Một loạt cuộc họp đa phương về Afghanistan, trong đó có Hội nghị Ngoại trưởng các nước láng giềng Afghanistan lần thứ 3, vừa được Trung Quốc đứng ra tổ chức. Đây là dịp để người ta thấy rõ hơn toan tính và vai trò mà Bắc Kinh muốn khẳng định đối với Afghanistan.
Là quốc gia có đường biên giới dài hơn 80km với Afghanistan, đương nhiên Trung Quốc phải để mắt đến mọi diễn biến ở nước láng giềng này. Khác với Mỹ muốn theo đuổi một chiến thắng quân sự tuyệt đối để bình ổn Afghanistan, mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc ở đất nước Nam Á này là có một Afghanistan hòa bình và ổn định. Là cường quốc mới nổi, Trung Quốc cần môi trường ổn định tại các khu vực lân cận để phát triển.
Chính vì thế, khi Taliban còn chưa quay lại nắm quyền, Trung Quốc là nước hiếm hoi vừa duy trì quan hệ với chính quyền Kabul, vừa tiếp xúc với phe Taliban. Trong các năm 2018, 2019, Trung Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi bí mật với các thành viên phong trào Taliban. Tháng 5-2021, Trung Quốc còn đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan.
Lợi ích trước hết mà Trung Quốc tìm kiếm ở người láng giềng phía tây này là sự bảo đảm của Kabul không cho phép lực lượng đòi ly khai ở vùng Tân Cương có thể hoạt động ở Afghanistan. Hình thành từ 3 thập kỷ trước, lâu nay Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) của nhóm chiến binh cực đoan người Duy Ngô Nhĩ đặt mục tiêu giành độc lập cho vùng Tân Cương mà tổ chức này xem như một “Đông Turkestan” trong tương lai. Nhiều thành viên của ETIM hoạt động ở Afghanistan. Nếu như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây nên mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ, thì ETIM là nhân tố phá hoại đối với Trung Quốc. Ngoài mục tiêu ly khai, ETIM còn tuyên bố công khai nhắm vào Sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc. 3 dự án của sáng kiến này đang đứng trước những đe dọa từ ETIM là Hành lang kinh tế Trung Quốc-Trung Á-Tây Á, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga và Hành lang kinh tế Á-Âu mới.
Bằng việc gây ảnh hưởng ở Afghanistan, Trung Quốc đã phần nào giải tỏa được nguy cơ từ phía ETIM. Tuyên bố của ông Mullah Abdul Ghani Baradar-người đồng sáng lập Taliban và cũng là người lãnh đạo ủy ban chính trị của lực lượng này sau khi Taliban lên nắm quyền-rằng lực lượng này sẽ không cho phép tổ chức cực đoan nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để phá hoại “an ninh của bất kỳ quốc gia nào” có thể coi là thành công của Bắc Kinh trong việc ổn định khu vực phía tây xa xôi của mình.
Ngoài lợi ích an ninh, Trung Quốc còn tìm thấy ở người láng giềng nguồn tiềm năng khổng lồ các tài nguyên chưa được khai thác. Dưới góc nhìn của Bắc Kinh, Afghanistan là “mỏ vàng” vô giá cả về kinh tế lẫn chiến lược. Theo tiết lộ của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trong lòng đất Afghanistan ẩn chứa trữ lượng tài nguyên khoáng sản như đồng, sắt, bauxit, crom, thủy ngân, vàng, đá quý, chì, đất hiếm, berili, graphit, coban, dầu lửa, khí đốt... trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Để so sánh, số tiền ước tính nói trên cao gấp 50 lần GDP của quốc gia toàn núi non này.
Đặc biệt, Afghanistan có trữ lượng lithium rất lớn. Đây là kim loại không thể thiếu trong ngành chế tạo xe điện và các công nghệ chuyển đổi năng lượng khác cũng như trong lĩnh vực quân sự. Một tài liệu lưu hành nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trữ lượng khổng lồ có thể biến Afghanistan thành một “Saudi Arabia của lithium”. Trong tương lai, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2040, nhu cầu lithium trên thế giới sẽ tăng gấp 40 lần. Cùng với coban và silicium, năm 2020, lithium đã gia nhập danh sách 30 nguyên liệu thô được Liên minh châu Âu (EU) coi là “mang tính quyết định” nhờ giá trị đặc biệt của nó.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Afghanistan, chủ yếu là trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng. Một số công ty Trung Quốc thì tham gia vào các công trình xây dựng và các dự án kinh tế có tầm quan trọng cấp quốc gia ở nhiều khu vực khác nhau của Afghanistan. Bắc Kinh cũng đang nỗ lực để đưa Afghanistan tham gia Sáng kiến “Vành đai-Con đường”.
Nhìn rộng hơn từ góc độ chiến lược, việc Mỹ vội vã rút quân, để mặc Afghanistan trong một mớ hỗn độn đã làm gia tăng các mối đe dọa an ninh ở nước này. Vì thế, nhiều nước trong khu vực đang hướng sang Trung Quốc với hy vọng Bắc Kinh có thể tìm kiếm một khuôn khổ đa phương để giải quyết tình hình bất ổn ở Afghanistan. Họ tin rằng vai trò của Trung Quốc trong việc giúp khôi phục trật tự ở Afghanistan phù hợp với hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm và có khả năng ổn định khu vực.
Hiện tại cũng có các quốc gia như Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách đầu tư, lấp khoảng trống ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, song Trung Quốc là bên nhanh chân nhất và hiệu quả nhất cho đến nay. Ngay sau khi lên nắm quyền, Taliban đã tuyên bố Bắc Kinh có thể đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong công cuộc tái thiết Afghanistan. Điều này phản ánh thực tế là Trung Quốc có thể có nhiều dư địa để linh hoạt hơn trong lập trường hòa giải ở Afghanistan.
Bằng việc chủ động tham gia giải quyết vấn đề Afghanistan sau chiến tranh trong khi các nước lớn còn đang vướng mắc nhiều mối quan tâm khác, Trung Quốc đang âm thầm khẳng định họ là cường quốc hàng đầu khu vực, sẵn sàng thay thế Mỹ ở Afghanistan, chỉ khác là trong vai trò kiến tạo hòa bình, người chơi có trách nhiệm trên sân khấu khu vực Nam Á.
TƯỜNG LINH