Viết bởi nhu cầu của bản thân

Phóng viên (PV): Sáng tác chưa lâu nhưng ông đã nhanh chóng khẳng định được mình qua các tác phẩm, mới đây nhất là giải Ba Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu thi đợt 1 của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Những đôi mắt khoảng trời”. Động lực nào thôi thúc ông cầm bút khi đã ở tuổi lẽ ra cần nghỉ ngơi?

Nhà văn Đào Quốc Vịnh: Thời đi học tôi cũng đã viết văn, nhưng bẵng đi nhiều năm, tới sau này mới viết trở lại, bắt đầu từ câu chuyện của chính người chú ruột tôi. Chú tôi khi là Phó bí thư Huyện ủy Thuận Thành (Bắc Ninh) có tham gia hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp rồi hy sinh, nhưng đến tận năm 1999 mới được công nhận liệt sĩ. Câu chuyện hy sinh kiên cường của chú, rồi hành trình để được công nhận liệt sĩ cho chú khiến tôi muốn viết và truyện ngắn “Cây ngọc bút nở hoa” ra đời.

Nhưng tôi chỉ chính thức viết trở lại với tập thơ cũng mang tên “Cây ngọc bút nở hoa”, mà bài thơ đầu tiên tôi viết vào đúng ngày 1-1-2018 là về câu chuyện tình xúc động của người bạn cùng lớp mà tôi được chứng kiến với tựa đề “Xin anh hãy đừng nói lời nói thật”. Từ đó đến nay, tôi viết thường xuyên hơn. Các tác phẩm của tôi dù là thơ hay văn xuôi hầu hết đều xuất phát từ chính những trải nghiệm, câu chuyện xung quanh, trở thành cảm hứng, thôi thúc tôi sáng tác.

PV: Còn với “Những đôi mắt khoảng trời” thì sao, thưa ông?

Nhà văn Đào Quốc Vịnh: Nếu ai thân quen với tôi có lẽ đều sẽ nhận ra “Những đôi mắt khoảng trời” chính là câu chuyện tuổi thơ của tôi.

Bố mẹ tôi sinh được 8 người con thì 6 anh chị trước tôi đều mất bởi dịch bệnh. Mẹ tôi sau khi chôn những đứa con đã trở nên điên dại, lang thang khắp làng. Bố tôi khi ấy là cán bộ bị thực dân Pháp bắt tù đày, rồi thoát được, lên vùng chiến khu hoạt động cách mạng. Hòa bình lập lại, bố tôi trở về nhà, việc đầu tiên là tập trung chạy chữa cho mẹ tôi, xây dựng lại nhà cửa và phấn đấu có con. Và tôi sinh ra trong tình cảnh ấy, được dồn đắp bao tình thương yêu, mong đợi của cả gia đình. Lúc nhỏ, tôi được gia đình rất chiều chuộng, tôi chơi với nhiều bạn, có cả bạn ngoan ngoãn, học giỏi lẫn bạn nghịch ngợm nhất trường. Một cậu bé như tôi có thể nói là thường trực đứng giữa ranh giới trở thành hư hỏng hoặc ngoan ngoãn, nhưng hình ảnh đôi mắt của cha, mẹ, của người bạn gái, của anh Phê... mà tôi nhắc đến rất nhiều lần trong tác phẩm và khoảng trời quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi trưởng thành. 

leftcenterrightdel
Nhà văn, nhà giáo Đào Quốc Vịnh. 

Trong câu chuyện ấy, tôi cũng đặc biệt muốn đưa ra thông điệp về sách. Anh Phê nhà rất nghèo, không được học hành nhiều nhưng luôn dành dụm tiền mua sách. Cứ đọc xong một cuốn, anh lại gọi tôi đến bảo tôi đọc, hướng dẫn tôi cách đọc, cảm nhận sách... Khi anh Phê đi bộ đội đã để lại cho tôi cả bao tải sách. Cũng từ được truyền cảm hứng, tôi còn mua cả bộ sách “Trên đường học tập và nghiên cứu” của GS Đặng Thai Mai, nhờ đọc sách nhiều mà các bài văn của tôi không giống của các bạn thường học thuộc lòng và được điểm rất cao. Thầy giáo nhiều lần giữ lại một nửa bài văn và yêu cầu tôi viết lại nửa kia để kiểm tra, nhưng lần nào tôi cũng viết lại được không sai một dòng. Hết cấp 2, tôi là học sinh duy nhất của xã được vào thẳng cấp 3...

PV: Hầu hết tác phẩm của ông đều viết cho thiếu nhi, điều đó có liên quan đến việc ông là nhà giáo ở bậc tiểu học và mầm non?

Nhà văn Đào Quốc Vịnh: Tôi viết cho thiếu nhi bởi thứ nhất, tôi là nhà giáo (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành và lớp mầm non tư thục Tô Hiến Thành-Hà Nội); thứ hai là phần thưởng sau mỗi học kỳ tôi muốn tặng học trò không phải là những quyển vở nữa. Tôi muốn tặng các em một cuốn sách với những câu chuyện, bài thơ ý nghĩa. Tôi đã đi nhiều nhà sách tìm chọn, nhưng những cuốn hay, nổi tiếng thì giá cao, khó để mua số lượng lớn, thành ra không chọn được sách phù hợp. Có lần, tôi chia sẻ với nhà thơ Y Phương và ông động viên, gợi ý tôi hãy viết một tập thơ của chính mình tặng cho học sinh. Thế là tôi viết, đến cuối năm 2018 kịp xuất bản và đã tặng 400 cuốn cho học sinh vào dịp sơ kết học kỳ I năm học ấy. Từ đó, tôi hầu như viết cho thiếu nhi. Có thể nói, ngay từ ban đầu, tôi viết cho thiếu nhi không vì động cơ phấn đấu văn chương mà từ chính nhu cầu bức thiết của bản thân muốn dành tặng học trò.

