Là hướng đi tất yếu của thời toàn cầu hóa, triết học liên văn hóa quan niệm nhà văn như cây xanh cắm sâu 3 chùm rễ khỏe mạnh vào 3 mảnh đất: Văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa nhân loại và cuộc sống đương đại rồi vươn cao cành lá lên bầu trời văn minh quang hợp ánh sáng tư tưởng tiên tiến của thời đại. Nhờ vậy trái cây tác phẩm mới kết tinh được những giá trị tinh hoa đặc sắc, phong phú. Chiểu theo quan niệm này thì nhà văn chỉ được xã hội tôn vinh khi kiến tạo nên tác phẩm có ý nghĩa trong việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, khơi gợi tinh thần yêu nước, nâng cao phẩm giá con người... Còn “tác phẩm” nhạt nhẽo, nghèo nàn thì bạn đọc không thể đánh giá cao tác giả. Lại còn vì có “quà” và đi “cửa sau” để được gọi là “nhà văn” thì rõ ràng đó là thứ danh hão. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Dân trí. 

Tác phẩm văn chương là một giá trị văn hóa, do vậy, nhà văn cũng là một nhà văn hóa mang sứ mệnh cao cả làm giàu thêm đời sống tinh thần dân tộc. Là tấm gương soi, tác phẩm là sự thể hiện rõ nhất nhân cách tốt đẹp, trong sáng, tài năng đích thực đã qua khổ luyện của nhà văn. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Có tác phẩm hay tự nhiên thiên hạ sẽ tôn vinh tác giả là nhà văn. Cớ sao cần phải đi “cửa sau”?

Lịch sử văn chương cho thấy các nhà văn lớn luôn là những người lao động cần cù, gần gũi những lớp người “dưới đáy” để thấu hiểu bản chất cuộc đời mà gạn chắt ra chất sống. Đồng thời cũng là những người chịu học, chịu đọc nhất để rút ra những tinh hoa trí tuệ nhân loại rồi kết vào những con chữ phập phồng sức sống. Nghệ thuật là con đường từ thấu hiểu đến thấu cảm, đồng cảm rồi mới có thể truyền cảm tới người đọc. Chứ cứ đi “cửa sau”, thậm thụt như vậy làm sao có được tác phẩm hay cho đời.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