Ông được coi là nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Những thành tựu khoa học lớn lao của ông đã khiến tên gọi "Einstein" trở nên đồng nghĩa với từ thiên tài.

Với một người có bộ óc siêu việt như A.Anh-xtanh, chắc nhiều người tò mò muốn biết ông đã học và đọc như thế nào?

Khi Anh-xtanh đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1921, một nữ ký giả Thụy Điển có hỏi ông: "Thưa ngài, để sáng tạo ra những nguyên lý vĩ đại cho khoa học, chắc là ông đã đọc, ghi chép và ghi nhớ nhiều lắm?". Nghe câu hỏi, Anh-xtanh nghiêm túc trả lời: "Muốn học dĩ nhiên phải đọc. Tôi đã đọc khá nhiều. Còn ghi chép ư? Tôi không bao giờ ghi chép những cái đã có sẵn trong sách hay trong từ điển. Những cái đó cần tôi cứ việc giở sách ra để tra cứu. Tôi để dành thời gian và tâm sức để ghi những gì mà tôi nghĩ ra mà chưa ai nói tới".

Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu vật lý, Anh-xtanh đã luôn trăn trở với một câu hỏi ám ảnh ông suốt từ thuở ấu thơ: "Cái gì sẽ xảy ra khi con người bắt kịp các tia sáng?". Theo các định đề lý thuyết của ông, mọi chuyển động của vật chất trong không gian và thời gian chỉ có tính chất tương đối. Và theo ông, ánh sáng có tính chất hạt, vì vậy bản thân chúng cũng có khối lượng. Nếu thế, ánh sáng không hẳn lúc nào cũng đi theo đường thẳng (với vận tốc xấp xỉ 300.000km/giây) mà sẽ bị "bẻ cong" đi khi đi qua một trường hấp dẫn nào đó trong không gian. Giới khoa học lúc đó chưa ai tin. Mãi đến năm 1919, một nhà thiên văn học người Anh tên là Ác-tơ Ê-đinh-tơn (Arthur Eddington, 1882-1944), trong một chương trình trắc nghiệm nhật thực tại Nam Mỹ, đã đo được góc lệch của những ngôi sao ở vị trí ảo so với vị trí thực (đường đi của ánh sáng từ các ngôi sao bị cong đi khi đi qua một trường hấp dẫn lớn là Mặt Trời), thế giới khoa học mới thực sự thừa nhận thiên tài của Anh-xtanh. Ông trở thành biểu tượng cho sự khám phá kỳ diệu nhất của nhân loại.

Anh-xtanh thích đọc sách toán học, vật lý học, quan tâm nhiều tới văn học-nghệ thuật và âm nhạc (ông từng là bạn thân của Vua hề Sác-lô (Charlot, tên thật là Charlie Chaplin, 1889-1977). Bà vợ sau của ông, En-xa Lô-oen-tha (Elsa Lowenthal) cho biết, Anh-xtanh đọc sách vào bất kỳ thời gian nào trong ngày mà ông thích và ông thường ghi những khái niệm, phương trình hay một vấn đề mà ông nghĩ ra vào mặt sau của những chiếc phong bì đã cũ. Trong nhà ông tại Princeton (Mỹ), người ta đã thu thập được không biết bao nhiêu bản lưu giữ bút tích của Anh-xtanh trên đủ loại giấy (Bác Hồ của chúng ta cũng có thói quen này, tận dụng viết trên mặt sau của nhiều tờ giấy đã dùng).

Anh-xtanh từng thổ lộ: "Tôi thành công không phải tôi thông minh. Tôi thành công nhờ sự chăm chỉ và ham hiểu biết. Chính từ lòng kiên trì mà con rùa đã thắng cuộc. Người ta nói rằng, giá trị của bưu phẩm là cuối cùng nó đã đến được tay người nhận. Nhưng bạn phải nhớ, đọc cũng giống như ta thưởng thức một món ăn. Nó sẽ vô vị nếu ta không hứng thú".

Điều này làm chúng ta nhớ tới câu nói nổi tiếng của V.I.Lê-nin: "Đọc, xét cho cùng, cũng là một nghệ thuật". Muốn thông tuệ và hiểu biết, dĩ nhiên chúng ta phải đọc nhiều. Nhưng đọc nhiều mà không biết chọn lọc (những sách đáng đọc, đọc những sách đang thực sự cần thiết với mình, đọc phải có sự chiêm nghiệm) thì rất có thể chúng ta sẽ uổng công vô ích. Tiếng Việt có từ "mọt sách", dùng để chỉ những ai chỉ cắm cúi vùi đầu vào sách vở mà xa rời thực tiễn. Thực tiễn luôn luôn là tiêu chuẩn của chân lý. Chính cuộc đời và sự nghiệp của Anh-xtanh là những bài học thấm thía đối với chúng ta trên bước đường học, đọc và trau dồi học vấn.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH