Năm 1959, Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Ninh. Trên đường đi, Người nghỉ trưa dưới bóng mát ở một rừng thông. Là chiến sĩ bảo vệ Bác, anh Nhỏ mở cơm nắm mời Bác. Người hỏi vui: “Thịt hộp Việt Minh đâu?”. Đây là món ăn Bác ưa thích mỗi lần đi công tác xa. Anh Nhỏ mở hộp sắt đựng thịt nạc băm nhỏ lẫn muối vừng và ớt... Sau này, Bộ đội Biên phòng đã học tập cách chế biến món “thịt hộp Việt Minh” này, rất tiện lợi để dùng trong các chuyến tuần tra.

Ngồi quây quần quanh Bác trong rừng thông mùa xuân với nắng nhẹ, phấn vàng thơm, gió mát gợi các chiến sĩ nhớ về mùa thu lịch sử năm nào được bảo vệ Bác từ “Thủ đô kháng chiến” về Thủ đô Hà Nội. Khi đó, các anh được chứng kiến cảnh tưng bừng nghìn năm một thuở “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. Các anh rầm rì nhắc lại những kỷ niệm đẹp năm ấy. Anh Nhỏ nói: “Thưa Bác, chúng cháu xin phép được hỏi Bác”. “Chú cứ nói”. “Có phải ngày, tháng giải phóng Thủ đô (10-10) là Bác lấy đúng ngày vua Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long không ạ?”. Bác Hồ cười: “Ai nói với chú điều ấy?”. “Thưa Bác, cháu nghe nhiều đồng chí cán bộ nói ạ”. “Các chú có tin không?”. “Thưa Bác, nếu đúng thế thì đẹp quá, con cháu càng nhớ đến tổ tiên”. Bác Hồ cười: “Các chú thấy đúng, có lợi thì cứ tin. Điều gì có lợi cho dân, cho nước, các chú nghe theo là được”.

leftcenterrightdel
Tượng “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” trong khuôn viên Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên.   Ảnh: BẢO KHÁNH

Nhìn thấy Bác mở hộp lấy điếu thuốc lá, một chiến sĩ đi tới đánh diêm. Bác đưa tay ngăn lại. “Chú để Bác làm”-Bác cười-“Chú đánh diêm, gió thổi lửa cháy râu Bác”. Bác và các chiến sĩ cùng cười vui. Song anh em nghĩ ngay rằng Bác đã làm một việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn: Việc mà cấp trên thấy làm được thì cần tự làm lấy, không được quan cách phiền hà đến cấp dưới. Bác đánh diêm châm lửa điếu thuốc rồi dùng đế dép cao su di tắt tàn lửa. Bác nói: “Đáng lẽ trong rừng thông thì không nên hút thuốc. Nếu hút thì phải dập tắt hết tàn lửa”. Hút xong hơi thuốc lá, Bác nói: “Các chú thường nói học tập Bác, nhưng có hai điều các chú đừng học”-Bác cười hiền hậu-“Một là Bác hút thuốc lá nhiều, không có lợi cho sức khỏe. Hai là Bác không lập gia đình…”. Đôi mắt sáng, hiền từ của Bác đăm đắm nhìn bộ quân hàm xanh trên vai áo anh chiến sĩ bảo vệ: “Quân hàm của các chú đẹp, dễ coi đấy”. Lời khen của Bác đã khích lệ các chiến sĩ: Màu xanh của đồng ruộng, của núi rừng, của đất nước bình yên được mang trên vai là sự vẻ vang và luôn nhắc nhở trách nhiệm gánh vác của mình!

Rồi Bác hỏi anh chiến sĩ bảo vệ ngồi gần:

- Tên chú là gì?

- Thưa Bác, cháu tên là Thểu ạ!

- Sao chú lại tên là Thểu?

- Thưa Bác, năm Ất Dậu (1945), bố mẹ cháu chết đói, anh em cháu dắt díu nhau đi xin ăn lang thang nên người làng đặt tên cho anh em cháu là Thất, Thểu ạ.

Bác Hồ ngồi im lặng, xúc động nhìn anh chiến sĩ. Bác nói:

- Bác cháu ta đi làm cách mạng là để xóa kiếp sống cũ, xây dựng cuộc đời mới, chú nên đặt tên mới để thể hiện sự đổi thay cuộc đời mình-Bác nói chậm rãi-Từ nay, chú nên đổi tên là Thảo. Bao giờ về thăm nhà, chú nói với anh trai nên đổi tên là Hiếu-Bác nhìn các chiến sĩ-Các chú gọi tên chú Thểu là chú Thảo nhé. Như thế vừa giữ được vần cũ lại có ý nghĩa hiếu thảo với nhân dân.

Bữa cơm giữa rừng thông với Bác thật thắm nghĩa đượm tình.

Nhà văn TRẦN HỮU TÒNG