Sứt mẻ tình bạn
Đó là câu chuyện buồn không thể tránh khỏi về một tình bạn tan vỡ. Hai người bạn, hai cộng sự cũ cãi vã rồi giận dữ đến mức gây chiến với nhau trước tòa... Vụ việc xảy ra vào ngày 29-2, một ngày vô cùng đặc biệt vì nó chỉ xuất hiện 4 năm một lần. Chính vào ngày này, Elon Musk, 52 tuổi, người sáng lập SpaceX và là Giám đốc Tesla, đã nộp đơn khiếu kiện lên tòa án quận San Francisco chống lại Sam Altman, 38 tuổi, người đồng sáng lập OpenAI, với các cáo buộc “vi phạm hợp đồng” và “cạnh tranh không lành mạnh”.
Lời công kích của tỷ phú Musk cũng như cáo buộc của ông được trình bày chi tiết trong 35 trang, kèm theo phụ lục là các thư điện tử trao đổi với nhau, đã đốt cháy thung lũng Silicon. Mục tiêu tỷ phú Musk nhắm vào là OpenAI-công ty mẹ của ChatGPT-ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm thay đổi cuộc sống con người. Nền tảng này có tính chất hiện sinh: Tương lai của con người không ít thì nhiều sẽ phải đối mặt với máy móc.
Vậy Musk kiện Altman vì điều gì? Theo ông chủ của SpaceX, trước tiên, Altman đã chuyển đổi OpenAI-một tổ chức phi lợi nhuận, chịu trách nhiệm phát triển AI mang lại lợi ích cho toàn nhân loại, thành một công ty có mục đích kiếm tiền. Sau đó, Altman đã cho phép Microsoft nắm quyền kiểm soát ChatGPT. Ông Musk cáo buộc Altman phản bội sứ mệnh ban đầu của OpenAI và tạo điều kiện cho hành vi “có hại cho nhân loại”.
Vụ kiện đã làm sứt mẻ tình bạn kết thân gần 15 năm qua. Theo Báo Le Figaro (Pháp), Musk và Altman gặp nhau vào đầu thập niên 2010. Họ có những người bạn chung như Peter Thiel-người đồng sáng lập PayPal với Musk, đồng thời là cố vấn của chàng trai trẻ Altman. Tuy nhiên, Geoff Ralston, cựu Giám đốc điều hành của Yahoo! mới là người chủ động giới thiệu Musk với Altman.
Musk và Altman có chung tầm nhìn về thế giới: Họ thuộc típ người cực kỳ lạc quan và tin rằng công nghệ có thể giải quyết mọi vấn đề. Vào cuối cuộc gặp đầu tiên, Musk đề nghị Altman đến thăm nhà máy tên lửa SpaceX ở Nam California. Altman đã được thuyết phục bởi đàn anh: “Musk đã nói chi tiết về quá trình sản xuất từng bộ phận của tên lửa, nhưng điều đọng lại trong trí nhớ của tôi là vẻ mặt chắc chắn tuyệt đối trên khuôn mặt của Musk khi anh ấy nói về việc phóng tên lửa lên Sao Hỏa”, Altman viết trong một blog vào năm 2019.
Đâu là nguyên nhân?
Năm 2014, Google mua lại DeepMind. Lo sợ việc Google sẽ tiếp quản tương lai của AI, ngày 25-5-2015, Altman đã viết email gửi Musk: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc liệu có thể ngăn cản loài người phát triển AI hay không. Tôi nghĩ câu trả lời gần như chắc chắn là không. Nếu điều này xảy ra, tốt hơn nếu ai đó không phải Google làm điều đó trước”.
Ngày 11-12-2015, OpenAI ra đời. Triết lý của OpenAI được coi là đối lập hoàn toàn với triết lý của Google. “OpenAI là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm rằng, AI mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại mà không bị ràng buộc phải tạo ra lợi nhuận tài chính. Khi nghiên cứu được giải phóng khỏi những nghĩa vụ tài chính, chúng tôi có thể tập trung tốt hơn vào các tác động tích cực đối với con người”, OpenAI tuyên bố. Đúng như tên gọi của OpenAI, tổ chức này hứa hẹn sẽ hoạt động ở chế độ mở, xuất bản miễn phí tác phẩm của công ty khởi nghiệp.
