng Lâm Oanh, về những chia sẻ của cô xung quanh vấn đề trí tuệ và đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam.

Phóng viên (PV): Chào Oanh, là một sinh viên Việt Nam, Oanh nghĩ sao về khái niệm trí tuệ?

Ma Thị Lâm Oanh. Ảnh do nhân vật phỏng vấn cung cấp.

 

Lâm Oanh: Theo em, ai cũng có ít nhiều trí tuệ, nhưng vấn đề là vận dụng vào cuộc sống thế nào. Trí tuệ là năng lực nhận thức và khả năng thích nghi của con người với môi trường xung quanh. Trí tuệ cũng là kiến thức rộng rãi, cao sâu, sáng suốt.

Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển kinh tế -xã hội là chất lượng nguồn lực con người. Trong đó, tri thức là chất dinh dưỡng trong sự phát triển trí tuệ và năng lực sáng tạo. Trí óc bạn trẻ phải biết thu nhận những kiến thức cao đẹp chân chính để tự cải đổi đời sống cá nhân mình trở nên chân chính và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Trái lại, chỉ thu nhận toàn những kiến thức gian trá thì con người ấy sẽ hư hỏng và tạo nguy cơ xấu cho xã hội.

Mỗi con người chúng ta cần phải trau dồi trí tuệ để trở nên một con người xứng đáng với danh nghĩa của nó. Nhất là tuổi trẻ, tuổi đầy triển vọng phát huy trí tuệ.

PV: Theo Oanh, một trí thức trẻ cần làm gì trong bối cảnh xã hội hiện tại?

Lâm Oanh: Phải vừa học kiến thức, vừa học cách làm người. Một bộ phận trí thức trẻ hiện đang thể hiện sự năng động, sáng tạo, có khả năng cập nhật các vấn đề hiện đại về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và thích ứng nhanh với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của trí thức trẻ có hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Nhiều trí thức trẻ đã sớm trưởng thành trong chuyên môn nghiệp vụ, trong nghiên cứu khoa học.

Hơn thế, một trí thức trẻ cần phải thể hiện trách nhiệm đối với dân tộc. Trách nhiệm dân tộc đối với trí thức trẻ phải bao hàm cả trách nhiệm dân tộc như bao tầng lớp và người dân khác, thêm vào đó là phần trách nhiệm của những con người sẽ làm chủ đất nước trong tương lai gần, là trách nhiệm làm gương và dẫn dắt các thế hệ tiếp theo.

Tầng lớp trí thức trẻ hiện tại cần phải biết, cần phải nhận thức được vị thế thực sự của dân tộc để từ đó cố gắng phát triển đi lên.

PV: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Oanh nghĩ gì về mối quan hệ giữa tài và đức?

Lâm Oanh: Theo em, nói về tài là nói về trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm và năng lực. Tài là khả năng hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao, giải quyết tốt mọi khó khăn xảy ra và luôn sáng tạo trong việc làm. Đức là đạo đức, là tinh thần hết lòng phục vụ nhân nhân, dũng cảm khắc phục khó khăn, chịu đựng mọi gian khổ và luôn luôn sống với phương châm: "Mỗi người vì mọi người".

Một con người có tài mà không có đức thì con người đó không có ích cho cuộc sống. Có tài, có hiểu biết, có kinh nghiệm nhưng lại không mang sự hiểu biết đó phục vụ nhân dân, làm đẹp giàu cho đất nước thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Một người có tài mà chỉ thu vén cho lợi ích cá nhân thì người đó cũng trở thành người vô dụng. Mặt khác, con người có tài mà làm việc xấu, trái với đạo đức, trái với lương tâm thì không những chỉ là vô ích mà còn có hại. Cái tài ở đây không đáng được trân trọng nữa.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có nhiều người có tài, có đức. Đạo đức là phẩm chất quý giá nhất của con người. Song, không có tài năng thì con người làm việc cũng rất khó khăn, chật vật. Tài năng giúp cho chúng ta hoàn thành tốt mọi công việc. Có đức, muốn phục vụ tốt cho đất nước nhưng tài năng không có thì không đạt được những ý muốn của mình. Thậm chí, nhiều khi vì không có tài năng, người ta không chỉ làm hỏng việc mà làm hại đến cả sự nghiệp chung.

“Đức” và "tài" là hai mặt không thể thiếu được trong phẩm chất của một con người. Hai yếu tố này không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau, tạo nên một con người toàn diện.

