Chiến dịch “giải cứu nông sản” Hải Dương vừa kết thúc với sự chung sức, đồng lòng của rất nhiều tổ chức và cá nhân thiện nguyện. Hai doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã chọn giải pháp ứng dụng công nghệ số để giúp các hộ nông dân bán nông sản cho người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử. Nhân dân Thủ đô và nhiều địa phương khác cũng đã cố gắng tiêu thụ nông sản nhiều hơn để giúp nông dân.
Thuật ngữ “giải cứu nông sản” xuất hiện ở nước ta từ chục năm trước và hầu như năm nào cũng trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Nguyên nhân dẫn đến việc phải “giải cứu nông sản” đã được nhiều cơ quan chức năng “mổ xẻ”, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ sự thiếu liên kết giữa 3 khâu: Sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nông dân có tư duy mùa vụ, thấy mùa trước bán được giá thì mùa sau cứ trồng, dẫn đến cầu vượt cung trong thời vụ. Doanh nghiệp thu mua thì lại có tư duy thương vụ, thấy có lãi thì mới kinh doanh. Nếu hai tư duy này không gặp nhau thì việc “giải cứu nông sản” vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để “tư duy mùa vụ” và “tư duy thương vụ” gặp nhau? Phải chăng đó là sự liên kết, chia sẻ cả quyền lợi và nghĩa vụ giữa người sản xuất, người lưu thông và người tiêu thụ hàng hóa? Việc quy hoạch và tổ chức lại sản xuất phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường. Trong đó, đặc biệt coi trọng trục nông sản tiêu dùng nội địa, sức mua nội địa và bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Đa dạng thị trường, nuôi trồng nông sản theo tiêu chuẩn, sử dụng công nghệ thông tin để bán nông sản trực tuyến sẽ là giải pháp hữu hiệu để “tư duy mùa vụ” và “tư duy thương vụ” gặp nhau. Đó cũng là lối ra cho nông sản Việt trong tương lai.
ĐỖ PHÚ THỌ