Đây là nghi lễ thiêng thờ kính tổ tiên duy nhất có ở nước ta nên được thế giới chú ý. Ngoài sự khẳng định những ý nghĩa tích cực, tốt đẹp góp phần cơ bản tạo nên sức mạnh nội sinh của một dân tộc, thế giới hôm nay còn nhìn sự kiện này ở tầm văn hóa phổ quát nhân loại, coi đó là cầu nối để đối thoại quá khứ và hiện tại. Phải trở về quá khứ “tiếp nhận” những giá trị tinh hoa của lịch sử để được giàu có, mạnh mẽ hơn, lấy đó làm bệ phóng mà cất cánh bay vào bầu trời văn minh tương lai.

leftcenterrightdel
Đoàn rước lễ, dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023. Ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN 

Như vậy, nghi lễ dâng hương là một giá trị tinh thần đặc sắc mang ý nghĩa lớn lao. Do đó cũng phải có một ứng xử văn hóa tinh thần tương ứng. Qua quá trình tiếp biến “tam giáo đồng nguyên”, truyền thống văn hóa Việt gọi hành động dâng hương là “tâm hương”, hiểu ngắn gọn là “hương lòng”, tức dâng hương bằng tấm lòng thành để hương thơm ngát trong tâm. Làn khói hương mang tính “văn hóa hai chiều”, vừa dâng lên tấm lòng biết ơn thơm thảo vừa được “thụ hưởng” vào tâm cái linh thiêng, thánh thiện của tổ tiên ban cho. Vì thế, tâm phải thanh khiết, trong sáng, an nhiên, phải tập trung tuệ giác, bằng hai tay thành kính cắm nén hương cho ngay thẳng và một phút cúi đầu tưởng nhớ... Hiểu vậy thì không cần “mâm to cỗ đầy”, không cần những “kỷ lục”... càng không cần tiền bạc, đồ lễ đắt giá mới thể hiện “cái tâm”. Mà có thể bất kỳ ở đâu, lúc nào cũng vẫn có thể “tâm hương”!

Và mỗi dịp như vậy cũng là lúc để cháu con hội ngộ, sum vầy. Đó cũng là lý do rất cần tổ chức các lễ hội theo đúng tinh thần truyền thống mà trong lễ hội sẽ có cả những hoạt động tri ân như: Trồng cây, tu sửa di tích lịch sử, nghĩa trang, thăm hỏi các lão thành cách mạng, gia đình liệt sĩ, người nghèo neo đơn...

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