Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 / 3-3-2021) và 32 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Báo QĐND có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về chủ đề này.
Lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đều biết BĐBP đã và đang chịu nhiều vất vả, hy sinh trên tuyến đầu biên giới, đặc biệt là trong tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới. Đề nghị đồng chí cho biết về nhiệm vụ này của BĐBP hiện nay?
Thiếu tướng Lê Đức Thái: Hơn một năm qua, từ khi có dịch Covid-19 ở nước ta, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, lực lượng BĐBP vẫn luôn túc trực, không lúc nào ngơi nghỉ cùng với các lực lượng, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới làm nhiệm vụ phòng, chống dịch (PCD) tại các tuyến biên giới, địa bàn nhiều khó khăn, hiểm trở về địa hình, khí hậu, nhiều thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lãnh đạo Bộ tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện nhiệm vụ PCD Covid-19, thành lập Ban chỉ đạo PCD các cấp; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Ngoài việc chỉ đạo thực hiện tốt, nghiêm túc công tác PCD tại các đơn vị, hiện nay Bộ tư lệnh đã điều động, tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Cụ thể, thường xuyên duy trì 1.610 tổ, chốt cố định và lưu động với 7.539 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp cùng các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ PCD trên 3 tuyến biên giới; đồng thời chuẩn bị lực lượng dự bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ (gồm 535 đồng chí, 42 chó chiến đấu và 5 tàu); đã bàn giao cho cơ quan y tế địa phương theo dõi, cách ly, hơn 122.500 người, trong đó có hơn 30.000 người nhập cảnh trái phép. Hằng ngày, các đơn vị đều báo cáo theo từng giờ số liệu người xuất, nhập cảnh, đối tượng cách ly, giúp Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Quốc gia, Bộ Quốc phòng đưa ra quyết định chỉ đạo phù hợp trong từng giai đoạn PCD. Cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người xuất, nhập cảnh vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở biên giới, năm 2020, BĐBP đã triển khai 83 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh 15 chuyên án; khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 83 vụ/153 đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 2.780 người. BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hành khách, người dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới các quy định PCD và phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép.
BĐBP sẽ tiếp tục duy trì, bổ sung các biện pháp tăng cường công tác PCD Covid-19 tại tất cả các cơ quan, đơn vị; đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện phục vụ kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới. Các tổ, chốt sẽ được duy trì số lượng và bảo đảm thực hiện tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ. Chúng tôi sẽ luân phiên thay đổi quân số các tổ, chốt để bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ và điều động, tăng cường số lượng nếu cần thiết, kiên quyết không để dịch bệnh qua biên giới lây lan vào Việt Nam.
Yêu cầu hiện đại hóa
PV: Xây dựng quân đội hiện đại là vấn đề mang tính chiến lược, đồng thời là yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới. Công tác hiện đại hóa lực lượng BĐBP được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Đức Thái: Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến khó lường, các thế lực thù địch và tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, ứng dụng các sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động chống phá, vi phạm chủ quyền, an ninh trật tự biên giới quốc gia; đòi hỏi có những đổi mới về nhận thức, đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiểm soát người, phương tiện qua các cửa khẩu... Trong đó, lực lượng trinh sát, đặc nhiệm phòng, chống tội phạm và kiểm soát cửa khẩu của BĐBP cần được quan tâm đầu tư hiện đại hóa để đáp ứng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, khu vực và ứng dụng những thành quả mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu cụ thể là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tuyển dụng, đào tạo mới, đào tạo lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các lực lượng; đầu tư hạ tầng, trang bị, phương tiện kỹ thuật và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiểm soát cửa khẩu của BĐBP.
|
|
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tuần tra biên giới trong mưa tuyết, tháng 1-2021. Ảnh: HỮU LANH |
Theo đó, đến năm 2025, xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ, nhân viên 3 lực lượng trên cơ bản được chuẩn hóa về phẩm chất, năng lực, hoàn thành việc bổ sung trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật thiết yếu và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào thực hiện nhiệm vụ. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất với khu vực và quốc tế; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn sâu, thông thạo ngoại ngữ và giỏi công nghệ thông tin; trang bị phương tiện kỹ thuật đầy đủ và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trong thực hiện nhiệm vụ.
