Con đường lắm nẻo

Sergei Naryshkin sinh ngày 27-10-1954, tại tỉnh Leningrad. Trong tiểu sử không có thông tin gì về cha mẹ ông. Chỉ biết rằng ông là hậu duệ của gia tộc Naryshkin lừng danh thuở trước, mà nổi tiếng nhất là Hoàng hậu Natalia Naryshkina của Sa hoàng Aleksei Mikhailovich...

Thời thơ ấu của Sergei Naryshkin trôi qua tại thành phố nhỏ Vsevolozhsk. Cũng ở đó, ông từng làm việc trong đội sinh viên xây dựng. Ngay từ nhỏ, Sergei đã rất say mê môn bơi lội và cho tới nay vẫn giữ thói quen mỗi sáng bơi từ 30 đến 500m. Nhờ thế, ông đã duy trì được tình trạng thể lực tuyệt vời. Năm 1972, ông tốt nghiệp trường trung học chuyên về nghệ thuật. Năm 1978, ông tốt nghiệp Khoa Kỹ sư vô tuyến điện tại Trường Đại học Bách khoa Leningrad. Tiếp theo, ông tốt nghiệp ngành kinh tế tại Trường Đại học Quản trị quốc tế Saint Petersburg. Ông biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Năm 2004, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ kinh tế với chủ đề “Đầu tư nước ngoài vào Nga như một yếu tố phát triển kinh tế”. Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế học năm 2010 với chủ đề “Đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế Nga”.

Ngay từ thời sinh viên, Naryshkin đã gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô và hoạt động rất tích cực trong công tác đoàn thanh niên: Ông từng là Bí thư chi đoàn của lớp, rồi Bí thư liên đoàn khóa, Phó bí thư Đoàn trường (trong năm 1977)... Khi tốt nghiệp năm 1978, ông đã là Bí thư Đoàn của trường đại học. Không có thông tin về công việc của ông trong giai đoạn 1978-1982.

leftcenterrightdel
Ông Sergei Naryshkin tại Lễ khánh thành Tượng đài các chiến sĩ tình báo Nga, ngày 2-9-2020. Ảnh: Phòng Quan hệ báo chí SVR.

Theo các phương tiện truyền thông, ngay từ thời điểm đó, cơ quan an ninh Liên Xô đã để mắt tới chàng thanh niên trí thức năng nổ, điềm đạm và ít lời này. Chính vì thế nên sau khi tốt nghiệp đại học, Naryshkin đã “biến” đi đâu mất 3-4 năm rồi lại xuất hiện trên những vị trí mà thông thường vẫn dành cho các nhân vật mang quân hàm an ninh. Từ năm 1982, Naryshkin là trợ lý hiệu trưởng về quan hệ khoa học quốc tế, Phó trưởng ban Quan hệ kinh tế đối ngoại ở Trường Đại học Bách khoa Leningrad.

Theo những thông tin không chính thức, từ năm 1978 đến 1982, ông đã tham gia khóa đào tạo đặc biệt tại Trường số 101 thuộc Tổng cục I KGB (nay là Học viện Tình báo đối ngoại). Cũng chính tại đây, ông đã được làm quen với Vladimir Putin. Có nguồn tư liệu cho rằng, tại trường tình báo, Naryshkin đã được đào tạo ngoại ngữ để chuẩn bị thực thi công vụ ở nước ngoài... Thực tế cho thấy, công tác ở Trường Đại học Bách khoa Leningrad không lâu thì ông được cử sang làm Tùy viên kinh tế tại Đại sứ quán Liên Xô ở Bỉ... Tại đó, Naryshkin đã cố gắng không để mình trở thành người bị để ý nhiều. Một trong những cán bộ Đại sứ quán Nga ở Brussels cuối những năm 80 của thế kỷ trước khi nhớ lại về Naryshkin đã nói rằng, chàng trai này thì về mặt nguyên tắc, khó có thể nói được điều gì rõ ràng, ngoài việc anh ấy đã là “hàng xóm”.

