Đẹp như hoa hậu mà còn bị

miệt thị

ngoại hình? Thoạt nghe cứ tưởng vô lý, nhưng nó lại đang là một thực trạng xấu trong đời sống xã hội. Từ môi trường giải trí đến cuộc sống đời thường; từ hoa hậu đến người khuyết tật; từ sóng truyền hình đến hè phố, góc chợ; từ trò đùa đến thái độ sỉ nhục người khác... đâu đâu cũng có thể xuất hiện bạo lực ngôn từ, miệt thị. Đó là thói hư tật xấu mà căn nguyên xuất phát từ những hạn chế của nền văn hóa tiểu nông người Việt.

leftcenterrightdel
Ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của miệt thị. Ảnh minh hoạ: TRUNG ĐỨC

Thói ganh đua, đố kỵ khiến người ta muốn làm cho bõ ghét, nói cho bõ tức. Khi ganh ghét ai đó, một bộ phận trong chúng ta thường chọn cách chửi bới, miệt thị, thóa mạ. Mãi rồi thành quen! Miệt thị người khác chỉ làm cho mình “sướng miệng”, nhưng hệ lụy của nó là gây thù chuốc oán, "cười người hôm trước hôm sau người cười”, môi trường văn hóa bị ô nhiễm nặng nề. Hành vi phản văn hóa này tồn tại trong cái vòng luẩn quẩn...

Trên không gian mạng hiện nay, bất cứ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của hội chứng “ném đá” kiểu miệt thị. Trong nhiều trường hợp, hội chứng đám đông của miệt thị gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia, dân tộc trong hội nhập quốc tế.

Khắc chế hành vi phản văn hóa phải bằng chính sức mạnh của văn hóa. Trước khi có ý định miệt thị người khác, hãy đặt mình vào vị trí của họ. Nếu một ngày nào đó, chính bạn và người thân của bạn là nạn nhân của miệt thị, bạn sẽ sống thế nào? Khi văn hóa cảm thông, cảm thấu, chia sẻ... lấn át hành vi đố kỵ, hẹp hòi, ích kỷ, vô duyên... thì miệt thị và bạo lực ngôn từ mới bị đẩy lùi. Và muốn thế thì rất cần những phong trào, những hành động cụ thể.

PHAN TÙNG SƠN