“Công nghệ tiên tiến”- chìa khóa tạo nên sự vượt trội

 Tại thành phố Fukaya, tỉnh Saitama thuộc vùng Kanto của Nhật Bản, nơi nổi tiếng với loại hành lá chất lượng cao “Fukaya Negi”, một robot tự động sử dụng cánh tay dài 8m để phun hóa chất nông nghiệp khi nó di chuyển giữa các hàng hành xanh mướt trên cánh đồng rộng lớn.

Robot này được phát triển bởi Legmin, một công ty khởi nghiệp nông nghiệp có trụ sở tại Fukaya, chuyên nghiên cứu và phát triển robot nông nghiệp phù hợp với khí hậu địa phương. Theo báo The Japan Times, ở Fukaya thường có gió mạnh khiến việc phun hóa chất nông nghiệp bằng máy bay không người lái trở nên khó khăn. Robot của Legmin ít có nguy cơ bị rơi xuống ngay cả khi gặp gió mạnh và có thể phun 320 lít hóa chất nông nghiệp mỗi chuyến. Nhận dạng các rặng núi bằng cảm biến và vận hành tự động, robot giúp tiết kiệm một nửa thời gian so với khi nông dân phun thuốc thủ công.

Ðầu năm nay, Legmin đã bắt đầu ký hợp đồng với nông dân sử dụng robot nói trên với mức phí 2.200-3.500 yên (tương đương 14,8-23,5USD)/lần phun trên diện tích 100m². Hiện có khoảng 15-20 nông dân trong khu vực đang sử dụng dịch vụ này, trong đó phần lớn là người trẻ và nông dân ở độ tuổi 60.

Theo Japan Times, số lượng nông dân ở Fukaya đã giảm một nửa, từ khoảng 4.000 người xuống còn 2.000 người trong 20 năm qua. Một quan chức thành phố này cho hay, chính quyền Fukaya từ năm 2019 đã khuyến khích nền nông nghiệp thông minh, hay còn gọi là “agritech”, thậm chí mời gọi và kết nối các công ty như Legmin với nông dân địa phương, đồng thời cung cấp các khoản trợ cấp cho việc áp dụng nông nghiệp thông minh.

Kể từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cái rìu và chiếc cày không còn là công cụ chính của người nông dân. Đổi lại, internet và những hệ thống tự động với các cảm biến theo dõi thời tiết, tình trạng đất đai, sức khỏe cây trồng và vật nuôi đã cung cấp đầy đủ số liệu thống kê về sản xuất cũng như phương pháp quản lý của người nông dân.

Các công nghệ tiên tiến là “từ khóa” tạo nên sự vượt trội của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật số. Từ nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã hợp tác với các nhà sản xuất, Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia, Chương trình mở rộng chiến lược đầu tư nghiên cứu và phát triển, các đối tác tư nhân để thiết kế một chương trình lương thực ổn định, bền vững hơn. Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đưa ra kế hoạch dựa trên 3 trụ cột chính: Dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng trong chẩn đoán và dự đoán sâu bệnh hại nông nghiệp. Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Thực phẩm quốc gia đã phân loại 120 loài côn trùng và mầm bệnh.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản còn đưa ra một phương pháp nông nghiệp mới mang tên “Bón phân kỹ thuật số”, bao gồm việc sử dụng internet vạn vật và AI. Các cảm biến thu thập nhiều dữ liệu khác nhau từ nhiệt độ, độ ẩm, độ chua và tiếp xúc với ánh sáng của đất. Sau đó, phần mềm sẽ phân tích dữ liệu này để xác định nhu cầu nước và phân bón của cây trồng. Phần mềm trên sau đó “ra lệnh” cho các vật liệu này di chuyển qua các ống hẹp để đưa chúng đến rễ của cây trồng đang phát triển, thay vì tưới nước bằng vòi phun nước và bón phân quá nhiều. Từ năm 2018, Nhật Bản bắt đầu sử dụng robot nông nghiệp để cày đất, trồng lúa, nhổ cỏ dại, di chuyển giữa các cánh đồng và có thể giám sát mọi chướng ngại vật. Nhiều robot chỉ do một người được quản lý dưới sự hướng dẫn của chính phủ.

