Trong không gian vướng vít khói bếp thơm mùi cà phê nóng hổi, anh Nguyễn Đức Hiếu miệt mài quay chiếc máy rang cà phê truyền thống của gia đình. Thi thoảng tiếng nổ lép bép vui tai của hạt cà phê chín lại vang lên trong lò rang. Những hạt cà phê chín có màu nâu sậm, đều hạt. Giọng anh Hiếu cất lên xen lẫn trong tiếng rang cà phê: “Gia đình tôi bắt đầu bán cà phê từ thời cụ tôi là cụ Nguyễn Văn Đến...”.

Cách đây trăm năm, cà phê vẫn là thức uống đắt đỏ, chỉ được bán tại các cửa hàng sang trọng, dành cho tầng lớp thượng lưu thưởng thức. Giữa trào lưu đó, gánh hàng rong bán cà phê của cụ Nguyễn Văn Đến trở nên thật đặc biệt. Khác với sự đắt đỏ, xa hoa của cà phê trong nhà hàng, một ly cà phê của cụ Đến rẻ hơn rất nhiều. Vì thế, những người nông dân hay người bán hàng rong đều có thể dễ dàng mua để thưởng thức. Bởi thế, ngày ấy, người dân luôn mong ngóng tiếng rao “Ô lê bánh Tây” của cụ Đến cùng hình ảnh gánh hàng rong, một bên đựng bánh mì, một bên đựng nồi nước cà phê đun liu riu tỏa ra mùi thơm đặc trưng.

Công thức pha cà phê của cụ Đến rất đơn giản. Ban đầu, cụ rang hạt cà phê trên chảo và giã mịn bằng tay trong chiếc cối nhỏ. Sau đó đun lửa nấu và cho ra thức uống gây thương nhớ. Sau này, con trai cụ Đến là ông Nguyễn Văn Thái nối tiếp sự nghiệp, đưa gánh hàng rong khi xưa trở thành quán cà phê vỉa hè đông nghịt người trên phố Triệu Việt Vương mang tên Cà phê Thái. Ông Thái đã sáng tạo ra chiếc máy rang cà phê bằng củi. Dù sau này có nhiều máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ nhưng gia đình ông vẫn sử dụng chiếc máy rang như một phần không thể thiếu trong công đoạn chế biến cà phê của Cà phê Thái.

leftcenterrightdel

Anh Nguyễn Đức Hiếu làm nguội cà phê trên máy. Ảnh: VIỆT TRUNG

Anh Nguyễn Đức Hiếu là thế hệ thứ tư tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Anh chia sẻ, thông thường, cà phê sẽ được rang nhạt để giữ trọn hương vị, nhưng Cà phê Thái được rang lửa lớn, tương đối đậm bởi rang yếu lửa sẽ khiến mẻ cà phê đó bị giống mùi ngô nướng thay vì mùi cà phê. Nhưng không phải vì cách rang đó mà cà phê bị đắng, bởi sau khi pha qua hàng trăm phin nhỏ mỗi ngày, anh sẽ để nguội rồi đóng chai cất tủ lạnh. Việc pha sẵn, chịu lạnh qua đêm giúp dung hòa, giảm bớt vị chát vốn có để khách hàng thưởng thức hương vị cà phê hoàn hảo nhất. Anh cũng bật mí rằng, cách đây 60 năm, ông Thái đã nghiên cứu kết hợp hai loại hạt cà phê Robusta và  Arabica theo tỷ lệ 50:50, giúp hương vị cà phê đậm và mạnh hơn nhưng lại dễ uống, vị không bị chát. Đến nay, công thức pha chế này vẫn được gia đình anh gìn giữ.

Anh Hiếu cho biết, rang cà phê bằng củi là cả một nghệ thuật. Lửa củi không thể chuyển nhiệt ngay như bếp ga cho nên cần người rang quan sát sát sao để đoán ngọn lửa đang ở trạng thái nào. Đồng thời xem hạt cà phê, mùi cà phê, tiếng nổ của hạt để biết lúc nào cần tăng, giảm nhiệt. Vậy mới biết cà phê đã được rang chín hay chưa. Quan trọng là giữ lửa đều, từ lúc bắt đầu đến kết thúc. 

Anh Lê Thành Trung, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, là khách quen của Cà phê Thái chia sẻ: “Cà phê được rang bằng củi cho mùi vị đặc trưng, cuốn hút, đó là dư vị của khói, thơm đậm mùi cà phê và mang chút hơi thở của thiên nhiên". 

Mỗi khi ghé thăm quán cà phê rang củi của gia đình anh Hiếu, du khách có thể thưởng thức những tách cà phê thơm lừng và cảm nhận được sự tận tụy của người chủ với từng công đoạn chế biến cà phê. Giữa nhịp sống hối hả của Thủ đô, vẫn có nơi lắng đọng thời gian, mang hơi thở của thế kỷ trước như Cà phê Thái, đã trở thành điểm đến yêu thích của thực khách mỗi ngày.

HẢI ANH