Có trụ sở tại tòa nhà Pioneer, một tòa nhà màu xanh da trời nằm ở phía Bắc San Francisco, các nhóm nghiên cứu ở OpenAI bắt đầu làm việc. Đầu năm 2017, OpenAI nhận ra rằng việc xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) sẽ đòi hỏi một lượng lớn tính toán và cần nhiều vốn hơn, ước tính 100 triệu USD. Trong khi đó, Musk cho rằng, để đạt được sức mạnh tính toán cho phép xây dựng AGI sẽ tốn kém hơn nhiều... “Chúng ta cần hơn 100 triệu USD để tránh bị coi là không đáng kể... Tôi nghĩ chúng ta nên nói rằng cần 1 tỷ USD để bắt đầu... Tôi sẽ cung cấp phần còn lại nếu chúng ta không đạt được con số này”, Musk trấn an các đồng nghiệp ở OpenAI.
Vấn đề là, theo các nhà lãnh đạo của OpenAI, Musk chỉ rút sổ séc chi 45 triệu USD trong khi luôn miệng nói rằng Tesla mới là công ty duy nhất có cơ hội chống lại sức mạnh vô hạn của Google. Theo Altman, ông Musk muốn liên kết OpenAI và Tesla nhưng nỗ lực này không phù hợp với tiêu chí ban đầu của OpenAI. Altman từ chối đề nghị của Musk, điều này đã thúc đẩy ông chủ của SpaceX rời OpenAI năm 2018. Vào năm 2019, OpenAI tái cơ cấu nhằm bảo đảm rằng công ty có thể gây quỹ để theo đuổi sứ mệnh bảo đảm AGI mang lại lợi ích cho toàn nhân loại, đồng thời duy trì sứ mệnh, khả năng quản lý và giám sát của tổ chức phi lợi nhuận. Năm 2020, OpenAI đã hợp tác với Microsoft. Động thái này khiến cuộc chia tay giữa hai người bạn cũ trở nên “trọn vẹn”.
Hòa bình không sớm trở lại
Được OpenAI chính thức cho ra mắt ngày 30-11-2022, ChatGPT đã làm rung chuyển thế giới công nghệ. Chỉ trong hai tháng, ChatGPT đã thuyết phục được gần 180 triệu người dùng... OpenAI, do Microsoft sở hữu 49%, đã thay đổi cách hàng triệu người làm việc, học tập và suy nghĩ. Thời đại của AGI đang đến gần.
Phiên bản mới nhất của OpenAI là ChatGPT-4, có mã không được công khai, bởi lý do tốt hơn con người bình thường. Chính trong bối cảnh đó, vào tháng 4-2023, Musk đã can thiệp bằng cách đưa ra Grok, một đối thủ cạnh tranh của ChatGPT, ở chế độ mở. Trong trang 27 của đơn khiếu nại, Musk sử dụng một hình ảnh rất mạnh mẽ: “Hãy tưởng tượng rằng bạn quyên góp tiền cho một tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Sau đó, chính tổ chức này tạo ra một doanh nghiệp sinh lợi nhiều, là một công ty khai thác gỗ ở Amazon và sử dụng tiền của bạn để phá rừng. Đây là câu chuyện của OpenAI”.
Sam Altman, trong một bài viết đăng trên trang web OpenAI, trả lời trực tiếp người tố cáo mình: “Chúng tôi rất buồn khi phải đối mặt điều này với một người mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ; một người đã khuyến khích chúng tôi hướng tới mục tiêu cao hơn, sau đó nói rằng chúng tôi sẽ thất bại; người đã tung ra một đối thủ cạnh tranh và người cuối cùng đã kiện chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu đạt được những tiến bộ đáng kể hướng tới sứ mệnh của OpenAI mà không có anh ấy”.
Cuộc đọ sức giữa hai người đàn ông tài giỏi thế giới khiến không ai có thể thờ ơ. “Tôi tôn trọng Elon Musk và yêu quý Sam Altman. Thật buồn khi thấy một cuộc tranh luận vô nghĩa. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn dồn sức sáng tạo vào việc xây dựng tương lai mà bạn mơ ước thay vì tranh cãi. Cầu mong hai bạn luôn hạnh phúc và tìm thấy bình yên”, Wojciech Zaremba-người đồng sáng tạo OpenAI viết.
Nhưng ngay cả khi sử dụng trí tưởng tượng của ChatGPT, có vẻ như hòa bình sẽ không sớm trở lại thung lũng Silicon.
ĐĂNG HOÀNG