Chỉ trong giai đoạn 2021-2022, số tiền quyên góp cho các hoạt động từ thiện của bà lên tới 1,2 tỷ rupee (hơn 345 tỷ VND), được EdelGive Hurun India tôn vinh là người phụ nữ làm từ thiện hào phóng nhất Ấn Ðộ năm 2022.

Sứ mệnh vì người nghèo

Trước khi được biết đến là một phụ nữ giàu lòng hảo tâm, bà Rohini có một hành trình nỗ lực phấn đấu từ công việc ban đầu là một nhà báo để trở thành một nữ triệu phú ở hiện tại.

Sinh năm 1960 trong một gia đình trung lưu ở Mumbai, Rohini có cha là kỹ sư và mẹ làm nghề nội trợ. Hoàn thành chương trình học tại Trường Cao đẳng Elphinstone năm 1980, Rohini bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà báo, làm việc cho nhiều tờ báo uy tín như tạp chí Bombay, Bangalore, Sunday, Times of India, India Today, Mint... Đam mê viết truyện, Rohini từng xuất bản nhiều truyện trinh thám kinh dị như: "Stillborn" (năm 1998), "Uncommon Ground" (năm 2011) cũng như nhiều sách dành cho thiếu nhi.

Bước ngoặt đưa Rohini từ một nhà báo trở thành triệu phú khi cô đầu tư toàn bộ số tiền có được thời điểm đó là 10.000 rupee cùng với chồng là “phù thủy công nghệ” Nadan Nilekani và 6 người bạn khác thành lập công ty. Công ty nhỏ bé đó hiện phát triển thành Infosys, doanh nghiệp công nghệ lớn thứ hai tại Ấn Ðộ. Tính đến thời điểm hiện tại, Infosys sở hữu 13 chi nhánh trên toàn cầu, là sự lựa chọn của các tổ chức tài chính trên 84 quốc gia và phục vụ gần 550 triệu khách hàng. Công ty hiện có tới 345.000 nhân viên đang làm việc với giá trị thị trường khoảng 71,5 tỷ USD-đứng thứ hai tại Ấn Độ chỉ sau Tata Consultancy Services trong ngành công nghệ thông tin.

Trở nên giàu có nhưng với tâm nguyện giúp đỡ người nghèo, bà Rohini dùng lợi nhuận của mình từ Infosys để thành lập quỹ từ thiện mang tên "Arghyam" năm 2001 với mục tiêu xúc tiến các sáng kiến về nước sạch và môi trường bền vững trên khắp Ấn Ðộ. Tháng 8-2013, bà Rohini đã bán 5,77 vạn cổ phiếu của Infosys để lấy tiền làm từ thiện.

Ngoài Quỹ từ thiện Arghyam, bà Rohini còn cùng chồng sáng lập Quỹ từ thiện Rohini Nilekani Philanthropies. Vào tháng 4-2023, thông qua Rohini Nilekani Philanthropies, bà đã quyên góp 1 tỷ rupee cho Viện Sức khỏe tâm thần và Khoa học thần kinh quốc gia Ấn Ðộ (NIMHANS) nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác nghiên cứu và điều trị trong 5 lĩnh vực chính của sức khỏe tâm thần.

Bên cạnh đó, bà Rohini đã hỗ trợ 80 tổ chức xã hội dân sự hoạt động về biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, tư pháp, quản lý và phúc lợi. Năm 2017, vợ chồng bà cùng nhau ký tên tham gia Sáng kiến Giving Pledge, cam kết dành một nửa tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện.

Đặc biệt, bà còn đồng sáng lập EkStep, một nền tảng giáo dục phi lợi nhuận và nhà xuất bản Pratham Books với mong muốn được nhìn thấy sách đến tay mọi trẻ em, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo bà, sách là cách tốt nhất để kết nối với trẻ em. Vì vậy, sứ mệnh của EkStep và Pratham Books là đem đến càng nhiều sách chất lượng cao càng tốt, càng nhiều ngôn ngữ càng tốt cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Thông qua sách, EkStep và Pratham Books đã giải quyết một số chủ đề phức tạp như định kiến giới, biến đổi khí hậu và khuyết tật. Thậm chí, có nhiều sách đề cập tới các chủ đề như bắt nạt, sự tích cực của cơ thể và những sự kiện thay đổi cuộc sống như việc cha mẹ chia tay...

leftcenterrightdel
 Nữ tỷ phú giàu lòng hảo tâm nhất Ấn Độ Rohini Nilekani. Ảnh: forbesindia.com

 

Với uy tín tạo dựng được qua các hoạt động từ thiện, bà Rohini được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong những anh hùng từ thiện châu Á vào năm 2010 và 2014. Năm 2022, Rohini được trao giải Nhà từ thiện cấp cơ sở xuất sắc nhất tại Giải thưởng Lãnh đạo Forbes Ấn Độ. Bà cũng nhận được Giải thưởng Nhà từ thiện của năm 2020-2021 từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM). Năm 2022, Rohini Nilekani được Danh sách từ thiện EdelGive Hurun Ấn Độ vinh danh đứng đầu danh sách các nhà từ thiện nữ.