PV: Đề thi văn tốt nghiệp THPT năm nay có một câu nghị luận về thói dối trá, nếu là thí sinh, Oanh sẽ viết gì?

Lâm Oanh: Nhiều con người giả dối sẽ sinh ra một xã hội giả dối. Dối trá trong hầu hết các trường hợp là một điều tối kị. Từ dối trá nhỏ sẽ dẫn đến dối trá lớn và hình thành sự thiếu trung thực trong tính cách. Đó là điều rất nguy hiểm!

Thói dối trá trong xã hội ngày nay đã trở thành một căn bệnh phổ biến. Rất nhiều người tham gia nói dối và chấp nhận nói dối. Xã hội nhiều sự dối trá nên nhà trường cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, trẻ em ngày nay nói dối nhiều hơn, nói dối giỏi hơn. Bởi lẽ, ngay từ khi còn nhỏ các em đã chứng kiến những người lớn xung quanh mình nói dối nhau như thế nào. Thậm chí, các em còn được tham gia vào những việc tiêu cực như đi cùng bố mẹ đến quà cáp thầy cô, phong bì phong bao để nâng điểm số, nâng kết quả học tập lên cao… Từ những chuyện nhỏ như vậy, trẻ em dần dần nhiễm thói nói dối.
Vì thế, để hạn chế tính dối trá cho xã hội, phải bắt đầu từ gia đình -hạt nhân của xã hội. Tiếp đó là nhà trường, nơi vừa dạy chữ vừa dạy người.

PV: Đổi mới giáo dục đại học hiện là một nhu cầu bức thiết đối với toàn xã hội. Đang là một sinh viên, Oanh nghĩ sao về phương pháp giáo dục đại học hiện tại?

Lâm Oanh: Theo tôi, giáo dục đại học phải xuất phát từ nhu cầu lao động xã hội. Cần xác định, giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Vì thế, việc dạy và học theo phương châm biết cách tìm kiến thức, biết cách làm chứ không phải biết nhiều thứ cụ thể.

Kiến thức là một quá trình tích lũy lâu dài. Phải luôn luôn bổ sung những kiến thức mới để xây dựng một nền móng tri thức. Mà phải có nền móng thì mới xây dựng được cái gì đó. Vì thế, về phía người học, ngoài lượng kiến thức thu được trên giảng đường, phải luôn tự ý thức được việc tiếp nhận tri thức cuộc sống. Đơn cử như sinh viên kinh tế, những gì được học chủ yếu là những kiến thức cơ bản. Muốn khi ra trường tiếp cận ngay được với công việc, trong quá trình học, sinh viên kinh tế phải luôn cập nhật những thông tin, những chính sách kinh tế đang diễn ra hằng ngày. Đặc biệt, giai đoạn này, khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, là giai đoạn tích lũy rất hữu ích đối với sinh viên kinh tế.

PV: Xin cảm ơn Oanh về cuộc trò chuyện!

Cuộc thi “Hoa khôi trí tuệ Việt Nam” - Miss ITgo là cuộc thi hướng tới đối tượng các bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin, nhằm tôn vinh sắc đẹp, nhân cách và trí tuệ thiếu nữ Việt Nam, cũng như tạo một sân chơi lý thú cho các bạn trẻ thể hiện tài năng của mình. Khác với các cuộc thi hoa khôi khác, 16 thí sinh lọt vào vòng chung khảo “Hoa khôi trí tuệ Việt Nam 2012” là 16 ứng viên xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh khác qua các vòng thi sơ loại ảnh, trắc nghiệm kiến thức IT, trắc nghiệm IQ, EQ.

Ngôi vị “Hoa khôi trí tuệ Việt Nam 2011” cùng giải thưởng trị giá 120 triệu đồng đã chính thức được trao cho cô gái xinh đẹp, tài năng và trí tuệ Nguyễn Thị Thương. Các thí sinh xuất sắc của cuộc thi: á khôi 1: Nguyễn Thị Minh Hằng (SBD 187), á khôi 2: Thiều Thị ánh Ngọc (SBD 161), Miss ảnh: Lê Thị Thanh Trà (SBD 193), Miss Thân thiện: Nguyễn Nhật Trang (SBD 186), Miss áo dài: Mai Thị Lâm Oanh (SBD 209), Miss Hình thể: Nguyễn Thị Hiền (SBD 170).

Lê Hoàng Anh thực hiện