Tuy nhiên, không ít đề án-quy hoạch đạt kết quả thấp, thậm chí có những nội dung phá sản. Chẳng hạn: Thiếu điện và nước sinh hoạt giữa mùa nắng nóng; thiếu trường công lập cho trẻ em và nạn kẹt xe, tắc đường ở nhiều thành phố lớn... là những vấn đề đã được dự báo trong các đề án-quy hoạch có “tầm nhìn” dài hạn của các ngành và địa phương từ hàng chục năm trước. Thế mà thực tế vẫn xảy ra...

leftcenterrightdel
4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. 

Có rất nhiều lý do dẫn đến những thất bại kể trên. Nổi cộm là sự thiếu đồng bộ giữa các ngành hữu quan trong công tác quy hoạch. Lâu nay, quy hoạch ngành nào thì thường được giao cho ngành đó chủ trì soạn thảo, dẫn đến những đề xuất chủ quan, duy ý chí, lợi ích cục bộ... Cùng đó là nạn tham nhũng, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ đã phá vỡ nhiều quy hoạch được xây dựng công phu, khoa học. Tình trạng nhồi nhét nhà cao tầng trong nội đô và những “đường cong mềm mại” ở một số thành phố lớn; hoặc như việc nhiều khu du lịch sinh thái bị bê tông hóa một cách kệch cỡm, bát nháo... là những minh chứng của vấn nạn trên đây. Đặc biệt, việc cấp trên và các ngành chức năng đã thiếu đôn đốc, kiểm tra thực hiện những đề án-quy hoạch; khi có sai phạm thì thiếu kiểm điểm rút kinh nghiệm, quy trách nhiệm và xử lý nghiêm. Thực trạng này không chỉ thiệt hại kinh tế, cản trở phát triển... mà còn gây hệ lụy nhiều mặt về chính trị-xã hội.

Trên đây là một số nguyên nhân chủ yếu khiến không ít chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước bị làm méo mó trong quá trình thực hiện. Việc khắc phục những yếu kém ấy cũng là “những việc cần làm ngay”, để các đề án-quy hoạch đã và sắp công bố thực sự là những tầm nhìn khoa học, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ thực hiện. Khi mọi đề án-quy hoạch “tầm nhìn” được gắn với trách nhiệm lâu dài của những người lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, thì sẽ hạn chế được các vật cản khiến “tầm nhìn” bị... vướng.

MAI NAM THẮNG