Phụ nữ góp phần thay đổi thế giới 

 Theo quan điểm của nữ triệu phú Rohini, phụ nữ lập gia đình cần đưa ra quyết định tài chính độc lập. Lấy ví dụ về việc đầu tư 10.000 rupee vào công ty của chồng, bà Rohini cho biết điều này giúp bà trở nên giàu có và độc lập với chồng khi công ty có sự thành công ngoạn mục. Nhờ đó, bà có tiền để làm từ thiện giúp đỡ người nghèo.

Bà Rohini cũng tự gọi mình là nhà nữ quyền và tin rằng chế độ phụ hệ cũng ảnh hưởng đến nam giới. Theo bà, nam thanh niên ở Ấn Độ bị đẩy vào các cuộc tranh luận liên quan đến giới và họ thường không có không gian để nói về những rào cản giới tính cũng như các vấn đề ảnh hưởng liên quan. Chính vì vậy, Quỹ Rohini Nilekani đã khởi xướng nghiên cứu về cách nam thanh niên có thể trở thành một phần của phong trào bình đẳng giới ở Ấn Độ. Thông qua nghiên cứu này, họ giải quyết các vấn đề như sự nhạy cảm về giới, những định kiến đầy thách thức về giới...

Bên cạnh đó, bà Rohini còn đề cập đến mối liên hệ giữa giáo dục và nước khi nhấn mạnh rằng, các bé gái có hoàn cảnh khó khăn thường bỏ học vì ở trường không có nhà vệ sinh sạch sẽ. Một số em còn phải nghỉ học vì gia đình phải đi lấy nước từ vùng sâu vùng xa cho các em.

Theo trang womensweb.in, các hoạt động từ thiện của bà Rohini là bằng chứng cho thấy phụ nữ có thể giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách và tác động tích cực đến xã hội thông qua công việc của họ. Bà Rohini đã lựa chọn những vấn đề như biến đổi khí hậu, giáo dục, nước, những vấn đề cần được quan tâm cấp bách ở Ấn Độ. “Đối với một phụ nữ Ấn Độ bình thường, điều này có vẻ như là một giấc mơ xa vời, nhưng bà Rohini đề cập đến vai trò lớn hơn của phụ nữ trong hoạt động từ thiện”, trang web này nhấn mạnh.

Chia sẻ với tạp chí Forbes của Ấn Độ, bà Rohini bày tỏ, khi nhìn lại chặng đường đã đi, bà cảm thấy lạc quan về tương lai của hoạt động từ thiện ở Ấn Độ. “Đã có một sự chuyển đổi tinh tế nhưng đáng kể trong cách tiếp cận các vấn đề xã hội. Chúng ta không còn bị giới hạn trong những điều thông thường và quen thuộc. Các nhà từ thiện ngày nay, đặc biệt là những người thuộc thế hệ giàu có đầu tiên, đã bắt đầu dấn thân vào những lĩnh vực chưa được khám phá. Cho dù đó là sức khỏe tâm thần, nghiên cứu khoa học, tiếp cận công lý hay nghệ thuật và văn hóa, họ đang đầu tư để chuyển đổi nghiêm túc”.

Theo bà Rohini, Ấn Độ đang phải đối mặt với vô số thách thức, từ khoảng cách bất bình đẳng gia tăng trong xã hội đến cuộc khủng hoảng khí hậu. “Còn rất nhiều việc phải làm ở đất nước chúng tôi, khi những vấn đề cũ biến thành những vấn đề mới và các giải pháp truyền thống dường như không còn phù hợp. Đây là thời điểm quan trọng để các nhà hảo tâm Ấn Độ thực sự bước lên và cống hiến một cách nhanh hơn, lớn hơn và táo bạo hơn. May mắn thay, những chồi xanh đã mọc lên”, người phụ nữ hảo tâm nhất Ấn Độ bày tỏ hy vọng.

HOÀNG ĐAN