80 năm vẹn nguyên giá trị
Phóng viên (PV): Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (gọi tắt là Đề cương văn hóa) ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng; tình hình chính trị, xã hội của đất nước có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cũng xuất hiện thời cơ cho cuộc cách mạng xã hội. Đất nước đang huy động mọi nguồn lực để giành lại độc lập dân tộc và văn hóa được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng. Cùng với cương lĩnh về chính trị, Đề cương văn hóa ra đời được xem là cương lĩnh về văn hóa, giúp Đảng hoàn thiện hơn về hệ thống lý luận để định hướng xây dựng nền văn hóa cách mạng. Trong đó nhấn mạnh văn hóa là một trong 3 mặt trận, cùng với kinh tế, chính trị mà người cộng sản phải đấu tranh.
Đề cương nêu ra 3 phương châm lớn (văn bản gọi là 3 nguyên tắc) của cuộc “vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này” là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; đồng thời nêu ra những “nhiệm vụ cần kíp” của những nhà văn hóa mác-xít trong thực tiễn cách mạng. Đề cương văn hóa tuy khái quát, ngắn gọn nhưng có tác dụng lâu dài với cách mạng Việt Nam. Qua đó, chúng ta thấy được sự coi trọng của Đảng với văn hóa và mong muốn đưa văn hóa thẩm thấu vào toàn xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, trở thành vũ khí tinh thần giúp cách mạng giành được thắng lợi. Tư tưởng: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó”, Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”... thực sự truyền cảm hứng cho quân và dân ta vượt qua khó khăn để giành độc lập dân tộc. Văn hóa cách mạng đã để lại dấu ấn rất mạnh mẽ với những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được kết tinh từ tinh thần của Đề cương văn hóa, mà ở đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
PV: Thưa ông, quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng đã kế thừa, phát triển tư tưởng cốt lõi của Đề cương văn hóa như thế nào?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Nội dung cũng như tinh thần của Đề cương văn hóa được Đảng tiếp tục kế thừa, phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể ở từng giai đoạn cách mạng, được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết, cương lĩnh...
Trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, 3 nguyên tắc của nền văn hóa là dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa được kế thừa, phát triển, thể hiện ở những đặc điểm: Đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nền văn hóa của dân, do dân, vì dân. Tiếp theo đó là Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2014 về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; trong đó đã khẳng định xây dựng văn hóa để phát triển con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Đặc biệt, ngày 24-11-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào ngày 24-11-1946) để đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước. Cuối năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong tạo ra những định hướng về giá trị, từ đó dẫn dắt sự phát triển nhân cách con người Việt Nam.
|
|
PGS, TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Chăm lo xây dựng con người
PV: Trong xây dựng nền văn hóa, chúng ta xác định trọng tâm là chăm lo xây dựng con người, ông nghĩ sao về vấn đề này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Con người là nhân tố quyết định trong quá trình phát triển đất nước. Xét cho cùng, mọi sự phát triển văn hóa, chính trị, kinh tế-xã hội... đều hướng đến mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện. Đó là lý do vì sao chúng ta có nhiều nghị quyết về văn hóa, giáo dục trên cơ sở kế thừa, phát triển Đề cương văn hóa.
Con người ngày nay đòi hỏi rất nhiều phẩm chất, năng lực để thích ứng với bối cảnh xã hội phát triển mau lẹ, tiềm ẩn nhiều khó khăn, phức tạp. Chúng ta đang sống trong xã hội mà ở đó những cái cũ, lạc hậu chưa biến mất hoàn toàn, còn những giá trị mới chưa được định hình đầy đủ. Điều đó khiến nhiều nhà khoa học băn khoăn về sự khủng hoảng giá trị, nảy sinh những vấn đề tiêu cực, trong đó có sự xuống cấp đạo đức xã hội. Tất cả điều này phải được khắc phục, đẩy lùi để tạo điều kiện cho đất nước phát triển bền vững. Một trong những giải pháp then chốt phát triển con người chính là thông qua văn hóa.
Văn hóa được Đảng coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước. Tôi nghĩ, chúng ta nên nhấn mạnh nhiều hơn vào tính chất điều tiết của văn hóa. Ví dụ, trong lĩnh vực chính trị, nếu văn hóa chính trị được giữ gìn, phát huy, thực hành thì chúng ta sẽ tạo được văn hóa liêm chính, trở thành hệ điều tiết rất tốt để cán bộ, đảng viên có sức đề kháng trước những cám dỗ vật chất.
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”
PV: Ông vừa đề cập tính điều tiết của văn hóa để chống lại cái xấu. Vậy trong đời sống chính trị, xã hội, vai trò văn hóa nêu gương của cán bộ, nhất là người đứng đầu có giá trị thế nào thưa ông?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đối với con người, một trong những danh hiệu cao quý nhất là danh hiệu "Danh nhân văn hóa". Chủ tịch Hồ Chí Minh, được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Bác Hồ là biểu tượng kết tinh những tinh hoa giá trị văn hóa Việt Nam. Bác Hồ là một tấm gương sáng và Người từng dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”-một cách nói dễ hiểu về bài học nêu gương. Tấm gương của người đứng đầu sẽ giá trị hơn trăm vạn lần bài diễn văn, khẩu hiệu sáo rỗng. Đó là lý do vì sao chúng ta mong muốn người đứng đầu luôn là tấm gương thể hiện được những giá trị văn hóa, từ đó tạo nên văn hóa của tập thể, giúp tập thể phát triển tốt hơn.
Hiện nay, không ít cán bộ, người đứng đầu chưa thực hiện tốt vai trò làm gương của mình. Còn những trường hợp cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Đó là sự cảnh tỉnh chúng ta về bài học làm gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương văn hóa, tiêu biểu về đức và tài. Đảng luôn coi trọng xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa nêu gương và được cụ thể hóa bằng những quy định, như: Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...
PV: Thưa ông, từ góc độ văn hóa, làm thế nào để chúng ta thúc đẩy tốt hơn văn hóa nêu gương của người lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Hiện tượng tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, lối sống, nhất là của một số cán bộ khiến chúng ta cần có thêm những giải pháp toàn diện hơn để khắc phục tình trạng này và văn hóa phải được xem là một trong những giải pháp then chốt.
Trước hết, phải nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển đất nước nói chung và mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng. Thứ hai, chúng ta phải xây dựng và hình thành hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam để các hệ giá trị này điều chỉnh hành vi con người. Thứ ba, chúng ta cần có nhiều hơn nữa những tấm gương văn hóa trong xã hội để lan tỏa các thông điệp, giá trị tích cực, hình ảnh đẹp cho mọi người noi theo, từ đó định hướng cho sự phát triển đạo đức xã hội. Chúng ta cũng cần hình thành môi trường văn hóa trong lành để những điều tích cực được nảy nở, phát triển, khi đó những gì lệch chuẩn, không phù hợp sẽ dần bị đẩy lùi...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)