Theo khẩu ngữ của các nhà ngoại giao, “hàng xóm”, đó là danh từ để chỉ các sĩ quan an ninh. “Hàng xóm gần”-đó là những sĩ quan KGB, còn “hàng xóm xa”, đó là các sĩ quan của an ninh quân đội GRU. Nhà ngoại giao này kể: “Nói cho đúng thì Naryshkin khi đó không phải làm việc trong tòa đại sứ quán mà là ở bộ phận thương vụ. Trụ sở của bộ phận này nằm không xa đại sứ quán, đó là cả một thị trấn ẩn mình sau những bức tường gạch. Ở đó có công sở, nhà ở, sân tennis và cả một quầy bar không tồi một chút nào...”. Việc Naryshkin được cử đi công tác ở một địa điểm quan trọng như Brussels chứng tỏ là cấp trên rất tin cậy ở ông...

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Naryshkin đã là trưởng phòng trong ủy ban về phát triển kinh tế, sau đó làm việc trong ủy ban về kinh tế và tài chính thuộc tòa thị chính Saint Petersburg. Trong Điện Smolnyi thời đó, theo các nhân chứng, Naryshkin đã khiến tất cả đều ngạc nhiên giữa sự tương phản của những bộ y phục sang trọng với phong cách giao tiếp cực kỳ giản đơn và dân dã. Lúc này, Vladimir Putin đang làm Phó thị trưởng ở “kinh đô phương Bắc”. Chắc chắn trong giai đoạn đó, quan hệ giữa Naryshkin với vị tổng thống tương lai đã càng trở nên sâu sắc và bền chắc hơn.

Từ năm 1995, sau 3 năm làm trong tòa thị chính, Naryshkin chuyển sang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và là Trưởng phòng Đầu tư đối ngoại của Ngân hàng Xây dựng Công nghiệp Saint Petersburg. Phòng đầu tư này thực ra chỉ có quy mô nhỏ: Trưởng phòng Naryshkin và hai nhân viên. Theo các nhà quan sát, lý do chuyển ra khỏi tòa thị chính Saint Petersburg chỉ đơn giản là mức lương trong lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân cao hơn hẳn so với mức lương công. Ở cương vị một công chức, Naryshkin không hạ mình xuống để “tranh thủ kiếm chác” nên không có được thu nhập cao... Tại ngân hàng, Naryshkin đã được trả lương cao gấp ba lần so với khi còn là công chức... Có giai thoại về Naryshkin như sau: Khi được cử lên làm trưởng phòng liên quan tới phát triển kinh tế, ông đã hỏi Phó thị trưởng Putin rằng: Tại sao lại thế, tôi đâu phải là người lanh lợi, tháo vát? Và ông Putin đáp: Vì anh không bao giờ biết ăn cắp nên tôi cần anh ở vị trí đó... Thực tế cho thấy, làm lãnh đạo, Naryshkin không tạo được sự kiện gì vượt trội nhưng lại rất khéo léo khước từ những dự án vô bổ...

Trong giai đoạn 1996-2004, ông là thành viên Hội đồng Giám đốc Nhà máy thuốc lá Philip Morris Izhora... Tới năm 1998, ông là Giám đốc Sở Đầu tư, Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Đầu tư trong chính quyền tỉnh Leningrad và sau đó trở thành Chủ tịch Ủy ban Quan hệ kinh tế đối ngoại và quốc tế trong chính quyền tỉnh Leningrad.

