Các ông chồng muốn vợ “giỏi việc nước” thì phải quan tâm, chia sẻ việc nhà với vợ theo phương châm giúp vợ “giảm việc nhà”.
Chia sẻ của đại biểu nói trên được nhiều nhà báo đồng tình. Có người nêu ví dụ: Khách hàng của các quán bia sau giờ làm việc hành chính ở các thành phố phần lớn là nam giới. Đi ăn cỗ đám cưới, đám ma ở nông thôn cũng phần lớn là đàn ông. Như vậy, việc chăm con, nấu cơm, quét dọn nhà, giặt quần áo... chủ yếu do người vợ đảm nhiệm.
Thiên chức của người phụ nữ là sinh con và nuôi con. Thời phong kiến, phụ nữ thường không được đi học. Quanh năm, họ luôn tất bật với công việc ở ngoài đồng, về nhà lại chăm đàn gà, đàn lợn rồi quanh quẩn dưới bếp... Giờ đây, không ít chị em học cao, hiểu rộng, kiếm tiền không thua gì cánh mày râu. Rất khó để đòi hỏi phụ nữ vừa phải “giỏi việc nước” vừa phải “đảm việc nhà”. Bởi lẽ, đã đảm nhận việc này thì phải giảm bớt việc kia. “Tôi mong rằng cánh mày râu quan tâm, chia sẻ hơn về công việc gia đình, chăm sóc con cái, giúp phụ nữ vơi đi gánh nặng”-một nữ đại biểu Quốc hội đã phát biểu như vậy.
Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội nước ta thông qua từ năm 2006. Sau hơn 10 năm, luật đã phát huy tích cực trong cuộc sống, góp phần bảo đảm thi hành tốt quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều gia đình, nhiều người vẫn còn quan điểm về bình đẳng giới chưa thực sự đúng đắn, đặc biệt là về đảm nhận việc nhà. Giải phóng phụ nữ khỏi “nhiệm vụ triền miên” chăm sóc cho gia đình không có nghĩa là khuyến khích họ từ bỏ vai trò, thiên chức của người phụ nữ mà khuyến khích nam giới cùng chia sẻ, gánh vác. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ thực hiện trách nhiệm này để đi đến bình đẳng thực chất hơn.
ĐỖ PHÚ THỌ