Thổi hồn vào nghệ thuật bị mai một

Ở tuổi 79 nhưng nữ nghệ nhân Wang Qian vẫn rất tâm huyết khi nói về những tác phẩm bằng đất nung gần đây nhất của mình. Đó là những bức tượng các vũ công thời cổ xưa được chế tạo dựa theo ảnh chụp lại hay tạo dựng từ phiên bản gốc bị đánh cắp hoặc hư hỏng. Bà Wang cũng diễn giải, các văn bản cổ hoặc một phần văn bản có thể được tìm thấy trong các viện bảo tàng. “Hãy nhìn cô gái cưỡi ngựa này. Cô ấy có phong thái rất tuyệt vời với sự tự tin và phong cách khác biệt”, bà Wang nói trong khi chỉ vào một bức tượng điêu khắc nhỏ ở tư thế đầy thần thái.

leftcenterrightdel
Nữ nghệ nhân Wang Qian kiểm tra một bức tượng nhỏ trong xưởng ở TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Daily 

 

Hơn 100 mẫu bộ tượng đất nung nhỏ khác nhau đã được bà Wang và các cộng sự tạo ra từ năm 2015 đến 2020. Họ đã thổi sức sống mới vào những gì từng là nghệ thuật và văn hóa bị thất lạc của Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, 1/10 số bản sao đất nung của bà Wang được trưng bày trong một triển lãm tại TP Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Triển lãm đã thu hút hàng nghìn người tham dự.

Dù bà Wang Qian là bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc nhưng việc tái tạo những bức tượng đất nung từ xa xưa không phải là việc dễ dàng. “Quy trình tái tạo các bức tượng đất nung rất phức tạp và đòi hỏi khắt khe. Từ việc chuẩn bị đất sét đến tạo hình, đúc khuôn, nung, tạo màu và lão hóa, mỗi bước đều phải được thực hiện một cách chính xác và cẩn thận”, bà giải thích.

Theo báo China Daily, dưới thời nhà Minh (1368-1644), những bức tượng nhỏ bằng đất nung dần dần không còn được ưa chuộng. Nhiều kỹ thuật chế tác nguyên bản bị thất truyền là một mất mát lớn đối với văn hóa Trung Quốc. Do vậy, theo nghệ nhân Wang: “Việc tái tạo các bức tượng nghệ sĩ và vũ công đang biểu diễn không chỉ thể hiện hình thức vật lý bên ngoài mà còn bảo đảm tính liên tục và phát huy văn hóa truyền thống của Trung Quốc”. Trong 4 thập kỷ qua, bà Wang đã phát triển một bộ kỹ thuật toàn diện để tái tạo các tác phẩm điêu khắc bằng đất nung với những kích thước khác nhau và đã nhân bản được hơn 6.000 tác phẩm.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc

Mối liên hệ của bà Wang Qian với nghệ thuật điêu khắc bằng đất nung tương tự như quá trình tạo ra các bức tượng nhỏ: Đó là một nghệ thuật được hình thành thông qua việc khám phá và chiêm nghiệm nhiều lần.

Bà Wang sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Cha của bà-Wang Ziyun-là một họa sĩ nhưng cũng là nhà điêu khắc nổi tiếng, người tiên phong cho phong trào mỹ thuật hiện đại đầu tiên của Trung Quốc. Ông Wang Ziyun từng học điêu khắc ở Pháp vào thập niên 1940, sau đó trở về Trung Quốc. Vợ chồng ông ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập các đội khảo cổ nghệ thuật chuyên nghiệp với nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc.

Chịu ảnh hưởng của gia đình, cô bé Wang nuôi dưỡng niềm đam mê bảo tồn di sản văn hóa ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Lớn lên, Wang theo học tại một trường mỹ thuật ở TP Tây An. Ra trường, Wang trở thành nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Rừng bia Tây An. Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2019, Bảo tàng Rừng bia Tây An có bộ sưu tập 13.568 tác phẩm bia đá, bao gồm 2.281 tác phẩm di vật văn hóa quý giá. Trong số đó, có rất nhiều tác phẩm của những đại thư pháp gia nổi tiếng các thời, vì thế Bảo tàng Rừng bia Tây An còn được ví như kho sách bằng đá lớn nhất Trung Quốc.

Trong hơn 20 năm làm việc ở Bảo tàng Rừng bia Tây An cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000, bà Wang đã mày mò tìm hiểu và tạo ra hàng nghìn bản sao bằng đất nung. Năm 1979, bà Wang đã tạo ra bản sao kích thước thật đầu tiên trên thế giới về một chiến binh đất nung, gây chấn động ở Trung Quốc và nước ngoài. Các tác phẩm nghệ thuật của bà giành được nhiều giải thưởng. Năm 1995, loạt tượng nhỏ bằng gốm mô tả các vũ công Trung Quốc cổ đại của bà Wang đã giành huy chương vàng tại Triển lãm phát minh thế giới Eureka lần thứ 44 ở Brussels (Bỉ), làm dấy lên một làn sóng văn hóa Trung Quốc cuồng nhiệt. Đặc biệt, tác phẩm của bà còn được chọn làm quà tặng quốc gia dành tặng cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand.

Theo nữ nghệ nhân, các bức tượng vũ công thể hiện trực quan đời sống xã hội và thẩm mỹ của Trung Quốc cổ đại. Bà tin rằng, các bức tượng này là một phần quan trọng của di sản văn hóa và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Bà Wang đã dẫn nhiều sinh viên đi tham quan các bảo tàng để quan sát những tác phẩm ở nhiều thời đại khác nhau, giải thích đặc điểm và phân tích, so sánh các đặc điểm điêu khắc cũng như kỹ thuật sản xuất ra chúng. Bà khiêm tốn nói: “Tôi muốn truyền lại di sản văn hóa và nhận thức về văn hóa cho các sinh viên của mình”. Nhà điêu khắc nổi tiếng còn dự định tập hợp hơn 40 năm kinh nghiệm của mình vào một cuốn sách, trong đó ghi lại lịch sử âm nhạc và múa Trung Quốc cổ đại từ góc nhìn của các bức tượng gốm, chứng minh nguồn gốc xa xưa của kỹ thuật làm tượng truyền thống bằng đất nung sơn màu của Trung Quốc.

MINH ANH