leftcenterrightdel
Nhà thơ Hữu Thỉnh. 

“Mình sẽ trở thành nhà thơ theo kiểu gì?”

Phóng viên (PV): Nhiều người nhận xét Phạm Tiến Duật và Hữu Thỉnh là hai nhà thơ tiêu biểu của nền thơ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nếu Phạm Tiến Duật như cây đại thụ vươn ngọn lên cao thì Hữu Thỉnh như cây đại thụ trùm bộ rễ cắm sâu vào hồn dân tộc. Ông có ý kiến gì về nhận xét này?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi rất vui, có thể nói là tự hào khi được là một thành viên trong đội hình các nhà thơ thế hệ kháng chiến chống Mỹ. Trong lịch sử văn học nước ta, mỗi khi đất nước có những thay đổi đặc biệt thì thường hình thành, xuất hiện một lớp văn nghệ sĩ mới. Nó có thể như một sắp xếp của lịch sử hay bí mật gì đó thì tôi không rõ. Thế hệ các nhà thơ chống Mỹ được trưởng thành trong những điều kiện khác hơn so với chống Pháp. Họ có thời gian 10 năm hòa bình để chuẩn bị về mặt văn hóa, được thừa hưởng đời sống môi trường xã hội tốt đẹp, từ đó mà hình thành khát vọng. Sau đó thì cuộc chiến tranh nổ ra trên cả nước.

Tôi làm thơ từ lúc còn ngồi ghế nhà trường, nhiều người cũng như vậy, nhưng đến khi cầm bút thực sự thì được ném vào những thử thách ác liệt nhất. Quá trình ấy vừa làm hình thành con người xã hội, vừa hình thành con người nghệ sĩ. Chính vì những đặc điểm ấy mà thơ thế hệ chống Mỹ không quá riêng tư, khát vọng thống nhất đất nước, tình yêu quê hương, Tổ quốc thể hiện rất rõ trong tác phẩm của các nhà thơ thế hệ này.

Thơ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ của ta ngay từ khi xuất hiện đã gây được ấn tượng rất mới mẻ so với thi ca bấy giờ với các tên tuổi như: Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ... Trước đội hình trùng điệp tài năng, mỗi người một vẻ, dáng dấp riêng như vậy, việc đầu tiên của tôi chỉ có thể quan sát và tự đặt câu hỏi: Đến lượt mình sẽ trở thành nhà thơ theo kiểu gì? Sở trường, sở đoản của mình ở đâu? Mình có khả năng đem lại cho thơ ca với cái riêng đặc sắc gì?... Tôi nghĩ, trong thơ văn không nên đặt ai hơn, ai kém mà ở chỗ họ khác nhau như thế nào. Và mặc dù rất yêu quý các nhà thơ ấy nhưng tôi quyết tâm phải tạo ra cái gì khác họ. Và tôi nhận thấy mình phải quay về với những phẩm chất của văn học dân gian thì may ra...

PV: Vậy ông đã đi tìm cái khác biệt cho mình như thế nào?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đây là quá trình tìm kiếm rất gian nan. Tôi quyết định phải học văn học dân gian, văn hóa dân tộc thật kỹ lưỡng để trả lời câu hỏi: Thơ là gì, hồn người là gì? Cuộc sống dân tộc đã đi vào dân ca, ca dao như thế nào? Bằng cách nào nó đi vào tâm hồn dân tộc lâu như thế? Ông cha ta đã tiệm cận đời sống theo kiểu gì để vừa thấy cuộc sống dân tộc, vừa tìm thấy tâm hồn dân tộc. Và quả là tôi đã tìm thấy ở đó một kho báu vô giá. Với văn học dân gian, mọi thứ đều trở thành thơ được. “Cám ơn cái cối cái chày/ Nửa đêm gà gáy có mày có tao/ Cám ơn cái cọc bờ ao/ Nửa đêm gà gáy có tao có mày”. Chất liệu đời sống thật bình thường, cái gì cũng có thể thành thi liệu, miễn là nó được tâm hồn hóa, tức là được đưa vào cảm xúc của nhà thơ.

Điều thứ hai tôi nhận ra khi đó là thơ đương đại của ta nhiều hợp lý quá mà ít phi lý, nhiều tất yếu quá mà ít ngẫu nhiên, nhiều thật quá mà ít ảo. Thơ phải là gạo được chưng cất lên thành rượu bằng chất men của cảm xúc, tâm hồn. Và không phải học đâu xa, tôi học ngay trong ca dao. “Gió đâu gió mát sau lưng/ Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”. Những câu ca dao rất hay, sâu sắc như thế tôi phải đào rất sâu trong cảm nhận để hiểu được cái đẹp, cái hay của nó. Một điều nữa, tôi nghĩ thơ phải nhiều yếu tố ảo. Trong câu thơ, nghĩa đen có giá trị không nhiều, còn nghĩa bóng mới là chủ yếu.

Anh em nói tôi “hôn mê” ca dao, tục ngữ. Đúng vậy, tôi say đắm nữa. Tôi nghĩ cái khác của tôi chính là đi sâu nghiên cứu được dân ca, ca dao để đưa vào thơ, tạo được một sự đồng điệu với người đọc từ những chất liệu thân thuộc ai cũng biết. Và tôi học cái quan trọng nhất. Ca dao, dân ca được phổ biến, nhớ lâu vì người đọc tìm thấy ở đó tâm trạng của mình. Theo tôi, thơ phải nhiều tri kỷ, phải đậm nồng, có thế thì thơ của một người mới bắt gặp được nhiều người. Đẹp nhưng quá dị biệt thì cũng khó quy đồng mẫu số.

