Giúp phụ nữ xinh đẹp và hạnh phúc hơn

Chia sẻ với báo giới sau khi chính thức được công nhận Kỷ lục Guiness  thế giới hồi tháng 8 vừa qua, bà Tomoko Horino cho biết, bà đã bắt đầu làm việc từ năm 1960, thời điểm mà xã hội Nhật Bản vẫn còn khá gia trưởng. Bà nói: “Đó là thời kỳ mà phụ nữ đã lập gia đình phải ở nhà và chỉ làm việc nhà, nhưng tôi thì đi làm”. 

Thời điểm đó, nhiều hàng xóm cứ tưởng bà Horino làm việc trong quán bar, bởi họ thấy bà trang điểm cầu kỳ trông như một bà chủ. “Nhưng làm gì có bà chủ quán bar nào có thể thức dậy khi mặt trời mọc và trở về nhà khi mặt trời lặn”, bà Horino cười tươi nói. 

leftcenterrightdel

Bà Tomoko Horino trang điểm trước khi tới công ty ngày 30-8 vừa qua. Ảnh: AFP 

Sinh vào tháng 4-1923, bà Horino từng kết hôn với một quan chức chính quyền địa phương. Hiện tại, bà thừa nhận cuộc hôn nhân này là “một sai lầm”, mặc dù bà đã sống với chồng cho đến khi ông qua đời cách đây 16 năm. “Ông ấy xuất thân từ một gia đình rất giàu có và tiêu tiền xa hoa. Ông ấy mời các đồng nghiệp của mình đi ăn nhậu, say xỉn và tất cả tiền lương của ông ấy đều được tiêu hết ở quán nhậu”, bà nhớ lại.

Để trang trải cuộc sống và nuôi 3 con nhỏ, bà Horino quyết định đi làm với công việc đầu tiên là làm hộp quà. Ở tuổi 39, bà bắt đầu làm việc cho công ty mỹ phẩm Pola, một nghề mà bà nhanh chóng trở nên xuất sắc. Trong suốt 41 năm làm việc về lĩnh vực này, bà Horino luôn đi giày cao gót đến từng nhà để bán kem dưỡng da và đồ trang điểm, đồng thời tư vấn làm đẹp cho khách hàng. Bà tự hào cho biết: “Khi chồng tôi kiếm được mức lương 10.000 yên thì tôi đã kiếm được gấp 3 lần như thế. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ”.

Theo công ty Pola, tổng doanh thu của bà Horino đã lên tới hơn 125 triệu yên (tương đương 835.000USD) và bà vẫn duy trì công việc của mình. Công ty Pola cho biết, tại Nhật Bản, do không muốn mở cửa rộng rãi cho người nhập cư, tỷ lệ phụ nữ đi làm đã tăng đáng kể từ thập niên 2010 và việc làm cho người cao tuổi cũng vậy, trước tình trạng thiếu lao động nói chung. Hiện công ty có gần 250 cố vấn sắc đẹp ở độ tuổi từ 80 trở lên, trong đó có 4 người hơn 100 tuổi khác, bao gồm cả bà Horino. Theo bà Aya Katsuda-người phát ngôn của công ty Pola, bà Horino là người xứng đáng nhất với danh hiệu Kỷ lục Guinness thế giới nêu trên, bởi "bà là người tích cực nhất trong việc giao tiếp với khách hàng và tham gia các buổi đào tạo về sản phẩm mới".

Mang giày cao gót cho đến năm 80 tuổi, bà Horino tiếp tục trang điểm hằng ngày và tuân theo quy trình làm đẹp nghiêm ngặt để ngăn ngừa nếp nhăn. Hằng tối, bà thư giãn trong bồn nước ấm, để chân, tay và vai được duỗi và thả lỏng tối đa trong làn nước. Bà rửa mặt bằng cách vẩy nước lên mặt 20 lần. Tiếp đó là công đoạn sử dụng một loạt loại kem dưỡng da, hai loại kem có chứa chất làm đầy nếp nhăn, huyết thanh, sữa dưỡng và kem dưỡng da.

Bà Horino trang điểm đầy đủ mỗi ngày. Để bảo đảm rằng mình là người thức thời, bà cũng xem kênh tin tức để bao quát các sự kiện trên thế giới, bao gồm cả hoạt động thể thao. “Tôi phải cập nhật nhiều chủ đề khác nhau. Tôi phải biết bóng chày thì mới có thể thảo luận về nó với khách hàng yêu thích môn thể thao này”, bà Horino giải thích.

“Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy bà có sức khỏe tốt như vậy”, Yuriko Abe, một khách hàng 75 tuổi được bà Horino gần đây giới thiệu kem chống nắng khi làm vườn, nói một cách đầy ngưỡng mộ. “Bà ấy giống như một người chị vậy,” bà Abe nói thêm.

