|
|
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO. Ảnh: United Nations |
Bản lý lịch "miễn chê"
Ngày 1-3-2021 đã đi vào lịch sử WTO khi bà Okonjo-Iweala chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên ngồi vào chiếc ghế Tổng giám đốc của cơ quan thương mại hàng đầu thế giới này. Chắc chắn đó không phải lần đầu tiên và có thể không phải là lần cuối cùng người phụ nữ xuất thân từ Nigeria làm nên lịch sử trên con đường sự nghiệp đầy chông gai nhưng huy hoàng của mình.
Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala sinh năm 1954 tại bang Delta, miền Tây Nigeria, tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế tại Đại học Harvard (Mỹ) vào năm 1976 và 5 năm sau đó, bà tiếp tục nhận bằng Tiến sĩ về kinh tế khu vực và phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Tên tuổi của bà bắt đầu nổi lên sau quãng thời gian 25 năm làm cho Ngân hàng Thế giới (WB). Trên cương vị Giám đốc điều hành của WB giai đoạn 2007-2011, bà được ghi nhận có nhiều đóng góp đáng nhớ cho hàng loạt dự án phát triển ở châu Phi, châu Âu và Trung Á. Ngoài ra, bà còn là người dẫn đầu một số sáng kiến của WB nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập thấp, nhất là trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008-2009.
Trước khi trở thành Tổng giám đốc WTO vào đầu năm 2021, Okonjo-Iweala đã được coi như “người mở đường” trong nỗ lực tăng quyền cho phụ nữ khi từng hai lần giữ chức Bộ trưởng Tài chính của Nigeria vào các giai đoạn 2003-2006 và 2011-2015; đồng thời có thời gian ngắn làm Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria vào năm 2016. Ở Nigeria, Okonjo-Iweala là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ các chức vụ quan trọng này.
Cái tên Okonjo-Iweala còn được người ta biết đến thông qua vô số danh hiệu mà bà giành được, điển hình như: Top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới (Tạp chí Time bình chọn năm 2014); Top 3 phụ nữ quyền lực nhất châu Phi (Tạp chí Forbes bình chọn năm 2012); Nhân vật xuất sắc nhất năm 2020 ở châu Phi và là một trong 50 nhà lãnh đạo thế giới xuất sắc nhất năm 2015 theo xếp hạng của Tạp chí Fortune. Ngoài ra, bà Okonjo-Iweala từng 4 năm liên tiếp được Tạp chí Forbes điền tên vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Nhưng trên hết, những người ủng hộ Okonjo-Iweala tin rằng việc đắc cử chức Tổng giám đốc WTO chính là sự công nhận xứng đáng cho những đóng góp của bà sau nhiều năm công tác trên chính trường Nigeria cũng như các tổ chức quốc tế.
Biểu tượng chống tham nhũng ở quê nhà
Trước khi ngồi vào vị trí cao nhất tại WTO, từng có giai đoạn bà Okonjo-Iweala từ bỏ công việc với mức lương mà rất nhiều người mơ ước tại WB và rời cuộc sống đầy tiện nghi ở Washington để về quê hương thực hiện những cải cách lớn trong chống tham nhũng, minh bạch hóa hệ thống tài chính của Nigeria.
Đến nay, người dân Nigeria vẫn truyền tai nhau câu chuyện diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên bà Okonjo-Iweala làm Bộ trưởng Tài chính dưới thời chính quyền của Tổng thống Olusegun Obasanjo. Khi ấy, Nigeria dù là một nước xuất khẩu dầu thô song vẫn rất nghèo và ôm khoản nợ khổng lồ lên tới 30 tỷ USD. Trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, bà Okonjo-Iweala là người dẫn đầu các cuộc đàm phán để “Câu lạc bộ Paris” với thành viên là các quốc gia chủ nợ đồng ý xóa nợ hoàn toàn cho Nigeria.
Phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Okonjo-Iweala còn được thể hiện qua nỗ lực cải cách và tấn công nạn tham nhũng trong ngành nhiên liệu của Nigeria. Bằng chứng là sau chiến dịch trấn áp tham nhũng mạnh tay mà bà thực hiện, rất nhiều quan chức cấp cao đã mất chức. Chẳng thế mà tại quê nhà, Okonjo-Iweala được tôn vinh là một nữ anh hùng chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng chính chiến dịch ấy đẩy bà vào một trong những trải nghiệm nặng nề và khó quên nhất cuộc đời. Đó là năm 2012, khi Okonjo-Iweala đang giữ chức Bộ trưởng Tài chính, mẹ của bà (lúc đó 82 tuổi) bị bắt cóc ngay tại nhà riêng ở miền Nam Nigeria. Những kẻ bắt cóc yêu cầu Okonjo-Iweala phải tuyên bố từ chức ngay lập tức và nộp một khoản tiền chuộc. Cuối cùng, do không thể gây sức ép với gia đình Okonjo-Iweala, bọn bắt cóc buộc phải trả tự do cho mẹ bà.
Với Okonjo-Iweala, thử thách là đam mê!
Hãng tin CNBC cho rằng, trong nhiệm kỳ kéo dài từ tháng 3-2021 đến cuối tháng 8-2025, Tổng giám đốc Okonjo-Iweala phải đối diện với không ít thách thức trong việc thúc đẩy đối thoại thương mại quốc tế, nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng như các xung đột thương mại khác vẫn đang là những vấn đề nổi cộm của thế giới. Bên cạnh đó, hậu quả mà đại dịch Covid-19 gây ra cũng trở thành vật cản lớn cho bà trong những nỗ lực cải tổ và điều hành WTO.
Okonjo-Iweala thừa nhận rằng bản thân cảm thấy thêm áp lực khi trở thành người phụ nữ đầu tiên, đồng thời là người châu Phi đầu tiên làm Tổng giám đốc WTO, song cùng với đó, bà khẳng định sẽ đem lại những thành quả để khiến khu vực châu Phi và nữ giới có thể tự hào. Trong lễ nhậm chức, bà nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu thời gian tới là giải quyết rốt ráo các hậu quả kinh tế và sức khỏe mà đại dịch Covid-19 để lại, đồng thời đề ra các chính sách để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại. Bên cạnh đó, nữ tổng giám đốc đầu tiên trong lịch sử WTO cũng đang nghĩ tới việc áp dụng nhiều biện pháp cải cách nhằm định vị lại thương hiệu của tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này.
Nhiều người cho rằng động lực để Okonjo-Iweala vươn lên mạnh mẽ và có được vị trí như hiện nay là bởi bà thực sự thấu hiểu cái nghèo. Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với BBC năm 2012, Okonjo-Iweala kể rằng khi còn là một bé gái ở vùng thôn quê của Nigeria, bà đã phải làm mọi việc, từ lấy nước, ra đồng đến đủ thứ việc lặt vặt khác. Và có lẽ chính những năm tháng tuổi thơ gian khó đó đã góp phần tạo nên một nhà lãnh đạo cứng cỏi, có khả năng chịu đựng mọi khó khăn. “Tôi đã thấy cái nghèo là gì, cảm nhận trực tiếp cái nghèo... Tôi có thể chịu được khổ sở. Tôi có thể ngủ trên sàn nhà lạnh bất cứ lúc nào”, bà Okonjo-Iweala nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC.
Hơn thế nữa, Okonjo-Iweala tự nhận mình là một phụ nữ ưa thử thách. Phẩm chất ấy cùng với năng lực và kinh nghiệm của một chuyên gia kinh tế gạo cội chính là điều giúp người ta tin rằng bà sẽ chèo lái WTO vượt qua giai đoạn khủng hoảng và sóng gió.
CHÂU ANH