Có lẽ vì những chiếc áo yếm hình sóng biển, vì dải mũ lính thủy bay bay của các ông già chiến sĩ đã thu hút sự chú ý của các sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội rồi Đại học Kinh tế quốc dân... Các sinh viên xúm quanh chúng tôi, hỏi đủ thứ chuyện và xin được chụp ảnh cùng dưới chân tượng đài “Xếp bút nghiên lên đường ra trận”.

Sau các hoạt động tại Hà Nội, đoàn “các cụ

binh nhì

” lên xe hát vang suốt chặng đường về thăm lại nơi đóng quân đầu tiên 50 năm trước tại một xã nghèo thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ở đây, người già, trẻ nhỏ kéo nhau đến. Những câu chuyện râm ran giữa sân đình kéo về ngõ xóm cùng các tốp thăm hỏi, tặng quà, chụp ảnh...

Không khí hân hoan, mừng mừng tủi tủi giữa các lớp người như cuộc gặp mặt của chúng tôi đã và chắc chắn sẽ còn diễn ra trên khắp đất nước ta. Cựu chiến binh với đơn vị cũ, cựu giáo chức với nhà trường, các hội đồng môn, đồng hương... với các hoạt động thăm nom, giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp ít nhiều xây dựng quê hương, trợ giúp người nghèo khó... Mọi việc đều diễn ra tự nguyện, vô tư, phần lớn là giản dị, thiết thực, không mấy ồn ào, khoa trương.

Tất cả hội, nhóm ấy cùng hoạt động của họ thực chất đều có ý nghĩa giáo dục truyền thống, gắn kết cộng đồng, các lớp người. Đây là các hình thức tổ chức, hoạt động hợp thành một loại hình di sản quý báu bắt nguồn và phát triển tự nhiên mà cũng rất tự giác của người trong cuộc. Loại hình di sản của tình người này chưa hề được định danh và có lẽ cũng không cần tên gọi. Có ý thức trân trọng, phát huy, nhân rộng di sản này sẽ là một mạch nguồn ấm áp luôn len lỏi trong đời sống dân tộc.

MẠNH HÙNG