Vì sao “dưới vẫn lạnh”? Năm 2012, sau khi Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, nhà báo lão thành Hữu Thọ trong bài báo “Nếu không sửa thì Đảng không còn động lực” đã thẳng thắn nói: “Là một đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng, tôi cho rằng, việc tự phê bình và phê bình của chúng ta hiện nay tác dụng không cao, không có vụ tham nhũng nào do chi bộ tự đấu tranh phát hiện. Vì phê bình cấp trên thì sợ bị trù úm, phê bình ngang cấp thì sợ mất đoàn kết còn phê bình cấp dưới thì sợ mất phiếu bầu”.
Đấu tranh với chính mình, với đồng chí của mình bao giờ cũng khó khăn. Một nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế đã viết: “Điều tôi chưa hiểu Việt Nam là người Việt có thể sẵn sàng anh dũng hy sinh trước kẻ thù xâm lược nhưng phê phán cấp trên thì họ không dám. Họ có thể nhẹ nhàng nhận cái chết trên chiến trường nhưng cũng sẵn sàng xéo lên vườn hoa, bãi cỏ công viên; đường hoàng đi trên đường cấm. Họ cũng sẵn sàng đánh đến chết một tên trộm cắp vặt như trộm chó, trộm gà nhưng nhiều người lại sẵn sàng đánh đổi thanh danh của mình để bảo vệ, che chắn cho những kẻ tham nhũng khủng...”.
Vì sao một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay lại thiếu dũng khí? Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đánh giá: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.
Người có dũng khí là người sẵn sàng lên tiếng hay hành động đấu tranh với những thói hư, tật xấu trong cuộc sống thường ngày. Người Việt Nam vốn có thói quen suy nghĩ là “dại bầy hơn khôn độc”, “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Chính vì thế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chống tham nhũng phải trở thành phong trào tự giác trong quần chúng thì mới thành công. Phải tạo ra “lò lửa” chống tham nhũng, kiên quyết không để “trên nóng, dưới lạnh”; khi “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Muốn thế, Đảng phải giáo dục mỗi cán bộ, đảng viên trở thành người có dũng khí, hay nói cách khác là trở thành người can đảm. Như một nhà giáo dục đã nói: “Can đảm là phẩm chất cần thiết nhất của mỗi người vì nếu không có nó, bạn sẽ không có cơ hội thể hiện những phẩm chất tốt đẹp khác”.
HỒNG HẢI