Lớn lên cùng bầu bạn

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Naryshkin là việc từ tháng 2-2004, ông được đưa lên Moscow theo chỉ đạo của người bạn cũ từ quê hương, Vladimir Putin, lúc này đã vững chân ở thủ đô. Thực ra, sự kiện này đã không làm ông ngạc nhiên vì trong suốt thời gian trước đó, ông đã luôn có tên trong “đội quân dự trữ” của tổng thống. Thậm chí có tin đồn rằng, năm 2001, ông Putin đã định đưa ông vào làm Tổng giám đốc Gazprom... Tuy nhiên, tháng 2-2004, ông Putin đã đưa ông lên làm Phó ban Quản lý kinh tế trong Văn phòng Tổng thống. Một tháng sau, Naryshkin được xếp vào vị trí Phó chánh Văn phòng Chính phủ Nga. Từ tháng 9-2004, ông được nâng lên hàm Bộ trưởng và là người đứng đầu Văn phòng Chính phủ Nga. Sự tin cậy của Vladimir Putin đối với Sergei Naryshkin đã giúp ông liên tiếp có được những vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành đất nước. Cấp dưới luôn thấy ở Naryshkin một ông sếp điềm đạm, lịch thiệp, không bao giờ cao giọng quát mắng ai... Một số nhà quan sát nhận xét, Naryshkin là người chỉ quen làm việc trong đội hình và tuyệt đối trung thành với thượng cấp.

Từ tháng 7-2007, Naryshkin là Phó thủ tướng kiêm Chánh văn phòng Chính phủ. Hai tháng sau đó, ông là Chủ tịch Hội đồng Giám đốc Tổ hợp các tập đoàn xây dựng. Từ ngày 12-5-2008 đến 20-12-2011, Naryshkin trở thành Chánh văn phòng Tổng thống Nga (trong giai đoạn này, nguyên Thủ tướng Dmitri Medvedev đã đắc cử Tổng thống, còn nguyên Tổng thống Vladimir Putin lại chuyển sang làm Thủ tướng).

Ngày 4-12-2011, ông Naryshkin được bầu làm hạ nghị sĩ và tới ngày 21 cùng tháng đã được bầu làm Chủ tịch Duma Quốc gia. Ngày 5-4-2012, ông được nhất trí bầu làm Chủ tịch Quốc hội Liên minh Nga-Belarus. Ngày 22-9-2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử ông Naryshkin làm Giám đốc SVR với nhiệm kỳ làm việc chính thức bắt đầu từ ngày 5-10-2016.

Ông Naryshkin là tác giả của 47 công trình khoa học, trong đó có 25 bài báo và 5 nghiên cứu về các vấn đề thu hút đầu tư quốc tế.

Naryshkin lấy vợ là người bạn cùng khóa trong trường đại học. Họ có hai con gái.

Đối thủ và đối tác

Nói gì thì nói, trong chính trường Nga hiện nay, Sergei Naryshkin đang là một trong những nhân vật thân cận nhất đối với Tổng thống Putin. Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, Giám đốc SVR cho biết, SVR cung cấp thông tin trực tiếp cho ông chủ Điện Kremli “không có ngày nghỉ hay ngày lễ vì thông tin được đưa về từ mọi châu lục, trừ Nam Cực”. Và “Tổng thống làm việc rất kỹ lưỡng với thông tin tình báo. Ông ấy làm việc như một người chuyên nghiệp, hiểu rõ giá trị của từng thông tin một, ghi ra các nhận xét... Chúng tôi phải xử lý những nhận xét đó, làm sáng tỏ thêm những vấn đề cần thiết, trả lời những câu hỏi của tổng thống. Và tất nhiên, đó là một niềm vui khi được làm việc với một vị lãnh đạo hiểu rõ những tinh tế và đặc thù của công tác tình báo...”.

Trong quan niệm của Sergei Naryshkin, SVR có nhiệm vụ “xác định tất cả những mối đe dọa từ bên ngoài đối với đất nước Nga và các công dân Nga, góp phần củng cố tiềm năng kinh tế, quốc phòng, khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ của quốc gia”. Ông tự đánh giá SVR là một trong những cơ quan tình báo thượng thặng, cũng thuộc tốp đầu trên thế giới như trường phái ballet hay ngành toán học của Nga. Và hiện nay, đối thủ nặng ký nhất của tình báo Nga chính là người Mỹ với CIA, cũng là một trong những cơ quan tình báo thượng thặng, hàng đầu thế giới. Đồng thời, SVR vẫn duy trì những mối quan hệ đối tác với CIA cũng như nhiều cơ quan tình báo nước ngoài khác, “trao đổi thông tin, đặc biệt là những gì liên quan tới chống khủng bố quốc tế”...

ĐẶNG ĐÌNH NGUYÊN