Cân nhắc từng câu, chữ

PV: Văn học thiếu nhi hiện nay thu hút nhiều tác giả với nhiều đề tài, phong cách và viết về lịch sử, những câu chuyện trong quá khứ vẫn luôn có vị trí riêng, nhưng làm sao để viết về lịch sử hấp dẫn độc giả thiếu nhi hiện nay, thưa ông?

Nhà văn Đào Quốc Vịnh: Thú thực, khi viết, tôi không nghĩ nhiều đến việc làm sao để trẻ con bây giờ thích, hiểu được hay là phù hợp với xu hướng hiện đại. Tôi chỉ muốn tác phẩm như câu chuyện nhỏ để con cháu biết chút gì về thế hệ ông cha mình. Độc giả đầu tiên khi tôi viết “Những đôi mắt khoảng trời” là con trai tôi, là nhà văn đang làm biên tập viên của một nhà xuất bản. Con trai tôi nói rằng, dù đã đọc nhiều sách viết cho thiếu nhi, viết về tuổi ấu thơ nhưng câu chuyện của bố có nhiều chi tiết mới lạ, hấp dẫn. Cháu nội tôi học lớp 4 đọc xong bảo rằng thấy thích thú và gần gũi, còn kể lại chi tiết những đoạn cháu thích. Tôi cũng gửi cho một số nhà văn quan tâm tới văn học thiếu nhi và nhận được những phản hồi tích cực. Tôi được biết, một số giáo viên phía Nam đã lấy cuốn sách của tôi làm tư liệu minh họa khi dạy lịch sử, văn hóa phía Bắc... Tôi nghĩ cách viết, cách thể hiện tác phẩm của mình đã phần nào hấp dẫn được các lớp độc giả hiện nay.

Qua văn học giúp người học tiếp cận lịch sử một cách nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Văn học hiện nay có nhiều xu hướng nhưng nếu bỏ qua những câu chuyện lịch sử thì sẽ là thiệt thòi cho bạn đọc, giới trẻ.

leftcenterrightdel
 Học sinh ở Hà Nội tham quan, đọc sách trong một hoạt động của Thư viện Quân đội. Ảnh: DƯƠNG THU

PV: Là nhà giáo nhiều năm có tác động đến cách viết, sáng tác của ông? 

Nhà văn Đào Quốc Vịnh: Làm công tác giáo dục, đặc biệt là làm nhà giáo quản lý trường tiểu học, luôn gần thiếu nhi có ảnh hưởng rất lớn tới việc sáng tác của tôi. Tôi từng có 5 năm kinh nghiệm giảng dạy ở bậc đại học, rồi 22 năm làm việc ở các môi trường khác, nhưng năm 2005 quay lại làm giáo dục tiểu học và mầm non, tôi đã mất nhiều tháng lặng lẽ quan sát, tiếp xúc, lắng nghe các em để làm quen, hòa nhập với môi trường trẻ con. Hằng ngày tiếp xúc với các em giúp tôi hiểu hơn tâm lý trẻ thơ, làm sống lại ngôn ngữ trẻ thơ mà bao năm trưởng thành mình quên đi, điều đó giúp tôi có năng lượng, kiến thức để viết được văn học thiếu nhi.

PV: Thời gian gần đây, có những tác phẩm trong sách giáo khoa tạo nên tranh luận về việc phù hợp hay không phù hợp. Theo ông, yếu tố quan trọng nhất khi viết cho thiếu nhi là gì?

Nhà văn Đào Quốc Vịnh: Đó chính là sự đơn giản. Hãy viết đừng phức tạp, kết cấu tác phẩm không cần cầu kỳ, có thể ít chữ nhưng bao hàm nội dung dễ hiểu cho các em. Nhất là khi viết ngữ liệu sách giáo khoa, với dung lượng ngắn cho một câu chuyện đầy đủ, đòi hỏi viết phải tinh, gọn, ngôn ngữ trong sáng. Vừa rồi, tôi cũng được mời viết ngữ liệu cho sách giáo khoa. Chẳng hạn khi tôi viết bài “Sang đường” về câu chuyện tham gia giao thông, chỉ với 350 chữ thì chữ nào cần, phù hợp cho trẻ, chữ nào không... đã khiến tôi phải suy nghĩ kỹ từng câu, chữ.

Chúng ta thường thấy trong sách giáo khoa xưa, khi dạy các em nhận thức về đúng-sai, tốt-xấu thường thông qua việc xử kiện của các ông quan, hay là khi giải quyết những mâu thuẫn của học sinh thường cần đến cô giáo... Nhưng chương trình giáo dục mới hướng vào phát huy năng lực của người học, đòi hỏi về ngữ liệu trong sách giáo khoa phải đáp ứng được những yêu cầu như thế.

Đổi mới giáo dục, đa dạng hóa sách giáo khoa, tăng lựa chọn và hiểu biết cho người học và người dạy là rất tốt. Lựa chọn sách để dạy cho học sinh cần phải có kiến thức và kỹ năng đối chiếu nội dung trong sách giáo khoa với các quy định trong Chương trình giáo dục 2018 để không thiệt thòi cho người dạy và người học. Vì thế, việc lựa chọn tác phẩm làm ngữ liệu cho sách giáo khoa đòi hỏi những người biên soạn và tác giả phải bám rất sát khung chương trình. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG DƯƠNG (thực hiện)