Hóa ra việc của anh cũng giống việc của bao nhà: Quyết định cho con trai con đường đi tiếp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Mâu thuẫn giữa bố-con nhà họ cũng từ đây:
- Phải đại học! Đại học thì bố mày mới mở mày mở mặt với thiên hạ! Tương lai mày mới xán lạn!
- Học nghề, vững nghề, lành nghề sẽ sống được với nghề bố ạ.
Hóa ra, cậu con trai ngoài việc nghe lời bố mẹ làm hồ sơ xét tuyển đại học đã lẳng lặng “tự quyết” mấy trường trung cấp dạy nghề...
Nhiệm vụ của tôi là thuyết phục chàng trai trẻ nghe theo lời bố mẹ.
Câu chuyện tưởng dễ nhưng hóa ra lại không đơn giản! Nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn luôn mơ ước con mình học rộng, ra trường có nghề nghiệp, có thu nhập tốt và cuộc sống ổn định. Được hanh thông như thế thì miễn bàn. Thế nhưng ở đời, mọi chuyện đâu có dễ dàng như vậy. Bài toán tốt nghiệp đại học xong làm gì, ở đâu, có đúng chuyên môn học không tiếp tục làm nản lòng rất nhiều người.
Vậy thì “học nghề, vững nghề, lành nghề” để “sống được với nghề” như ý kiến của cháu tôi, một thanh niên nghiêm túc nêu ra, đâu phải không có lý. Thuyết phục hơn nữa là cháu đã quyết tâm, cân nhắc và suy nghĩ kỹ, căn cứ vào năng lực của mình và đã đưa ra quyết định thiết thực...
Một anh thợ sửa ô tô hay theo nghề điện lạnh mà lành nghề, thu nhập ổn định sẽ làm gia đình yên tâm hơn so với chàng cử nhân thất nghiệp hoặc công việc bấp bênh, lương “ba cọc ba đồng” do học không thực hay mà cày thì không biết.
Và tôi đã không hoàn thành được nhiệm vụ như anh chị tôi mong muốn!
TRỊNH VÕ