Bất chấp mọi nỗ lực của mình, bà Horino ngày càng khó giữ được khách hàng. Cố vấn sắc đẹp giải thích: “Nhiều khách hàng thân thiết của tôi đã qua đời ở tuổi 80. Nhưng tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi đi hết cuộc đời. Tôi rất hứng thú với việc giúp mọi người trở nên xinh đẹp và hạnh phúc hơn. Trước đây, phụ nữ chỉ được giao vị trí hỗ trợ và dưới quyền của nam giới. Nhưng bây giờ, phụ nữ thậm chí có thể trở thành tổng thống. Thế giới bây giờ đã trở thành một nơi tốt đẹp hơn nhiều".

Nan giải “bài toán” tăng dân số

Câu chuyện của bà Horino đã phản ánh một phần thực tế của xã hội Nhật Bản hiện nay. Đất nước mặt trời mọc đang đối mặt cùng lúc với 3 vấn đề, gồm: Già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động giảm. Số liệu của Bộ Nội vụ và Liên lạc Nhật Bản cho biết, tính đến ngày 15-9-2023, số người trên 80 tuổi ở nước này là 12,69 triệu người. Đây là lần đầu tiên số người trên 80 tuổi chiếm tới hơn 10% trong cơ cấu dân số của Nhật Bản. Cũng theo số liệu này, người trên 65 tuổi (được coi là cao tuổi) ở Nhật Bản là 36,23 triệu, tương đương hơn 29% tổng dân số, tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh Xã hội Nhật Bản dự đoán, tỷ lệ này có thể lên xấp xỉ 35% vào năm 2040.

Bên cạnh đó, dân số Nhật Bản liên tục giảm kể từ thập niên 1980, với tỷ lệ sinh khoảng 1,3, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 để duy trì ổn định dân số. Theo tờ Guardian của Anh, sau khi đạt đỉnh vào năm 2008, dân số Nhật Bản đã giảm dần do tỷ lệ sinh giảm. Trong dữ liệu về dân số được Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 25-7 vừa qua, dân số Nhật Bản đang giảm với tốc độ nhanh nhất và đã giảm trong 14 năm liên tiếp. Năm 2022, mức giảm này là khoảng 800.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử toàn bộ 47 tỉnh ở Nhật Bản đều giảm dân số trong một năm. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở nước này đang diễn biến khá nghiêm trọng. 

leftcenterrightdel
            

Bà Tomoko Horino (bên trái) tư vấn kem chống nắng cho khách hàng Yuriko Abe tại nhà riêng của bà Abe ở thành phố Fukushima ngày 30-8.

Ảnh: AFP 

Tỷ lệ sinh giảm cùng tình trạng già hóa dân số cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040. Viện nghiên cứu Recruit Works dự báo, ngoại trừ thủ đô Tokyo, các địa phương khác đều đang phải đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động, dao động từ 20%, thậm chí ở các tỉnh như Kyoto, Niigata và Nagano là hơn 30%. 

Để đối phó với tình trạng thiếu lao động, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã coi việc giải quyết vấn đề giảm tỷ lệ sinh là một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của chính phủ. Tháng 4-2023, Nhật Bản thành lập Cơ quan trẻ em và gia đình, một phần trong những nỗ lực chưa từng có của Chính phủ đất nước mặt trời mọc nhằm tăng tỷ lệ sinh, thông qua trợ cấp cho hộ gia đình nuôi con và hỗ trợ tài chính cho người lao động nghỉ thai sản, chú trọng việc mang thai và nuôi dạy con cái, bao gồm chăm sóc sau sinh, trung tâm chăm sóc trẻ em; phân phối trợ cấp nuôi con, hỗ trợ trẻ em và gia đình gặp khó khăn. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang khuyến khích một bộ phận người cao tuổi và bà nội trợ tái gia nhập lực lượng lao động. Một báo cáo của Văn phòng Nội các về Hiệp hội Người cao tuổi cho thấy, nhiều người trên 60 tuổi ở Nhật Bản vẫn muốn làm việc. Khát khao tiếp tục làm việc của một số người lao động cũng phù hợp với kế hoạch “làm việc suốt đời” của Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, việc cho phép người lao động làm việc trong những năm tuổi già giúp thúc đẩy cải cách thị trường lao động, bù đắp tỷ lệ sinh thấp, chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng cao của quốc gia này. Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản được khuyến khích bảo đảm cơ hội làm việc cho nhân viên đến khi họ 70 tuổi, không phân biệt là nam giới hay phụ nữ.

HẢI HÀ