Đột phá trong công tác cửa khẩu
PV: Được biết hiện tại trong công tác kiểm soát cửa khẩu của BĐBP, việc hiện đại hóa các thủ tục hành chính đã tạo đột phá trong thủ tục xuất, nhập cảnh khi từ Bộ tư lệnh cũng có thể giám sát, chỉ đạo tới từng cabin ở cửa khẩu... Cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Đức Thái: Với lực lượng BĐBP có thể nói là thể hiện nổi bật nhất ở hiện đại hóa công tác cửa khẩu biên phòng bằng những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính xuất, nhập cảnh. Hiện tại BĐBP đã triển khai có hiệu quả việc sử dụng internet tại 36 cửa khẩu các tỉnh, thành phố; triển khai thực hiện tốt việc cấp và kiểm soát mã vạch đối với khách xuất, nhập cảnh tại một số cửa khẩu đường bộ trọng điểm. Từ năm 2011 đến 2020 đã thực hiện 47 thủ tục biên phòng, trong đó 26 thủ tục theo hình thức thủ công, 21 thủ tục điện tử cấp độ 3, 4. Cụ thể:
Thực hiện thủ tục biên phòng điện tử kết nối cơ chế một cửa quốc gia. Từ năm 2018, BĐBP đã chính thức triển khai kết nối Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử với Cổng thông tin một cửa Quốc gia thực hiện 12 thủ tục biên phòng điện tử tại tất cả các cửa khẩu cảng. Qua đó, các đơn vị biên phòng cửa khẩu tiếp nhận thông tin liên quan đến tàu thuyền một cách nhanh chóng, đầy đủ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền tại cảng, giảm thiểu tối đa thời gian chờ hoàn thành thủ tục của phương tiện từ 40 phút/phương tiện, nay được giải quyết ngay sau khi hoàn thành khai báo.
Triển khai thực hiện thí điểm 8 thủ tục biên phòng điện tử biên giới đất liền trên Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử tại 5 đơn vị cửa khẩu quốc tế; đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan/Bộ Tài chính thông luồng kết nối kỹ thuật 6 thủ tục với Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Đã triển khai 3 thủ tục cấp, hủy tài khoản trên Cổng thông tin điện tử Biên phòng tự động.
Triển khai 3 hệ thống “Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động” gắn với hệ thống camera giám sát, ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo mô hình các nước tiên tiến trên thế giới, được trang bị hệ thống máy hiện đại, phần mềm ưu việt, phục vụ kiểm soát tự động với cư dân biên giới tham gia xuất, nhập cảnh sử dụng giấy thông hành và giấy thông hành vùng biên có dán mã vạch. Hiệu quả là rút ngắn thời gian làm thủ tục cho mỗi hành khách từ 1 phút xuống còn 15-20 giây, giảm cán bộ trực tiếp kiểm soát, bảo đảm công khai, minh bạch trong kiểm soát xuất, nhập cảnh. Giai đoạn 2020-2021, mô hình “Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động” sẽ được tiến hành triển khai 17 hệ thống tại 17 đơn vị cửa khẩu trọng điểm tuyến biên giới đất liền.
Từ năm 2015, triển khai thực hiện “Một cửa, một mã vạch” tại cửa khẩu Lao Bảo-Darhsavanh và hiện nay đang hoạt động ổn định theo đúng cam kết của các bên, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuống một nửa.
Triển khai thực hiện “Kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng mã vạch” và 10 ngày đóng dấu kiểm chứng một lần tại 18 đơn vị biên phòng cửa khẩu, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm số lần đóng dấu giấy thông hành. Hiện BĐBP cũng áp dụng công nghệ mã vạch tại hai cửa khẩu cảng, phục vụ kiểm soát người được cấp các loại giấy phép tại cảng lên và xuống tàu và nghiên cứu áp dụng với toàn bộ các đơn vị cửa khẩu, các tàu quân sự nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam.
|
|
Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắc tuần tra, kiểm soát trên địa bàn tuyến biên giới giáp nước bạn Campuchia. Ảnh: TIẾN DŨNG |
Cải cách trong công tác cấp giấy tờ, thủ tục, công tác kiểm tra, giám sát cũng được BĐBP thực hiện triển khai hiệu quả như: Công tác cấp thị thực và các loại giấy phép được các đơn vị biên phòng cửa khẩu thực hiện 24/7; niêm yết công khai các thủ tục hành chính, biểu thu phí, lệ phí, đường dây nóng... Áp dụng hệ thống phần mềm quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo mô hình tập trung cơ sở dữ liệu tại 117 đơn vị cửa khẩu tuyến biên giới đất liền.
Hàng loạt cải cách khác ở các lĩnh vực đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân trong khai báo hồ sơ xuất nhập cảnh, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, thu hút sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước; Đạt được mục tiêu cải cách thủ tục biên phòng theo hướng văn minh, hiện đại, chuyển đổi thủ tục biên phòng thủ công sang thủ tục điện tử, giúp giảm nhân lực thực hiện, giảm kinh phí đầu tư, chi phí quản lý trang, thiết bị và nhân lực vận hành hệ thống trang, thiết bị tại các đơn vị cửa khẩu.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
THU HÒA (thực hiện)