Một sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ, mỗi năm cần 150.000m3 nước sạch để tưới cỏ, lượng nước đủ cho 20.000 gia đình sử dụng. Một héc-ta sân golf dùng 1,6 tấn phân hóa học mỗi năm, gây độc hại gấp 5 lần so với thuốc trừ sâu sử dụng trên đồng ruộng; gây ô nhiễm nguồn nước cùng những tác hại lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người. Về mặt xã hội, một sân golf ra đời thường kéo theo một diện tích rừng nhất định bị phá. Mỗi sân golf rộng tối thiểu từ 90ha trở lên nhưng chỉ phục vụ một lượng rất ít người dùng, hạn chế quyền sử dụng tài nguyên của số đông.

Ở nước ta, năm 2009, trước tình trạng các địa phương đua nhau xin xây sân golf, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 trên cả nước có 90 sân golf, cắt giảm 76 sân. Đến nay (2021), cả nước có 96 sân golf đã được cấp phép với 75 sân đang hoạt động. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch (hiệu lực từ ngày 1-1-2019) thì không quy hoạch sân golf trên địa bàn cả nước nữa mà do các địa phương quy hoạch lồng ghép vào tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của mình. Vì vậy, đang có một cuộc “bùng nổ” quy hoạch sân golf giai đoạn 2020-2030 ở nhiều địa phương, như: Bắc Giang quy hoạch 11 sân, Quảng Nam dự kiến cấp phép thêm 10 sân, Vĩnh Phúc đề xuất cấp phép thêm 10 sân...

Mỗi sân golf được xây dựng cần số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ và thời gian thu hồi vốn cũng phải 15-20 năm với sân có nhiều người chơi. Vậy, vì sao vẫn có rất nhiều người muốn đầu tư xây dựng sân golf. Bởi, nước ta quy định mỗi sân golf nhà đầu tư được sử dụng không quá 10% diện tích để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê. Các nhà đầu tư thường tìm kiếm lợi nhuận ở các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đi kèm sân golf.

Golf là một môn thể thao. Không ít sân golf có tác động tích cực đến kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc quyết định cho phép xây dựng sân golf rất cần chính quyền từng địa phương cân nhắc kỹ lưỡng và có tầm nhìn xa gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm công bằng xã hội.

NGUYỄN HỒNG