Hành trình gần một thế kỷ của Oscar

Ý tưởng thành lập một tổ chức dành riêng cho điện ảnh xuất hiện từ đầu năm 1927. Ngày 11-5-1927, tại phòng Crystal của Khách sạn Biltmore nằm ở trung tâm TP Los Angeles, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) của Mỹ chính thức được thành lập với 36 thành viên. Cuộc họp nhất trí thiết lập giải thưởng để vinh danh những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh. 

Trong một cuộc họp của AMPAS sau đó, ông Cedric Gibbons, Giám đốc nghệ thuật của tập đoàn truyền thông Mỹ Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), được sự ủy quyền của Chủ tịch MGM Mayer, đã giới thiệu thiết kế giải thưởng, trong đó vẽ hình ảnh một hiệp sĩ cầm kiếm và đứng cao trước cuộn phim. 5 nan hoa của trục quay tượng trưng cho 5 nhánh ban đầu của AMPAS-diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, kỹ thuật viên và nhà viết kịch bản, trong khi thanh kiếm tượng trưng cho bảo vệ sức khỏe và sự tiến bộ của ngành. 

leftcenterrightdel

 Êkip đoàn làm phim “Oppenheimer” nhận giải Oscar hạng mục Phim hay nhất. Ảnh: Reuters

 

Thiết kế này lập tức được Ban giám đốc AMPAS lựa chọn và xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Academy số tháng 11-1927. Nhà điêu khắc George Stanley chính là người tạo ra những bức tượng nhỏ dựa trên thiết kế của ông Gibbons, một nhiệm vụ mà ông Stanley được trả 500USD vào thời điểm đó. 

Lễ trao giải đầu tiên được tổ chức vào ngày 16-5-1929, tại khách sạn Hollywood Roosevelt ở Los Angeles đã vinh danh những bộ phim hay nhất từ tháng 8-1927 đến tháng 7-1928. Chi phí tham dự bữa tiệc được ấn định là 5USD và có hơn 270 người tham dự. Tuy nhiên, có rất ít sự hồi hộp vì người chiến thắng đã được công bố 3 tháng trước đó. Trên thực tế, chỉ đến năm 1942, kết quả bỏ phiếu kín của AMPAS mới được tiết lộ lần đầu tiên vào ngày diễn ra lễ trao giải như hiện nay.

Trong lễ trao giải lần đầu tiên, ban tổ chức đã trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Emil Jannings, người có vai diễn thành công trong hai bộ phim “The way of all flesh” và “The last command”; giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Janet Gaynor trong 3 bộ phim “7th heaven”, “Street angel” và “Sunrise: A song of two humans”; giải Đạo diễn phim chính kịch xuất sắc nhất cho Frank Borzage-đạo diễn phim “7th heaven”...

Kể từ bữa tiệc trao giải đầu tiên vào ngày 16-5-1929 đến nay, có hơn 3.000 bức tượng nhỏ đã được trao. Vào tháng 1 hằng năm, những bức tượng vàng tươi được đúc bằng đồng bởi Xưởng đúc mỹ thuật Polich Tallix, có trụ sở tại New York, trước khi được mạ vàng 24 karat bởi Epner Technology, một công ty mạ điện đặc điểm kỹ thuật cao nổi tiếng ở Brooklyn. Kích thước của tượng đã đạt tiêu chuẩn vào năm 1945. Bức tượng có tên chính thức là “Giải thưởng Viện Hàn lâm”, mặc dù nó được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Oscar”. 

Nguồn gốc tên gọi “Oscar” hiện vẫn còn gây tranh cãi. Trong cuốn tự truyện của mình, nữ diễn viên người Mỹ Bette Davis cho rằng chính cô là người nghĩ ra cái tên này. Cô đặt bức tượng theo tên người chồng đầu tiên, chỉ huy dàn nhạc Harmon Oscar Nelson. Tuy nhiên, một người khác được coi là người khai sinh ra cái tên Oscar, đó là Margaret Herrick-nữ thư ký của Viện Hàn lâm. Khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng vào năm 1931, cô đã nói với các nhân viên của AMPAS rằng bức tượng này trông giống “ông chú Oscar”. Nhà báo Hollywood Sidney Skolsky có mặt khi đó đã chộp lấy cái tên Oscar để làm tựa đề cho bài báo của ông có tên “Một nhân viên đã yêu mến đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là Oscar”.

Tại lễ trao giải lần thứ 6, năm 1934, tên gọi tượng Oscar được xướng lên, nhưng phải đến năm 1939, tên gọi này mới chính thức được AMPAS thông qua. Ngày nay, cả hai tên “Oscar” và “Giải thưởng Viện Hàn lâm” đều được AMPAS đăng ký tên thương mại để tránh các vụ kiện tụng hoặc tranh chấp có thể xảy ra.

“Oppenheimer” đại thắng Oscar 2024

Đúng như dự đoán, tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang lớn trong thời gian qua là  “Oppenheimer” đã giành “mưa giải thưởng” trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 96 tổ chức tại Nhà hát Dolby, TP Los Angeles vào đêm 10-3, giờ địa phương (tức sáng 11-3, giờ Hà Nội). Bộ phim về “cha đẻ” của bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã mang về 7 giải thưởng, trong đó có hạng mục quan trọng nhất-Phim hay nhất.

Bộ phim cũng mang về cho nhà làm phim 54 tuổi Christopher Nolan tượng vàng tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, trong khi Cillian Murphy được trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Trên sân khấu, tài tử người Ireland bày tỏ: “Tôi nợ các bạn nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Khi chúng tôi làm phim về "cha đẻ" của bom nguyên tử, êkíp muốn tri ân đến những người bảo vệ hòa bình trên toàn thế giới”. 

Ngoài ra, “Oppenheimer” còn sở hữu các giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất, Nhạc phim xuất sắc nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Dự án có kinh phí 100 triệu USD này được giới phê bình đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2023 và nhận được 13 đề cử tại Oscar 2024. Tác phẩm được chuyển thể từ cuốn sách tiểu sử “American Prometheus” do Kai Bird và Martin Sherwin viết, xoay quanh cuộc sống và công việc của nhà vật lý lý thuyết J. Robert Oppenheimer (Cillian Murphy đóng)-người lãnh đạo dự án Manhattan sản xuất vũ khí hạt nhân. 

“Oppenheimer” là tác phẩm đạt doanh thu cao thứ ba năm 2023, với hơn 950 triệu USD. Phim gây chú ý trong mùa giải thưởng năm nay khi chiến thắng tại nhiều sự kiện tiền Oscar như Quả cầu Vàng, giải Lựa chọn của nhà phê bình điện ảnh và giải Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh. 

Đúng như dự đoán của giới chuyên môn, minh tinh Emma Stone đã thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhờ diễn xuất thăng hoa trong “Poor things”. Trước khi đoạt giải Oscar 2024, Emma Stone đã chiến thắng ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại giải Quả cầu Vàng 2024. Đây cũng là giải thưởng thứ tư của “Poor things” tại Oscar 2024, sau chiến thắng tại các hạng mục Làm tóc và trang điểm xuất sắc, Thiết kế sản xuất xuất sắc và Thiết kế trang phục xuất sắc.

Giải Oscar 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của chiến thắng còn đọng mãi. Các nhà làm phim, diễn viên tiếp tục cống hiến để cho ra đời những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, tiếp tục chờ đợi được vinh danh trong những kỳ Oscar tiếp theo.

ĐĂNG HẢI