PV: Có lẽ vì nhiều tri kỷ nên thơ ông dù đậm chất dân gian, truyền thống nhưng lúc nào đọc cũng thấy mới?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Có lẽ vì người đọc thấy thơ của tôi quen ở đâu đó nhưng luôn có cái gì đó khác, kiểu như: “Ăn trông nồi là nhường nhịn anh em/ Ngồi trông hướng là biết thù bóng tối”. Hay: “Mỗi năm một lần cúng kỵ/ Nước lã hương trầm thanh bạch bảo ban nhau”.

Không phải hy sinh! Đó là sự lựa chọn của nhà thơ

PV: Như ông nói, thời kỳ ông thơ ít nói về cá nhân. Cũng có người nói rằng, nhà thơ đôi khi phải hy sinh, nén cảm xúc cá nhân để phụng sự dân tộc. Nhà thơ Hữu Thỉnh có phải là một trường hợp như vậy không, thưa ông?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Không phải hy sinh hay nén lại mà đây là sự lựa chọn của nhà thơ. Họ biết những gì cần thiết nhất cho đời sống trước mắt-lúc ấy vấn đề sống còn là sự tồn tại độc lập, tự do của dân tộc-nên nhà thơ dồn tất cả vào đó. Bên cạnh đó, họ vẫn viết những cái riêng tư nhưng mà đợi khi nào thích hợp mới công bố. Do yêu cầu của lịch sử, quả thực có những lúc ta nghiêng về cổ động cho chất xã hội, giá trị cộng đồng và chúng ta cảm thấy đó là lẽ phải lớn. Trước cái sống và cái chết quả là không có lựa chọn nào khác. Nhưng đọc kỹ, trong cùng một đề tài chung chúng ta vẫn tìm thấy vẻ đẹp riêng của mỗi nhà thơ. Văn học là sự cá thể hóa một cách cao độ, vẫn nỗi buồn, cuộc sống ấy nhưng đi vào thân phận từng người khác nhau vô cùng. Nền văn học nhân văn, cao cả là tôn trọng mọi cá tính, mọi cuộc sống của cá thể. Nhưng tôi dặn mình rằng, viết về chiến tranh phải làm sao để hòa bình vẫn còn đọc được, có người đọc, nhớ, chia sẻ được. Vì vậy, mỗi câu thơ, bài thơ phải khái quát được vừa là số phận dân tộc, vừa là số phận của mỗi cá nhân. Đó thực sự là một thử thách, một ngưỡng rất khó. Thơ muốn tồn tại, muốn vượt qua những kiểm nghiệm, thử thách ngặt nghèo, trạm gác của thời gian này thì phải đi vào tâm trạng, hồn người.

leftcenterrightdel
Một số ấn phẩm của nhà thơ Hữu Thỉnh. 

Làm một nhà thơ hết mình

PV: Thưa ông, có lẽ bây giờ vẫn nhiều người chưa quen với việc nhà thơ Hữu Thỉnh không là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nữa?    

Nhà thơ Hữu Thỉnh: (Cười) Trước sau tôi vẫn là người làm thơ mà!

PV: Đại hội Hội Nhà văn vừa rồi, dù có nhiều ý kiến tiếp tục giới thiệu ông tham gia ban chấp hành nhưng ông kiên quyết rút lui. Với vai trò cố vấn, tới đây ông sẽ tiếp tục đóng góp cho hội như thế nào?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trước hết, tôi sẽ vẫn phấn đấu là hội viên tốt đã. Làm một nhà thơ hết mình, sống, sáng tác hết mình thì đã là đóng góp cho hội rồi. Tôi vừa viết bài “Về hưu”. “Về hưu tha hồ được lang thang/ hết sách này sang sách khác/ lịch sử toát mồ hôi ngồi chờ ta đến gặp/ Về hưu ngày nào cũng được ăn bữa cơm tự chọn/ tự gắp cho mình những món riêng tư...”.

Trước đây công tác quản lý thực sự chiếm rất nhiều thời gian, nghỉ hưu tôi sẽ tiếp tục sáng tác nhiều hơn. Bây giờ chính là thời gian dành cho bản thân, mỗi ngày thức dậy tập thể dục, đọc sách, viết văn, viết báo, làm thơ, đọc thơ của mình, thơ của người khác, có thời gian nghiền ngẫm thật kỹ từng câu chữ, sống với tâm hồn thơ ca để tâm hồn lúc nào cũng vi vút, yêu đời và đặc biệt là những chuyến đi. Tôi háo hức đi đây đi đó lắm. Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam bế mạc hôm trước, hôm sau tôi đi Quảng Trị ngay. Miền Trung vất vả thế, mình không có mặt thấy như có lỗi. Đi thực tế làm cho mình trẻ lại, tinh ra, giàu có về vốn sống và tâm hồn, thích lắm... Còn vai trò cố vấn thực ra chẳng có gì quan trọng lắm đâu nhưng nếu Ban Chấp hành mới có gì hỏi thì tôi sẵn sàng đóng góp hết lòng. Lúc này, tôi đang chuẩn bị để ra một tập thơ mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông có thêm nhiều bài thơ hay!

THU HÒA (thực hiện)