Bộ SGK công nghệ giáo dục theo đánh giá của Hội đồng thẩm định SGK là “không đạt”. Nhưng bộ sách này đã có hơn 40 năm “thực nghiệm”, được rất đông giáo viên, phụ huynh, học sinh từng học đánh giá cao. Bản thân GS, TSKH Hồ Ngọc Đại kiên quyết không chỉnh sửa để bảo vệ quan điểm của mình, dù nếu ông “khéo léo, nhường nhịn” một chút thì cơ hội bộ sách của ông trở thành SGK là rất cao. Đó là dũng khí khoa học!

Ở góc độ khác, PGS, TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Toán cũng thể hiện bản lĩnh và dũng khí của nhà khoa học. Đứng trước áp lực dư luận và GS Hồ Ngọc Đại, ông bình tĩnh phân tích: “Tôi không lạ gì những quyển sách viết như sách của thầy Đại bây giờ. Hồi cuối những năm 70 của thế kỷ trước, tờ báo Le Monde của Pháp có “tiêu đề khủng” về những cuốn sách theo cách tiếp cận như vậy” và đề nghị: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giữ vững nguyên tắc, chương trình mới phải có SGK mới. SGK đã cũ, không còn phù hợp nên loại bỏ”.

Tranh luận là con đường tất yếu để tìm ra chân lý. Cuộc đối thoại công khai và thẳng thắn về bộ SGK công nghệ giáo dục lần này chưa tìm ra tiếng nói chung nhưng lại giúp công luận nhìn ra những điểm tích cực: Dũng khí của các nhà khoa học.

NGUYỄN HỒNG