Những dịp cuối tuần hay ngày lễ, trên đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tại các điểm du lịch nổi tiếng, không khó để bắt gặp những bạn trẻ với máy ảnh chụp phim mà tuổi đời có lẽ còn cao hơn cả chủ nhân của nó. Trào lưu trở lại với một nghệ thuật xưa cũ đang ngày càng sôi nổi trên cả đường phố lẫn các diễn đàn.
Sự trở lại với máy ảnh chụp phim như một sự tất yếu, khi thế giới càng hiện đại càng khiến người ta hồi nhớ về những gì xưa cũ. Hơn thế, ảnh rửa từ phim còn đem lại cho người chơi ảnh những điều thú vị đặc biệt.
|
|
Máy ảnh phim được chào đón trở lại. |
Với máy ảnh số, hoặc đơn giản là chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể nhanh chóng ghi lại những khoảnh khắc xung quanh bất cứ lúc nào. Rất đơn giản và tiện lợi. Ai cũng có thể trở thành “nhiếp ảnh gia”. Còn với máy ảnh phim cổ lỗ thì lại “phức tạp” hơn vô vàn lần. Đầu tiên là vấn đề chi phí. Giá một bộ máy ảnh phim giờ không phải là vấn đề lớn với đa phần người chơi ảnh. Với chi phí khoảng 2-3 triệu đồng là có thể sắm đủ một bộ gồm 1 thân máy và vài ống kính các loại. Tuy nhiên, chi phí lớn lại không nằm ở thiết bị. Một cuốn phim 36 kiểu loại rẻ hiện tại có giá trên dưới 100.000 đồng, cộng với khoảng 50.000 đồng tiền tráng và scan phim, chia ra mỗi tấm ảnh trị giá ít nhất 4.000 đồng. Giá cao cho mỗi khung hình chính là yếu tố khiến người ta phải cẩn trọng trong từng lần bấm máy, khác hẳn với sự thoải mái đến cẩu thả của máy kỹ thuật số.
Và cũng chính sự kỹ càng ấy khiến người ta chậm lại. Với sự “chậm” đó, chụp ảnh phim còn đem đến cho người chụp những kinh nghiệm mang tính thiền định hơn. Một cuộn phim 36 kiểu có thể được chụp trong một giờ, một ngày hay cả tuần, cả tháng.
Chụp ảnh bằng máy phim có cái thú đặc biệt mà máy ảnh số không thể có được. Đó là việc lắp phim, tua phim, rồi tháo phim... Những công đoạn ấy đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và chính xác. Thậm chí còn là thử thách với những người tiết kiệm để chụp mỗi cuốn phim lên tới 38-39 kiểu.
Xoay vặn những ống kính đời cũ cũng là một cái thú đặc biệt. Tất nhiên, máy ảnh kỹ thuật số có chế độ chỉnh tay nhưng khó có thể đem lại cảm giác như xoay những ống kính cổ lỗ, hoàn toàn không có chế độ lấy nét tự động.
Không chỉ nắm được những tính năng của chiếc máy ảnh phim, người chụp còn phải làm chủ được ánh sáng. Máy ảnh kỹ thuật số có khả năng “đọc” ánh sáng chính xác, qua đó đưa ra các thông số chuẩn cho một lần chụp, điều mà hầu hết chỉ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực sự làm được. Với máy ảnh chụp phim, đặc biệt là những chiếc máy cổ, người chụp sẽ phải tự nhìn, cảm nhận ánh sáng và đưa ra thông số khẩu độ, tốc độ thích hợp, tùy theo giá trị phơi sáng mà mình mong muốn. Vì thế, không ai có thể hình dung được chính xác tấm ảnh mình chụp sẽ như thế nào.
|
|
Phố cổ Hội An dưới ống kính máy ảnh phim. |
Sự chờ đợi cũng là cái thú. Sau cả tour đi sáng tác, người chụp mới có thể về để tự tráng phim hoặc gửi cho các lab. Hiện tại, ít người in ảnh, phần lớn người chụp scan phim ra thành ảnh kỹ thuật số để tiện cho việc lưu trữ và “khoe” trên các nền tảng mạng xã hội.
Dù chuyển thành ảnh kỹ thuật số nhưng chất nghệ thuật, tính thẩm mỹ của ảnh chụp phim luôn được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đánh giá cao. Một đặc điểm quan trọng nữa của ảnh phim là nó đem lại cảm nhận rất hoài cổ, những hình ảnh vốn bình dị nhưng qua màu sắc của phim tạo nên những cảm xúc rất khác nhau mà không thể có với máy ảnh số.
Bài và ảnh: PHẠM CHÂU