Năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vô cùng ác liệt, một hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã diễn ra tại Hà Nội. Năm 1979, khi đất nước đang phải căng mình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, một hội nghị chuyên đề như trên cũng đã được tổ chức ở cấp quốc gia...

Thủ tướng đương nhiệm Phạm Văn Đồng hồi đó đã trực tiếp chủ trì hai hội nghị trên đây và có hai bài phát biểu quan trọng, ca ngợi sự giàu đẹp, đồng thời kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cần nhớ thêm rằng, ngày ấy chưa có thế giới phẳng, Việt Nam chưa hội nhập quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ, vấn đề bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc chưa “nóng”. Còn hiện nay, tình trạng nói và viết sai tiếng Việt trong giao tiếp, trên văn bản và truyền thông, nhất là mạng xã hội... thật đúng là thảm họa!

leftcenterrightdel

Bộ sách "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2016.  

Giao thoa và tiếp biến là quy luật phát triển của văn hóa nói chung và ngôn ngữ nói riêng. Điều ấy khác hẳn sự lai căng, pha tạp; vô tình hay cố ý làm méo mó, suy vong ngôn ngữ của dân tộc. Cũng đừng cho rằng so với các tệ nạn xã hội và quốc nạn hiện nay thì việc nói sai, viết sai tiếng Việt là chưa chết ai.

Thực trạng nguy cấp của tiếng Việt hiện nay đang rất cần một bộ Luật Ngôn ngữ tiếng Việt để điều chỉnh hành vi nói và viết; nhưng cần hơn có lẽ là nhận thức của các cấp quản lý, các ngành chức năng và ý thức của toàn dân về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.

Ngôn ngữ, quốc kỳ và quốc ca được coi là 3 biểu tượng thiêng liêng nhất của mỗi quốc gia và dân tộc. Bởi vậy, trân trọng tiếng Việt chính là yêu nước và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng chính là thiết thực góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

MAI NAM THẮNG