Cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần với Thượng tá Trần Viết Năng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội cũng bắt đầu từ đề tài này...

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế-xã hội của cả nước. Trong điều kiện đó, hẳn là chương trình hoạt động Tháng Thanh niên của tuổi trẻ quân đội cũng có những điều chỉnh?

Thượng tá Trần Viết Năng: Điều chỉnh lớn chứ. Như nhà báo thấy, ngày 18-3, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư khen, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong thư, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: “Nhiều đơn vị đã chủ động nhường doanh trại, cơ sở vật chất, huy động lực lượng phục vụ, chăm sóc, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho công dân Việt Nam và công dân nước ngoài cách ly tại đơn vị. Nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân y đã nêu tấm gương sáng, tận tụy làm việc, tăng cường theo dõi, thăm khám cho hàng vạn công dân được cách ly; phối hợp nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona chủng mới, thiết thực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã và đang ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập nội địa. Toàn quân đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm trong quân đội; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.

leftcenterrightdel
Thượng tá Trần Viết Năng. Ảnh: XUÂN KHẢI.

Chúng tôi rất tự hào vì tuổi trẻ quân đội là lực lượng chủ yếu, trực tiếp xung kích thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Còn về hoạt động của Tháng Thanh niên-2020, Ban Thanh niên Quân đội đã tham mưu với Thủ trưởng Tổng cục Chính trị để triển khai các hoạt động với chủ đề năm nay là: “Tuổi trẻ quân đội xung kích, sáng tạo, luyện giỏi, rèn nghiêm, tình nguyện vì cộng đồng”. Trong đó, tuổi trẻ toàn quân tổ chức đăng ký và triển khai thực hiện các công trình, phần việc thanh niên với chủ đề “Công trình thanh niên chào mừng đại hội Đảng”. Đến nay, 100% các tổ chức đoàn đã triển khai, đăng ký, xây dựng, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên; phối hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội như: Tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, hiến máu tình nguyện, xây dựng nông thôn mới...

PV: Còn tuổi trẻ quân đội tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tá Trần Viết Năng: Xác định quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, Ban Thanh niên Quân đội đã ban hành Hướng dẫn số 151/HD-TN về công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo từng cấp độ, từ cấp độ 1 đến cấp độ 5 của dịch, tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong quân đội sẽ tổ chức hành động phù hợp với tình hình. Mục đích được chúng tôi xác định rất rõ, quán triệt đến ĐVTN phòng, chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu, là trách nhiệm chính trị của ĐVTN. Thông qua nhiệm vụ phòng, chống dịch làm cho cán bộ, ĐVTN đồng sức, đồng lòng, nêu cao tinh thần phòng, chống dịch quyết liệt nhưng bình tĩnh, tin tưởng; không chủ quan, không hoang mang, dao động, không để xảy ra tâm lý sợ dịch, kỳ thị dịch; sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ, hăng hái, xung kích trong tham gia phòng hộ, cách ly, điều trị và dập dịch; kiên quyết không để dịch lây lan ra đơn vị và cộng đồng.

Tham gia phòng, chống dịch Covid-19, tuổi trẻ quân đội đặt quyết tâm là: “Mỗi cán bộ, ĐVTN trong quân đội là một tuyên truyền viên, là một chiến sĩ quân y”. Đây không chỉ là một phong trào hành động mà còn là một “trường học”, giúp ĐVTN trong quân đội trưởng thành hơn về ý thức trách nhiệm với xã hội, kiến thức về phòng, chống dịch bệnh để tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng.

Về số liệu cụ thể, theo tổng hợp tính đến 6 giờ ngày 22-3, số người cách ly tập trung trong doanh trại quân đội là 34.734 lượt người. Toàn quân đã sử dụng 3 đội cơ động phòng, chống dịch và 429 lượt tổ cơ động phòng, chống dịch và tổ quân y tăng cường cho các điểm cách ly, các đơn vị làm nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Quân đội có 30 bệnh viện quân y với tổng số 977 giường truyền nhiễm, có khả năng mở rộng lên 2.429 giường. Bộ Quốc phòng có 140 điểm, khả năng tiếp nhận được 44.718 người. Đã triển khai 109 điểm, đang cách ly tại 91 điểm có 16.538 người. Hiện còn 31 điểm chưa triển khai, tổng số còn khả năng tiếp nhận là 28.180 người... Đa số cán bộ, chiến sĩ trong quân đội trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đang ở độ tuổi thanh niên.

PV: Đặc điểm của thanh niên nhập ngũ vào quân đội hiện nay là mặt bằng trình độ ngày càng cao; thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều. Với đặc điểm đó thì công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong quân đội cần phải đổi mới như thế nào cho phù hợp, thưa đồng chí?