Tính đến nay, có hàng chục loại công nghệ tiên tiến được sử dụng trong quản lý sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, bao gồm công nghệ giám sát và thu thập dữ liệu, công nghệ robot hóa, vận hành máy tự động cũng như công nghệ vận hành kinh doanh.

Vai trò của chính phủ

 Trong những năm 60 của thế kỷ 20, đất nước mặt trời mọc phần lớn tự cung tự cấp lương thực. Tỷ lệ sản xuất được đo bằng mức tiêu thụ là 20% đối với gạo, 100% đối với trái cây, rau quả và 91% đối với thịt. Ngày nay, tỷ lệ này lần lượt là 98% đối với gạo, 30% đối với trái cây, 76% đối với rau, 16% đối với nông sản, 21% đối với đậu nành, 15% đối với lúa mì và 10% đối với thịt bò. Những con số trên cho thấy sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nhập khẩu ngày càng tăng.

Nhật Bản đặt mục tiêu đạt 45% khả năng tự cung tự cấp lương thực vào năm 2030. Hơn 60% diện tích của Nhật Bản là vùng núi, không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Đối với không gian còn lại, ngành nông nghiệp sử dụng những nông dân có độ tuổi trung bình là 67 và số lượng nông dân đang giảm dần 50.000 người/năm.

Để giải quyết những thách thức nghiêm trọng về tình trạng xã hội già hóa và thiếu người kế nhiệm đảm nhận công việc nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy cải cách chính sách nông nghiệp và tăng đầu tư để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh. Năm 2019, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã công bố chiến lược mở rộng kinh doanh công nghệ và dịch vụ nông nghiệp thông minh. Theo đó, bộ này hợp tác với các công ty tư nhân, trường đại học và viện nghiên cứu để tìm ra các giải pháp đạt được mức tiết kiệm lao động tối đa trong khi vẫn duy trì chất lượng sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã khởi động 205 dự án áp dụng công nghệ và dịch vụ nông nghiệp thông minh. Năm 2021, cơ quan này đã xây dựng hướng dẫn thiết lập hệ thống Giao diện lập trình ứng dụng (API) để hỗ trợ nông dân tiếp cận dữ liệu máy móc nông nghiệp từ các nhà sản xuất khác nhau.

leftcenterrightdel
 Robot phun hóa chất nông nghiệp của công ty Legmin giúp nông dân Nhật Bản "nhàn" hơn. Ảnh: legmin.co.jp

 

Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong nông nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố các chính sách toàn diện, lập nhiều diễn đàn để chính phủ, doanh nghiệp và nông dân hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng cung cấp các khoản vay và trợ cấp cho nông dân sử dụng đất canh tác liên tục, những người sống ở khu vực địa lý không thuận lợi và các trang trại quy mô nhỏ ưu tiên sử dụng robot, thiết bị công nghệ thông tin và máy móc phục vụ nông nghiệp thân thiện với môi trường. Đồng thời, Chính phủ thực hiện những biện pháp hỗ trợ các tổ chức tài chính bằng cách tăng trợ cấp cho các quỹ tín dụng nông thôn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực sửa đổi luật cơ bản về lương thực, nông nghiệp và nông thôn-được mệnh danh là hiến pháp quản lý nông nghiệp ở Nhật Bản, trong đó định hướng các chính sách thúc đẩy phát triển và phổ biến nền nông nghiệp thông minh nhằm duy trì năng lực sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản. Chính phủ hy vọng sẽ đệ trình dự luật này tại phiên họp quốc hội vào năm tới.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia Nhật Bản, việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong nông nghiệp không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn là hướng đi tiếp theo nhằm phát triển nông nghiệp thông minh trên toàn thế giới. Nông nghiệp có điều kiện địa lý, văn hóa và tập quán đặc trưng của từng địa phương nhưng kinh nghiệm phổ biến nông nghiệp thông minh ở Nhật Bản có thể là bài học cho các khu vực đang phát triển khác.

PHƯƠNG LIÊN