Biết bạn đang đau khổ, tôi không nỡ nặng lời trách cứ, nhưng thực sự rất giận vì đã vài lần cảnh báo, khuyên bạn phải cảnh giác với những nhân viên chuyên xun xoe, nịnh bợ mà bạn chẳng chịu nghe; thậm chí lại còn khoe “tớ luôn được các chiến hữu trong cơ quan tuyệt đối phục tùng, tiền hô hậu ủng”.
Lâu nay, chuyện nịnh “sếp”, thậm chí a dua, hùa theo cái sai của “sếp” không hề hiếm; chỉ hiếm người dũng cảm phê bình, góp ý trước những sai lầm, khuyết điểm của cấp trên. Nguyên nhân do đâu thì hầu như ai cũng biết, chỉ có những vị “sếp” ưa nịnh là… không biết!
Lịch sử Trung Hoa xưa có một điển hình về thủ đoạn nịnh thần là nhân vật Hòa Thân đã làm mờ mắt vua Càn Long, gây khuynh đảo triều đình…
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947 đã thẳng thắn gọi các đối tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là “bọn thứ ba”, chỉ biết “theo gió bẻ buồm, không có khí khái... Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt”-một căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa; là nguyên nhân gây mất đoàn kết.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng xác định rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Vừa qua, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng cũng yêu cầu phải kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy những người mắc “bệnh” này.
Với người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” mà Đảng ta đã không chấp nhận thì những kẻ nịnh thần, hùa theo cái sai, thậm chí cố tình tham mưu sai còn nguy hại hơn rất nhiều.
Liệu các vị “sếp” ưa nịnh có thích cấp dưới giống nhân vật Hòa Thân? Có biết thành ngữ “mật ngọt chết ruồi” và “thuốc đắng dã tật”?
CÁT HUY QUANG