Thượng tá Trần Viết Năng: Đặc điểm này giúp công tác Đoàn và phong trào thanh niên có thêm nhiều thuận lợi, chứ không phải khó khăn. Tôi lấy ví dụ, trình độ của chiến sĩ càng cao thì công tác giáo dục chính trị càng thuận lợi. Hơn nữa, trình độ cán bộ chính trị nói chung, trình độ của đội ngũ cán bộ Đoàn nói riêng cũng ngày càng được nâng cao. Khi trình độ cả cán bộ lẫn ĐVTN đều cao thì phong trào được nâng tầm.

Ví dụ, nhiều hoạt động thanh niên trong quân đội hiện nay đã ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác thế mạnh của internet, mạng xã hội. Tuổi trẻ quân đội luôn đi đầu trong việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, đồng thời tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch rất hiệu quả.

PV: Đã nói đến thanh niên là nói đến nhu cầu vui chơi. Không ai ở thời tuổi trẻ mà không có nhu cầu vui chơi cả. Tổ chức đoàn trong quân đội làm gì để thỏa mãn nhu cầu được vui chơi của thanh niên, trong điều kiện lao động quân sự thì đặc thù, khắt khe, kỷ luật thì rất chặt chẽ, nghiêm minh?

Thượng tá Trần Viết Năng: Vui chơi, giải trí đúng là nhu cầu không thể thiếu của thanh niên. Tổ chức đoàn trong quân đội không chỉ tổ chức vui chơi trong giờ nghỉ, ngày nghỉ mà còn quyết tâm xây dựng môi trường đơn vị thực sự trở thành một “trường học lớn”, có môi trường văn hóa tốt để ĐVTN có cuộc sống quân ngũ vui tươi, lành mạnh, nhiều ý nghĩa.

Về việc này, các đơn vị cơ sở có rất nhiều sáng tạo. Ví dụ, sân khấu hóa, hay tổ chức diễn đàn, tọa đàm, kết nghĩa... nhân các đợt sinh hoạt chính trị. Rồi thường xuyên tổ chức thi hát karaoke ở phòng Hồ Chí Minh, thi kể chuyện cuối tuần, sáng tác các ca khúc, bình thơ, tổ chức thi đấu thể thao, trò chơi quân sự nhân dịp ngày lễ, tết. Nói chung, các đơn vị cơ sở trong quân đội đã ưu tiên không gian và thời gian để tổ chức các hoạt động vui chơi nhằm bảo đảm đời sống tinh thần cho bộ đội. Rất nhiều ĐVTN khi vào quân đội không biết hát, không biết khiêu vũ, không biết chơi bóng đá, bóng chuyền... nhưng khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã có những kỹ năng này.

PV: Từ thực tế phong trào thanh niên trong quân đội hiện nay cho thấy, việc chọn cán bộ đoàn ở cơ sở đòi hỏi tiêu chí rất cao, như phải biết tập hợp, lôi cuốn thanh niên; phải gương mẫu “nói được, làm được” rồi những kỹ năng khác như phải biết đàn, biết hát, biết múa, biết tổ chức và dẫn chương trình... Trong khi đó cơ hội thăng tiến của cán bộ đoàn ở cơ sở lại khá hẹp. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Thượng tá Trần Viết Năng: Đúng là công tác đoàn và phong trào thanh niên khá “kén chọn” thủ lĩnh. Ở cấp cơ sở phải là những đồng chí thực sự có năng khiếu, năng lực và đặc biệt là phải tâm huyết với phong trào. Nhưng đặc điểm của thanh niên và nhất là của cán bộ đoàn là ai cũng có tinh thần tình nguyện, cống hiến. Người có năng khiếu, có tâm huyết với Đoàn thì thường chấp nhận thiệt thòi, luôn sẵn sàng “Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên”. Vì vậy, tuy khó nhưng đội ngũ cán bộ đoàn ở đơn vị cơ sở trong quân đội cứ thế tiếp nối nhau hoạt động và phát triển. Thậm chí, có đơn vị gặp khó trong việc chọn cán bộ đoàn vì có nhiều “ứng cử viên” xứng đáng chứ không phải vì thiếu người.

leftcenterrightdel
Các bạn trẻ vui vẻ chia tay chiến sĩ Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Đối với Ban Thanh niên Quân đội thì chúng tôi luôn tìm tòi, nắm chắc tình hình cơ sở để tham mưu với Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị đề ra những chính sách, quy định phù hợp để ưu tiên, khuyến khích đội ngũ cán bộ đoàn. Chẳng hạn, khi lựa chọn “Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân”, nếu hai đồng chí thành tích như nhau thì đồng chí là cán bộ đoàn sẽ được ưu tiên hơn. Trong nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Những quy định, chính sách đó có tác dụng động viên đội ngũ cán bộ đoàn.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG VIỆT (thực hiện)